Tổng quan về tín chỉ Carbon
Định nghĩa
Tín chỉ Carbon là giấy phép do chính phủ hoặc cơ quan quản lý khác cấp, cho phép chủ sở hữu đốt một lượng nhiên liệu Hydrocacbon xác định trong một khoảng thời gian được quy định. Mỗi tín chỉ giới hạn lượng phát thải đến một tấn CO2.
Việc mua bán sự phát thải khí CO2 hay mua bán Carbon trên thị trường được thực hiện thông qua tín chỉ. Các doanh nghiệp có lượng xả thải khí Carbon âm do các hoạt động sinh thái sẽ nhận thêm tín chỉ Carbon hoặc nhận tiền. Nếu lượng phát thải quá hạn ngạch được quy định thì sẽ phải mua hạn ngạch của cơ sở khác hoặc tín chỉ Carbon trên thị trường để bù trừ phần vượt quá, hoặc sẽ bị phạt bởi cơ quan quản lý nhà nước.
Sứ mệnh sau cùng của loại tín chỉ này là giảm phát thải khí nhà kính vào khí quyển, thúc đẩy phát triển bền vững.
Giảm phát thải lượng khí CO2
Nguồn gốc ra đời
Năm 1997 đánh dấu sự ra đời Nghị định thư Kyoto đặt ra các mục tiêu giảm phát thải ràng buộc cho các quốc gia đã ký kết, bắt đầu có hiệu lực vào năm 2005. Thời hạn cam kết đầu tiên của Nghị định thư Kyoto đã kết thúc vào năm 2012 nhưng khái niệm mua, bán quyền phát thải Carbon vẫn được kế thừa và sử dụng rộng rãi.
Thị trường Carbon
Ngay cả khi trao đổi các loại khí thải nhà kính khác, Carbon đều được dùng làm đơn vị để quy đổi. Từ đó, xuất hiện sự mua bán, trao đổi Carbon và cuối cùng là hình thành nên thị trường Carbon. Cụ thể có hai loại hàng hóa được giao dịch trên thị trường Carbon là hạn ngạch phát thải và tín chỉ Carbon. Thị trường Carbon vận hành dựa trên cung và cầu đối với hai loại hàng hóa kể trên, được phân thành hai loại: Thị trường tự nguyện và Thị trường bắt buộc.
Thị trường tự nguyện là thị trường mà trong đó các doanh nghiệp tự nguyện thực hiện giảm phát thải khí nhà kính và mua tín chỉ Carbon để đạt được mục tiêu này.
Ví dụ, doanh nghiệp cam kết thực hiện mức phát thải ròng bằng 0, tuy nhiên do nhu cầu sản xuất kinh doanh, họ vẫn phải dùng một lượng nhiên liệu hóa thạch nhất định, họ sẽ mua tín chỉ Carbon trên thị trường để bù trừ cho phát thải từ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch này. Như vậy, hàng hóa được giao dịch trên thị trường tự nguyện là tín chỉ Carbon.
Thị trường bắt buộc là thị trường mà trong đó các cơ sở bắt buộc phải thực hiện giảm phát thải khí nhà kính, thể hiện ở lượng hạn ngạch phát thải mà cơ quan quản lý phân bổ cho mỗi cơ sở. Các cơ sở được phép mua bán trao đổi lượng hạn ngạch này với nhau, từ đó có thể thấy tổng lượng phát thải của thị trường sẽ không đổi. Do đó, mục đích chính của thị trường bắt buộc là để kiểm soát phát thải. Hàng hóa chính được giao dịch là hạn ngạch phát thải, có thể cho phép sử dụng một lượng nhỏ tín chỉ Carbon (thường 5-10%).
“Ông lớn” Tesla tận dụng thị trường Carbon
Tesla – đế chế công nghệ hàng đầu thế giới đã rất khôn ngoan và thức thời nắm bắt cơ hội làm giàu từ tín chỉ Carbon để thu về một nguồn lợi khổng lồ.
Thông thường, các nhà sản xuất ô tô phải đối mặt với các tiêu chuẩn khí thải khác nhau tùy theo khu vực và loại phương tiện. Các tiêu chuẩn này đặt ra giới hạn về lượng CO2 và các chất gây ô nhiễm khác mà một phương tiện có thể thải ra trên một đơn vị quãng đường đã đi. Trong trường hợp nhà sản xuất ô tô vượt quá giới hạn này, họ sẽ phải đối mặt với các khoản tiền phạt và hình phạt. Để tránh đối mặt với các án phạt, họ có thể mua tín dụng Carbon từ các nhà sản xuất ô tô khác có lượng khí thải thấp hơn để bù đắp lượng khí thải dư thừa của mình.
Gã khổng lồ công nghệ đã nhìn thấy cơ hội ở điều này. Là nhà sản xuất xe điện, Tesla sản xuất các loại xe không có khí thải từ ống xả. Do đó, Tesla tạo ra một lượng tín dụng Carbon đáng kể có thể bán cho các nhà sản xuất ô tô khác đang tìm cách tuân thủ các quy định về khí thải. Tesla đã tận dụng cơ hội này kể từ năm 2010 và việc bán tín dụng Carbon đã trở thành nguồn doanh thu chính của công ty (khoảng 20%). Tesla bán khoảng 279-679 triệu USD tín dụng carbon mỗi quý cho các nhà sản xuất ô tô khác bao gồm Fiat Chrysler và General Motors.
