Cụ thể, chỉ thị yêu cầu người vận hành tiến hành các thử nghiệm lặp lại đối với các thiết bị chuyển mạch và thay thế chúng nếu cần. Yêu cầu được áp dụng cho 2.502 máy bay đã đăng ký tại Hoa Kỳ và 9.315 máy bay trên toàn thế giới, sau khi một nhà điều hành báo cáo vào tháng 9 năm ngoái rằng cả hai công tắc áp suất đều thất bại trong bài kiểm tra chức năng trên ba mẫu Boeing 737 khác nhau.
FAA cho biết lỗi công tắc có thể dẫn đến việc hệ thống cảnh báo độ cao trong cabin không được kích hoạt nếu độ cao cabin vượt quá 10.000 feet (3.050 m). Khi đó, hành khách và phi hành đoàn trong máy bay có thể gặp nguy hiểm do không khí loãng dẫn đến lượng oxy trong máu thấp. Các cabin máy bay được điều áp ở độ cao tương đương không quá 8.000 feet (2438 m).
Boeing ủng hộ chỉ đạo của FAA về quy định bắt buộc về khoảng thời gian kiểm tra mà FAA đã ban hành cho đội bay vào tháng 6. Chỉ thị của FAA không báo cáo bất kỳ lỗi nào trên chuyến bay của các thiết bị chuyển mạch.
FAA cho hay các cuộc kiểm tra phải được thực hiện trong vòng 2.000 giờ bay kể từ lần kiểm tra cuối cùng về công tắc áp suất trong cabin, trước khi máy bay bay 2.000 giờ, hoặc trong vòng 90 ngày kể từ ngày chỉ thị có hiệu lực.
Ban đầu Boeing đã tiến hành một cuộc kiểm tra toàn diện, bao gồm cả tỷ lệ hỏng hóc dự kiến của các thiết bị chuyển mạch và nhận thấy nó không gây ra bất kỳ vấn đề nguy hiểm nào. Tuy nhiên cuộc điều tra và phân tích sau đó đã khiến FAA và Boeing xác định lại vào tháng 5 vừa qua rằng “tỷ lệ hỏng hóc của cả hai thiết bị chuyển mạch cao hơn nhiều so với ước tính ban đầu và do đó đặt ra các vấn đề an toàn khi bay”.
Boeing từ chối cho biết tỷ lệ hỏng hóc chính xác là bao nhiêu. Bên cạnh đó, FAA vẫn chưa có đủ thông tin để xác định nguyên nhân gây ra tỷ lệ hỏng hóc cao bất ngờ này.
Do tầm quan trọng của các chức năng được cung cấp bởi công tắc, FAA vào năm 2012 đã bắt buộc tất cả các máy bay Boeing 737 sử dụng hai công tắc để cung cấp dự phòng trong trường hợp một công tắc bị hỏng.
Thông tin thêm, Boeing 787 là loại máy bay hàng đầu trong phân khúc thân rộng của thị trường, trong đó Boeing chiếm ưu thế so với đối thủ Airbus. Được làm bằng vật liệu composite có trọng lượng nhẹ hơn nhôm, dòng máy bay này đặc biệt tiết kiệm nhiên liệu. Kể từ khi được chính thức đưa vào sử dụng vào năm 2012, Boeing đã bàn giao gần 1.000 chiếc 787 Dreamliners cho 69 hãng hàng không khác nhau trên toàn thế giới.
Hồng Đào