Ngày 01/6/2021, iPOS.vn đã giới thiệu về bộ công cụ bán hàng trực tuyến dành riêng cho ngành F&B tại Việt Nam, bao gồm phần mềm quản lý bán hàng FABi giúp cửa hàng kết nối trực tiếp với các nền tảng giao hàng lớn và công cụ iPOS Web Order giúp nhà bán lẻ tự tạo website có công năng bán hàng trực tuyến. Các giải pháp tích hợp 2 trong 1 này sẽ giúp nhà bán lẻ dễ dàng vận hành cửa hàng trong tất cả các khâu giao nhận hàng.
FABi hỗ trợ kết nối với đối tác giao hàng
Giờ đây, nhờ chính sách hợp tác với hai đơn vị giao hàng trực tuyến tại Việt Nam là GrabFood và Loship, các thương hiệu F&B có thể đăng ký gian hàng bán online trên GrabFood và Loship ngay trên phần mềm FABi thay vì liên hệ trực tiếp cùng quy trình xét duyệt phổ thông. Các nền tảng giao hàng có sẵn tiềm lực mạnh về vốn cũng như hoạt động truyền thông marketing mạnh mẽ sẽ giúp thu hút khách hàng đến gần hơn với các gian hàng ảo.
Song, do việc hợp tác với hai nền tảng giao hàng trở lên, mà mỗi đơn vị lại có hệ thống quản lý độc lập làm các cửa hàng F&B gặp khó khăn trong quá trình báo cáo doanh thu, khách hàng khó đồng bộ và luồng vận hành gặp nhiều hạn chế. Do vậy, tích hợp mọi thứ trong một phần mềm quản lý bán hàng, FABi sẽ giúp nhà bán tiết kiệm thời gian “set up” và tiện lợi quản lý mọi giao dịch trong ngày.
Ngoài ra, iPOS.vn mới đây cũng đã hợp tác với AhaMove – đơn vị vận chuyển có uy tín trên thị trường. Nhờ đó, khách hàng sử dụng phần mềm FABi đã có thể đăng ký tài khoản AhaMove trực tiếp mà không cần xét duyệt giấy tờ. Sau khi thức ăn được chế biến, cửa hàng có thế tìm tài xế AhaMove ngay trên phần mềm FABi để thực hiện việc chuyển đơn tới cho khách.
Tự chủ kênh bán hàng qua iPOS Web Order
Công cụ iPOS Web Order – giải pháp tạo kênh bán hàng trên nền tảng web, trên phần mềm FABi sẽ giúp cửa hàng tự tạo lập riêng một website có công năng đặt hàng nhanh từ menu có sẵn trên phần mềm bán hàng, nhằm khắc phục toàn bộ các yếu điểm khi hợp tác với các ứng dụng giao đồ ăn khác. Menu bán hàng cùng giá món, hình ảnh sẽ được đồng bộ trực tiếp chỉ sau 5 phút. Đơn hàng sau khi đặt sẽ được tích hợp vào máy bán hàng tại cửa hàng, vô cùng nhanh chóng, thuận tiện và hoàn toàn miễn phí.
Ông Vũ Thanh Hùng – CEO của iPOS.vn cho biết: “Việc kinh doanh online của ngành F&B là quan trọng để duy trì hoạt động của doanh nghiệp vì nhu cầu ăn uống của người dân vẫn rất lớn. Kinh doanh qua các nền tảng đặt món là bước đi tốt nếu các thương hiệu cân đối được chi phí giá thành để sau khi trừ đi chiết khấu vẫn còn lợi nhuận. Tuy nhiên khi các nền tảng ngày càng đông đúc thương hiệu, các cửa hàng nên chạy song song, xây thêm một kênh bán hàng riêng để chủ động và dần dần hướng khách hàng về kênh của mình. Theo tôi tỷ lệ hợp lý của số đơn hàng bán online ngành F&B hiện nay là khoảng 80% trên các bên thứ 3 và 20% trên kênh tự xây”.
Khi có hệ thống đặt hàng riêng, doanh nghiệp F&B sẽ có được một lượng khách hàng trung thành lớn – đều rất khó kiếm nếu các chuỗi F&B chỉ hoạt động trên các nền tảng giao nhận thức ăn trung gian. Với những khách hàng nhớ tên website và vào đặt hàng, họ sẽ nhận được những ưu đãi lớn hơn khách hàng thông thường. Không chỉ vậy, các thương hiệu F&B mới có được thế chủ động trong hoạt động kinh doanh online của mình. Chẳng hạn, họ có thể đổi menu, thêm combo hay các khuyến mãi khác nhau và không cần phải xin phép – báo cáo với bất kỳ ai hay khi đột nhiên số lượng khách hàng ngừng đặt hàng cao sẽ không khó để tìm ra nguyên nhân.
“Dịch Covid-19 và các chỉ đạo giãn cách xã hội chỉ giúp cho tốc độ chuyển đổi ngày càng nhanh và mạnh hơn. Và đối tượng chuyển đổi cũng không chỉ dừng lại ở các thương hiệu F&B lớn mà ngay cả cửa hàng kinh doanh nhỏ cũng đã thay đổi để phục vụ nhu cầu thị trường” – ông Hùng cho biết.
Đình Tùng