Nền kinh tế tuyến tính và những bất cập
Kinh tế tuyến tính (Linear Economy – LE) là mô hình kinh tế truyền thống đã tồn tại trong nhiều thập kỷ, các sản phẩm và tài nguyên chỉ được sử dụng một lần và bị loại bỏ ra ngoài môi trường dưới dạng rác thải sau khi sử dụng. Mô hình này hoạt động dựa trên nguyên tắc tiêu thụ và tiêu hủy mà không có bất kỳ một kế hoạch nào cho hoạt động tái sử dụng và tái chế. LE cũng cho rằng tài nguyên thiên nhiên là vô hạn và việc xử lý chất thải do nền kinh tế thải ra là một vấn đề dành cho “một ai đó khác” hay sẽ được tiến hành vào “một lúc nào đó” trong tương lai.
Theo ước tính của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), nếu tiếp tục phát triển nền kinh tế theo mô hình kinh tế tuyến tính thì đến năm 2030, nhu cầu sử dụng tài nguyên của thế giới sẽ tăng cao gấp 3 lần so với hiện tại, vượt ngoài khả năng cung ứng của trái đất, lượng chất thải sẽ vượt giới hạn sức chịu tải của môi trường. Một ví dụ điển hình đó là ngành thời trang nhanh (Fast fashion), với tốc độ thiết kế, sản xuất, tiêu dùng trong thời gian ngắn, dẫn đến đào thải sản phẩm cũng nhanh chóng, tạo nên gánh nặng về rác thải cho nền kinh tế toàn cầu.
Chúng ta hoàn toàn có đủ nhận thức để hiểu rằng đây là một mô hình không hề bền vững. Trước sức ép từ các cơ quan toàn cầu như Liên hợp quốc, chính phủ của các quốc gia cũng như sự phản kháng của xã hội với các doanh nghiệp trong việc chuyển đổi sang một mô hình kinh tế bền vững hơn, không đưa lợi ích về môi trường lên bàn cân đánh đổi với lợi ích tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, nền kinh tế tuần hoàn là một hướng đi hoàn toàn phù hợp và đúng đắn.
Thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn xuyên suốt toàn chuỗi cung ứng
Kinh tế tuần hoàn (Circular Economy – CE) đã và đang trở thành xu thế tất yếu trong bối cảnh nguồn cung tài nguyên thiên nhiên của thế giới dần cạn kiệt, ô nhiễm môi trường nặng nề, biến đổi khí hậu ngày một khốc liệt. Tổ chức Thương mại Quốc tế WTO hay các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cũng đề ra các quy định về tiêu chuẩn phát thải chất thải, khí thải. Đây sẽ là tiền đề để thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn.
Trái với nền kinh tế tuyến tính, nền kinh tế tuần hoàn thấu hiểu được rằng tài nguyên là hữu hạn, không chỉ dừng lại ở việc tái sử dụng chất thải, coi chất thải là tài nguyên mà CE còn là cầu nối chặt chẽ giữa các hoạt động kinh tế khác, từ đó, hình thành một vòng tuần hoàn trong nội bộ nền kinh tế. Như vậy, nền kinh tế tuần hoàn có thể giữ cho dòng vật chất được sử dụng lâu nhất có thể, khôi phục và tái tạo các sản phẩm, vật liệu ở cuối mỗi vòng sản xuất hay tiêu dùng. Việc thiết lập được hệ thống khép kín và thu hút các nhà cung cấp cũng như khách hàng tham gia vào việc tạo ra các ý tưởng mới về tuần hoàn, các doanh nghiệp có thể tăng cường khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng, giảm sự phụ thuộc vào các nguồn lực khan hiếm, giảm thiểu rủi ro liên quan đến biến động giá và gián đoạn nguồn cung, tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa các chuỗi cung ứng trong toàn nền kinh tế.
Từng có ý kiến cho rằng, khi tuổi thọ sản phẩm được kéo dài hơn, việc tiêu thụ sản phẩm mang tính bền vững hơn thay vì tiêu dùng nhanh, dẫn đến nền kinh tế tuần hoàn có thể thu hẹp thị trường của Logistics. Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy, đây chính là chiếc chìa khóa mở ra cánh cửa cơ hội mới cho lĩnh vực này.
Cụ thể, ban đầu, nền kinh tế tuần hoàn được xây dựng dựa trên nguyên tắc 3R (Reuse – Repair – Reduce), sau đó được phát triển thành 4R, 6R, gần đây nó đã được chuyển thành nguyên tắc 9R, thậm chí 10R.
Như vậy, một chuỗi cung ứng theo xu thế tuần hoàn sẽ bao gồm các hoạt động mang tính vòng lặp như: Reuse, Repair, Reduce, Refurbish… Khi đó, một sản phẩm sẽ được quyết định bán ở thị trường đồ cũ, được tân trang lại hay phải dỡ bỏ các thành các phần nhỏ, từ đó sản phẩm hoặc các thành phần của nó sẽ được quay trở lại chuỗi cung ứng ở các thời điểm khác nhau. Nhu cầu về các giải pháp vận tải nội địa hóa và chu kỳ vận chuyển cụ thể sẽ tăng lên, và các dịch vụ giá trị gia tăng mới cũng sẽ phát sinh.
Do đó, logistics sẽ trở thành trung tâm của các mô hình kinh doanh mới với những nhiệm vụ mới. Các công ty logistics có thể phát triển từ các nhà cung cấp dịch vụ trở thành các mắt xích gia tăng giá trị tham gia trực tiếp vào chuỗi cung ứng.
Thanh Thảo