Trung Quốc – một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Mông Cổ, cũng là trung tâm trung chuyển chính không giáp biển của nước này (bên cạnh Nga) giúp tiếp cận hầu hết các hoạt động kinh tế và giao thương với các nước khác. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng tắc nghẽn cảng biển kéo dài nên chính phủ hai nước đang tìm cách tháo gỡ để vượt qua thách thức.
Kể từ cuối tháng 4/2021, hàng chục nghìn container vận chuyển đã bị tắc nghẽn ở Biển Đông, làm gián đoạn chuỗi phân phối và cung ứng cho thị trường toàn cầu. Do đó, các chuyến hàng của Mông Cổ đã bị gián đoạn tại các cảng lớn như Thiên Tân, Đại Liên và Erenhot. Hiện có khoảng 4.378 – 5.000 container vận chuyển của Mông Cổ đã bị đình trệ tại các cảng này.
Ngày 16/9, phái đoàn Mông Cổ đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh kỷ niệm 20 năm thành lập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) tại Dushanbe, Tajikistan. Phó Thủ tướng Amarsaikhan Sainbuyan, đã gặp Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc – Vương Nghị để thảo luận về các kế hoạch ngắn hạn cho thương mại Trung Quốc – Mông Cổ, đặc biệt liên quan đến tắc nghẽn cảng Thiên Tân ảnh hưởng đến nền kinh tế.
Trong cuộc gặp, Ông Amarsaikhan đã đặc biệt chỉ ra những thách thức kinh tế mà cả hai nước đang phải đối mặt. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của thương mại Mông Cổ – Trung Quốc, đặc biệt là 4.378 container vận chuyển hiện đang bị kẹt tại cảng Thiên Tân. Phó Thủ tướng kêu gọi hai chính phủ tập trung đẩy nhanh luồng hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới, tăng cường xuất khẩu than và giảm ùn tắc các container chứa cả vật dụng kinh doanh, cá nhân vận chuyển từ các nước thứ ba.
Đáp lại, ông Vương Nghị tuyên bố rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục hỗ trợ các nỗ lực của Mông Cổ trong cuộc chiến chống lại COVID-19 bằng cách cung cấp vắc xin và hỗ trợ tài chính. Ngoài ra, ông cũng nhấn mạnh chính phủ Trung Quốc sẵn sàng quan tâm đến việc đẩy nhanh tiến độ xử lý hàng hóa tại cảng Thiên Tân.
Hơn nữa, Hiệp hội thống nhất hàng hóa và vận tải Mông Cổ gần đây đã đưa ra một tuyên bố rằng mặc dù hàng hóa di chuyển qua khu vực cảng Thiên Tân bị tắc nghẽn, nhưng chỉ có một chuyến tàu đi về hướng Mông Cổ. Ngay cả khi các container khác đang bắt đầu được vận chuyển, khối lượng và áp lực tại cảng vẫn như không có nhiều thay đổi. Giá vận chuyển hàng hóa, container, giá cho thuê và lưu kho ngày càng tăng đang bắt đầu tạo áp lực lớn, đè nặng lên các doanh nghiệp nhỏ chủ yếu dựa vào nhập khẩu.
Ngoài ra, có một vấn đề liên quan đến logistics quan trọng khác mà Mông Cổ và Trung Quốc cần giải quyết. Đó là, COSCO Shipping Corporation, tập đoàn vận tải và logistics do chính phủ Trung Quốc kiểm soát, đang kiểm soát tất cả hàng hóa đường biển được vận chuyển bằng đường sắt khắp Trung Quốc – bao gồm cả hàng hóa đi đến Mông Cổ.
Trong cuộc hội thảo online EuroChamber Mông Cổ vào tháng 7/2021, phía Mông Cổ đã nhấn mạnh những thách thức ngày càng tăng do COSCO quyết định chỉ định một “đại lý độc quyền đại diện ở Mông Cổ.” Điều này đã tạo ra một trở ngại khác cho các container vận chuyển của nước này.
Đối với Mông Cổ, an ninh và sự cởi mở của các tuyến hàng hải này là rất quan trọng. Vị trí địa lý không giáp biển của Mông Cổ đòi hỏi nước này phải dựa vào các nước láng giềng trực tiếp là Trung Quốc và Nga như là nguồn cung trực tiếp hoặc đối tác trung chuyển cho thương mại toàn cầu của Mông Cổ.
Đối với thương mại Trung Quốc – Mông Cổ, bất chấp sự gián đoạn liên tục của COVID-19 và tắc nghẽn cảng của Trung Quốc, Trung Quốc vẫn là điểm đến xuất khẩu hàng đầu của Mông Cổ. Theo báo cáo tháng 9/2021 từ Hải quan Mông Cổ, trong 9 tháng đầu năm 2021, Mông Cổ xuất khẩu 88,2% hàng hóa của mình sang Trung Quốc trong khi Trung Quốc là nguồn nhập khẩu lớn nhất của Mông Cổ, chiếm 39,9%.
Hồng Đào
ĐỌC THÊM: