Onshore
Onshore (thường được gọi là sản xuất tại chỗ) đề cập đến việc sản xuất sản phẩm ngay tại thị trường tiêu thụ. Ví dụ, một doanh nghiệp ở California sẽ lựa chọn các đối tác thuê ngoài sản xuất của họ ở New Jersey, mặc dù là hai bang khác nhau nhưng trong cùng một quốc gia.
Ưu điểm nổi bật nhất của loại hình phát triển này là doanh nghiệp và các đối tác thuê ngoài đến từ cùng một nền văn hóa, nói cùng một ngôn ngữ. Đặc biệt, việc họp mặt trực tiếp hay tiến hành đào tạo có thể tiến hành một cách dễ dàng và tiết kiệm thời gian hơn.
Tuy nhiên, vấn đề đầu tiên và lớn nhất trong mô hình Onshore là tốn kém chi phí hơn nhiều so với Nearshore hay Offshore thực hiện cùng một công việc. Theo Glassdoor, một website cho phép đăng tin tuyển dụng miễn phí cũng như đánh giá người sử dụng lao động tại Mỹ, mức lương trung bình của các nhà phát triển ở Mỹ vào năm 2020 khoảng 95 nghìn USD, trong khi đó, mức lương trung bình của các nhà phát triển ở Na Uy khoảng 607 nghìn NOK (tương đương 74 nghìn USD). Thêm vào đó, phạm vi mô hình thường hẹp hơn vì số lượng nhân tài bị hạn chế, điều này làm giảm sự lựa chọn.
Nearshore
Nearshore đề cập đến việc sản xuất tại các quốc gia gần với thị trường tiêu thụ và thường có múi giờ tương tự, hoặc sự khác biệt tối thiểu. Ví dụ, đối với Mỹ, các lựa chọn tốt nhất là Canada, Mexico hoặc Mỹ Latinh.
Giải pháp này được nhiều người coi là đôi bên cùng có lợi. Nó xuất phát từ thực tế là doanh nghiệp vẫn có thể tiết kiệm chi phí nhân công so với mô hình Onshore, nhưng không phải lo lắng về việc làm việc ở các múi giờ khác nhau. Ngoài ra, doanh nghiệp vẫn có thể đảm bảo kiểm soát quá trình phát triển một cách hiệu quả và thuận tiện. Tuy nhiên, sự khác biệt về ngôn ngữ và văn hóa vẫn có thể xảy ra đôi chút.
Offshore
Offshore đề cập đến việc sản xuất sản phẩm tại các quốc gia xa xôi với sự khác biệt đáng kể về múi giờ. Thông thường, đối với Hoa Kỳ, điều này áp dụng cho các quốc gia như Ấn Độ, Trung Quốc hoặc Ukraine.
Một số lợi ích tiềm năng mà mô hình này mang lại có thể kể đến như tiếp cận nguồn nhân tài toàn cầu mà không bị hạn chế, thuê đội ngũ chuyên gia với chi phí thấp hơn so với hai mô hình còn lại.
Ngược lại, một số rủi ro doanh nghiệp cần lưu ý khi thực hiện mô hình Offshore, bao gồm sự chênh lệch múi giờ đáng kể hay sự khác biệt về văn hóa. Đặc biệt, do khoảng cách về địa lý, việc đào tạo, quản lý và kiểm soát các hoạt động của đối tác cũng diễn ra khó khăn hơn. Để khắc phục vấn đề này, một số doanh nghiệp lên kế hoạch cẩn thận về lịch trình làm việc của nhóm thường trực và nhóm thuê ngoài, để công việc trong các dự án được diễn ra một cách thuận lợi.
Đâu là sự lựa chọn tối ưu nhất?
Có thể thấy, hầu hết các công ty cần phải điều chỉnh danh mục nhà cung cấp của họ dựa trên nhiều đặc tính của sản phẩm và thị trường. Ví dụ, Zara sử dụng các nguồn đáp ứng bên ngoài châu Âu để sản xuất các sản phẩm hợp thời trang và khả năng đáp ứng nhanh chóng. Ngược lại, những món đồ cơ bản như áo phông trắng lại có nguồn gốc từ các cơ sở có chi phí thấp hơn ở châu Á. Như với Zara, một sự lựa chọn tối ưu bao gồm sự kết hợp của các nhà cung cấp đáp ứng nhanh và chi phí thấp.
Để sử dụng danh mục đầu tư phù hợp một cách hiệu quả, nhu cầu cần được phân bổ giữa các nhà cung cấp, sao cho phù hợp với khả năng của họ. Bảng dưới đây thể hiện các nhân tố ảnh hưởng đến việc lựa chọn nguồn cung ứng có khả năng đáp ứng nhu cầu nhanh chóng hay nguồn cung ứng với chi phí thấp.
Nhìn chung, nếu doanh nghiệp muốn tìm nguồn cung ứng có khả năng đáp ứng nhu cầu nhanh chóng, họ sẽ có xu hướng áp dụng mô hình Onshore hoặc Nearshore. Ngược lại, nếu mục tiêu của doanh nghiệp là chiến lược chi phí thấp, thì thường doanh nghiệp sẽ lựa chọn mô hình Offshore hoặc Nearshore.
Các nguồn đáp ứng trong nước nên tập trung vào các sản phẩm có giá trị cao với nhu cầu biến động lớn, trong khi các nguồn ngoài nước giá rẻ nên tập trung vào các sản phẩm có giá trị thấp hơn, khối lượng lớn với hàm lượng lao động cao.
Trung Quốc và các khu vực khác của châu Á là các nguồn cung cấp nước ngoài phổ biến trong hai thập kỷ từ 1990 đến 2010. Tuy nhiên, một số xu hướng đang diễn ra hiện nay đang khiến các nhà quản lý Mỹ phải suy nghĩ lại về lựa chọn mô hình Offshore. Sự thay đổi về tiền lương của Trung Quốc và đồng nhân dân tệ mạnh lên, cả hai yếu tố này đều làm giảm lợi thế về chi phí lao động của Trung Quốc, đặc biệt là khi so sánh với các nước láng giềng như Mexico. Ngoài ra, sự gia tăng giá dầu và chi phí vận chuyển đóng vai trò giống như một hàng rào thuế quan khiến cho mô hình Offshore có phần kém hấp dẫn hơn. Cuối cùng, sự gia tăng biến động từ chiến tranh thương mại Mỹ – Trung và nhu cầu giảm thiểu rủi ro cũng đã khuyến khích các nhà thiết kế chuỗi cung ứng có xu hướng dịch chuyển nguồn cung từ Offshore sang lựa chọn các nguồn bổ sung Nearshore hoặc Onshore.
Minh Ngô