Cơn khát tín chỉ carbon
Bối cảnh thế giới và Việt Nam
Một ví dụ về thị trường Cacbon bắt buộc đó là hệ thống giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính (ETS – viết đầy đủ là gì) của EU, các nước này chiếm khoảng 3/4 thị trường Carbon toàn cầu. Với lượng khí thải lớn như vậy, ETS là công cụ chính sách quan trọng bậc nhất của EU nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu.
Trung Quốc cũng đã bắt đầu đề cập xây dựng thị trường Cacbon trong Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2015 và được tiến hành thí điểm rộng rãi. Vào năm 2021, thị trường giao dịch trao đổi Cacbon Trung Quốc đã chính thức vận hành nhằm đạt mục tiêu trung hòa Cacbon vào năm 2060.
Ngoài EU và Trung Quốc, nhiều thị trường kiểm soát khí thải bằng tín chỉ Carbon đang dần được hình thành và thí điểm ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Với mục tiêu phát thải dòng bằng 0 vào năm 2050, nước ta đã và đang nghiên cứu tổ chức và thí điểm thị trường giao dịch cacbon phù hợp. Theo kế hoạch, thị trường sẽ được đưa vào hoạt động trong năm 2025, hoàn thiện khung pháp lý vào năm 2027 và đưa vào giao dịch năm 2028.
Cơ hội cho doanh nghiệp sản xuất và xã hội Việt Nam
Cơ chế mua bán tín chỉ Carbon đang đóng vai trò như một hình phạt tiền đối với doanh nghiệp chưa bảo vệ môi trường và là nguồn thu mới cho những doanh nghiệp xanh. Nguồn thu này giúp các doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro tài chính, tạo thêm động lực để họ tiếp tục đổi mới quy trình sản xuất.
Ngoài ra, người dân Việt đang dần để ý hơn đến chất lượng, nguồn gốc, mức độ thân thiện môi trường của sản phẩm tiêu dùng. Từ đó, doanh nghiệp sẽ dễ dàng xây dựng được hình ảnh đẹp và nâng cao uy tín khi sản phẩm họ được gắn mác “sản phẩm xanh” hoặc “chứng nhận tín chỉ Carbon”.
Về mặt quốc tế, các thị trường lớn trên thế giới đã và đang bắt đầu áp dụng tín chỉ Cacbon theo cách riêng, trong đó có cơ chế điều chỉnh biên giới Cacbon (CBAM – Carbon Border Adjustment Mechanism) của EU. CBAM đề cập trực tiếp đến hàng nhập khẩu vào châu lục này. Do đó, việc hạn chế phát thải từ quá trình sản xuất ở Việt Nam sẽ duy trì cánh cửa xuất khẩu rộng mở của các thị trường lớn.
Đối với xã hội, tín chỉ Carbon đóng góp quan trọng để cải thiện môi trường, giảm thiểu tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu, tạo ra nền kinh tế bền vững tuần hoàn. Đồng thời chính sách này là một phần không thể thiếu trong mục tiêu phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam trong năm 2050.
Các doanh nghiệp hướng đến “đầu tư xanh”
Doanh nghiệp và xã hội Việt đối mặt với thách thức
Trong báo cáo quốc gia về khí hậu và phát triển được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, Việt Nam cần đầu tư thêm khoảng 368 tỷ USD đến năm 2040 để làm xanh quá trình sản xuất và triển khai hoạt động sinh thái. Đây là một số tiền lớn đặt gánh nặng lên các doanh nghiệp Việt với nguồn vốn hạn hẹp. Để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn phù hợp, kịp thời, theo các chuyên gia, ta nên vận dụng Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội để thu hút vốn quốc tế vào Việt Nam bằng hình thức trái phiếu để đầu tư năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, cần xây dựng các chính sách ưu đãi, giảm rào cản cho tín dụng xanh thông qua các trợ cấp, hỗ trợ chi phí giao dịch liên quan đến phát hành trái phiếu xanh cho các tổ chức.
Ngoài ra, trong quá trình mới bắt đầu áp dụng tín chỉ Carbon, khung pháp lý của luật này có thể chưa được hoàn thiện hoặc lực lượng chức năng chưa giám sát chặt chẽ, khiến cho các doanh nghiệp lợi dụng để lách luật và không tuân thủ luật. Những doanh nghiệp này sẽ lấy được lợi thế cạnh tranh vì họ không cần chi tài nguyên cho các hoạt động nêu trên, từ đó gây áp lực cho doanh nghiệp tuân thủ chính sách. Tuy nhiên sau một thời gian áp dụng, nhiều thay đổi sẽ được thực hiện để hoàn thành khung pháp lý, đồng thời doanh nghiệp sẽ dần nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường.