Giá cước tăng cao phi mã, doanh nghiệp xuất khẩu bị đẩy vào thế khó
Giá cước tăng cao cùng sự khan hiếm container rỗng đã khiến các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu phải điêu đứng. Điều này không chỉ có tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa tại thị trường đích.
Để xuất khẩu hàng hóa vào tháng 12/2021, nhiều doanh nghiệp đã phải đặt container trước từ 1 đến 2 tháng. Ngoài ra, hiện nay các doanh nghiệp còn gặp phải tình trạng các hãng tàu tự động hủy đặt chỗ trước do có doanh nghiệp khác đồng ý trả cước cao hơn để thế chỗ, đẩy nhiều doanh nghiệp vào thế khó.
Từ tháng 10/2021 đến nay, giá mỗi container 40 feet của các hãng tàu CNC, Yang Ming , OOCL, Wanhai, Maersk Line, Cosco, ZIM đã tăng thêm từ 2.000 – 5.000 USD cho các tuyến dịch vụ từ Việt Nam đi Mỹ, châu Âu, Australia, Nga.
Giá một container 40 feet đi Mỹ đã chạm mốc 20.000 USD. Tại một số cảng biển ở Nga, giá cước đã tăng lên mức 15.000 USD/container 40 feet. Đối với container lạnh cũng đã tăng gần gấp đôi, lên 13.000-14.000 USD/container 40 feet.
Theo chia sẻ của Ông Thái Như Hiệp, Giám đốc Công ty sản xuất, xuất khẩu cà phê Vĩnh Hiệp tại Gia Lai với báo Tiền Phong, giá cước tàu biển hiện nay đã tăng gấp 10 lần so với đầu năm, vượt sức chịu đựng của doanh nghiệp, cước vận chuyển mỗi container 40 feet đi châu Âu hiện dao động từ 8.000-10.000 USD.
Áp lực cạnh tranh trên thị trường thế giới
Tình trạng này có thể đưa các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu tại Việt Nam có thể phải đối mặt với tình trạng mất khách hàng nước ngoài.
Bà Trần Thụy Quế Phương – Chánh văn phòng VASEP cho biết, hiện nay chi phí đầu vào như nguyên vật liệu, điện nước, xăng dầu v.v tại các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu liên tục tăng cao. Cùng với đó là chi phí phát sinh cho hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 tại các doanh nghiệp.
Vì vậy, việc giá cước tàu liên tục tăng “phi mã” trong thời gian qua đã góp phần đưa giá thành sản phẩm tăng cao, giảm sức cạnh tranh của Việt Nam so với các quốc gia khác như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, v.v.
Ông Đinh Gia Nghĩa, Giám đốc công ty thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao cho rằng, nếu tình trạng giá cước không có dấu hiệu đảo chiều thì các đối tác nước ngoài sẽ dần bỏ thị trường Việt Nam để đến với các thị trường khác có chi phí vận chuyển thấp hơn, nhất là Nam Mỹ, nơi mức phí đi EU chỉ bằng khoảng 75% so với từ Việt Nam.
Nguyên nhân xuất phát từ…
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), nguyên nhân của sự biến động giá container và cước vận chuyển tăng cao là do sức mua đang tăng mạnh khi nền kinh tế thế giới đang dần phục hồi hậu COVID-19.
Trong khi đó, theo ông Hiệp, giá tăng cũng xuất phát từ tình trạng thiếu container rỗng trong bối cảnh trước và trong quá trình phục hồi sản xuất trong điều kiện bình thường mới. Lý do bởi hiện nay Trung Quốc kéo container rỗng về nước họ và nhiều tàu của các hãng quốc tế cũng bị mắc kẹt tại các cảng ở nhiều nơi trên thế giới, v.v. Hơn nữa, COVID-19 tại khu vực phía Nam cũng khiến các hãng tàu cắt giảm chuyến về Việt Nam khiến nguồn cung container khan hiếm hơn.
Ngoài ra, theo Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam, các hãng tàu biển nước ngoài vận chuyển khoảng 88% tổng lượng hàng hóa xuất nhập khẩu từ Việt Nam đi quốc tế. Như vậy, việc quyết định giá cước tàu nằm trong tay các hãng nước ngoài. Điều này cũng có nghĩa các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam không có quyền quyết định giá cước và phải phụ thuộc vào các hãng tàu quốc tế.
Huyền Tú
ĐỌC THÊM:
Minh bạch hóa giá cước vận tải biển, tránh bị “thổi giá”