Về khái niệm: “Hàng tồn kho là những nguyên vật liệu, hàng hóa mà tổ chức dự trữ để có thể đưa ra sử dụng/để bán khi cần thiết”.
Chúng ta có thể bị lầm tưởng rằng hàng tồn kho là những vật phẩm không bán được, hay theo cách nói thông thường là bị ế, nhưng thực chất, hàng tồn kho có nhiều loại. Dưới đây là cách phân loại theo quy trình sản xuất hàng hóa.
Nguyên liệu thô (Raw material)
Đây là những nguyên liệu được cung ứng từ các nhà cung cấp của doanh nghiệp và được nhập kho dự trữ để đảm bảo cho quá trình sản xuất được tiến hành liên tục, nhịp nhàng.
Tùy theo loại hình sản xuất và sản phẩm cuối cùng của doanh nghiệp, các nguyên liệu thô được dự trữ là khác nhau. Đối với doanh nghiệp sản xuất giày thì nguyên liệu thô có thể da, vải hay chỉ; đối với doanh nghiệp chế biến thủy sản thì nguyên liệu thô có thể là cá, tôm; hay đối với doanh nghiệp lắp ráp máy tính thì nguyên liệu thô là chất bán dẫn, dây dẫn, v.v.
Việc dự trữ nguyên liệu thô góp phần hỗ trợ cho quá trình sản xuất khi các nhà quản trị tiến hành việc mua đầu cơ để chống sự tăng giá đột ngột trong trương lai hay phản ứng chậm trễ từ các nhà cung cấp.
Work-In-Process (WIP)
Đây là hàng hóa hoặc thành phẩm nào đó mới được hoàn thiện một phần và đang chờ hoàn thành, thường được chuyển từ nguyên liệu thô thành thành phẩm trong một thời gian nhất định. WIP là hàng tồn kho không thể tránh khỏi, hầu như tồn tại ở bất kỳ doanh nghiệp sản xuất nào.
WIP có thể dễ dàng tìm thấy trong nền công nghiệp sản xuất máy tính, với ví dụ điển hình là Dell. Thay vì những chiếc máy tính đã được hoàn thiện có thể ngay lập tức chuyển tới tay khách hàng, ông lớn này lại lắp ráp sẵn những bộ phận nhất định trong một chiếc máy tính (WIP) và để khách hàng chọn những linh phụ kiện còn lại như ổ cứng, pin, RAM, v.v. nhằm phục vụ cá nhân hóa với từng khách hàng.
Hàng thành phẩm (Finished Goods)
Đây là sản phẩm cuối cùng của doanh nghiệp, đã hoàn thành xong công đoạn sản xuất và sẵn sàng đưa đến tay người tiêu dùng.
Những cuốn sách vừa in xong được lưu trữ trong kho của Amazon hay những chiếc điện thoại Iphone được lưu trữ tại các cửa hàng điện thoại những ví dụ dễ thấy nhất.
Trên đây là cách phân loại hàng tồn kho theo vị trí của sản phẩm trên dây chuyền cung ứng, tuy nhiên có những mặt hàng là hàng thành phẩm của doanh nghiệp này nhưng lại là nguyên liệu thô của doanh nghiệp khác. Một số tổ chức (đặc biệt là các nhà bán lẻ và bán buôn) chỉ có dự trữ thành phẩm, trong khi đó các tổ chức doanh nghiệp sản xuất có tất cả ba loại hàng dự trữ.
Spare parts và MRO
Ngoài ra, một số mặt hàng khác không thuộc 3 loại đã kể trên cũng được xếp vào hàng tồn kho, mỗi loại hàng tồn kho này lại phục vụ cho những mục đích khác nhau của doanh nghiệp:
- Hàng tồn kho phụ tùng thay thế (Spare parts) hay hàng tồn kho phục vụ cho quá trình sửa chữa, bảo dưỡng và thay thế (Maintenance and repairs (MRO) inventory).
Đây là những phụ tùng, bộ phận, linh kiện thay thế cho máy móc, thiết bị tham gia vào quá trình sản xuất hàng hóa.
Trong quá trình sản xuất, bảo dưỡng máy móc, thiết bị là hết sức cần thiết, điều này dẫn đến việc tiêu hao một lượng nhất định các phụ tùng thay thế. Việc không có các linh kiện phù hợp có thể gây ra tác động tiêu cực một cách nghiêm trọng đến khả năng hoạt động của thiết bị. Bên cạnh đó, nó còn có thể làm giảm chất lượng của hàng hóa và ảnh hưởng xấu đến đến môi trường và sức khỏe của công nhân sản xuất.
Như vậy, quản lý phụ tùng thay thế là một hình thức kiểm soát rủi ro, góp phần giảm thiểu một cách tối đa sự tổn hại về nhiều mặt đối với hoạt động kinh doanh và đảm bảo sự vận hành ổn định của quá trình sản xuất.
Hàng tiêu dùng (Consumables)
Đây là những hàng hóa được sử dụng bởi các cá nhân và doanh nghiệp và phải thay thế thường xuyên khi chúng đã hao mòn hay đã sử dụng hết. Đây là những hàng hóa được sử dụng để hỗ trợ cho quá trình sản xuất, chúng không cấu thành bất cứ bộ phận nào của sản phẩm cuối cùng.
Một số loại hàng tiêu dùng được sử dụng trong quá trình sản xuất là: dầu, chất tẩy rửa, hàng văn phòng phẩm,…
Một ví dụ đơn giản có thế khiến các bạn hình dung rõ hơn
Động Lực là công ty sản xuất các trang phục thể thao cho đội tuyển Việt Nam tham dự thế vận hội Olympics Tokyo 2021. Để sản xuất một bộ trang phục thể thao hoàn chỉnh, những loại hàng tồn kho sẽ xuất hiện bao gồm:
- Nguyên liệu thô của họ là len, bông, vải.
- WIP là các bộ phận đang được thực hiện tại một thời điểm nhất định.
- Hàng hóa thành phẩm là bộ trang phục thể thao hoàn chỉnh đang chờ được giao cho khách hàng.
- Phụ tùng thay thế được dự trữ để bảo dưỡng cho các máy dệt, máy may và các thiết bị khác.
- Hàng tiêu dùng bao gồm chất tẩy rửa, văn phòng phẩm và các vật liệu khác để duy trì hoạt động.
Minh Đức, Nhật Huyền
Đọc thêm: