Nhỏ mà có võ
“Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” có lẽ là câu thơ miêu tả chân thực nhất sự khắc nghiệt của chiến tranh, của thiên nhiên núi rừng Việt Bắc hiểm trở. Trong những ngày tháng gian khó ấy, từng đoàn xe đạp thồ nối đuôi nhau trên các tuyến đường đã trở thành hình ảnh quen thuộc với những người lính, người dân vùng cao. Tác giả của sáng tạo đặc biệt này là ông Ma Văn Thắng, thời điểm đó ông là Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính xã Thanh Minh, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ.
Đầu tháng 1/1954, ông Ma Văn Thắng gia nhập vào đoàn dân công phục vụ tiền tuyến với chức vụ Đoàn trưởng đoàn xe đạp thồ T20 tỉnh Phú Thọ. Nhiệm vụ chính của đoàn là chở hàng từ Âu Lạc (Yên Bái) đến chân đèo Pha Đin (Sơn La) với quãng đường hơn 200km, đi qua 12 chiếc cầu cùng nhiều đèo cao, vô cùng gian nan hiểm trở. Phương tiện duy nhất lúc bấy giờ là chiếc xe đạp hiệu “Lanh côn” do Pháp sản xuất, trung bình chỉ chở được 80 – 100 kg gạo.
Xuất phát từ hiện thực đầy rẫy những khó khăn, trong quá trình thồ hàng, ông đã nảy ra sáng kiến cải tiến chiếc xe đạp thồ bằng cách buộc thêm một đoạn tre nhỏ, dài khoảng 1m (gọi là tay ngai) gắn vào ghi đông để điều khiển; một đoạn tre cao hơn yên xe khoảng 50cm buộc vào trục yên có tác dụng giữ thăng bằng và đẩy xe di chuyển (gọi là cọc thồ). Ngoài ra, ông còn hàn thêm sắt, buộc thêm gỗ để tăng độ cứng cho khung xe, tăng độ bền của săm, lốp xe bằng vải và quần áo cũ; bổ sung thêm 2 chiếc ghế, 1 chiếc để dựa xe lúc dừng chân, chiếc còn lại để chèn bánh khi xuống dốc.
Một chiếc xe đạp thồ sau khi được cải tiến có sức chở trung bình từ 100 đến 200kg, tương đương sức mang vác của 5 người, tốc độ nhanh hơn và có thể vận chuyển được các vật tư cồng kềnh, đi được trên nhiều loại đường, địa hình khác nhau mà ô tô không đi được. Ưu điểm của loại phương tiện này là không cần nhiên liệu, dễ sửa chữa, dễ ngụy trang, có thể đi lẻ hoặc thành đoàn trong mọi điều kiện thời tiết.
Công cuộc vận chuyển hàng hoá đầy gian truân
Lực lượng xe đạp thồ trong các cuộc kháng chiến được biên chế thành từng đoàn theo từng địa phương, mỗi đoàn có nhiều trung đội, mỗi trung đội có từ 30 – 40 xe, chia thành các nhóm nhỏ, mỗi nhóm khoảng 5 xe để hỗ trợ lẫn nhau khi vượt đèo, vượt dốc cao. Số lượng xe đạp thồ của Quân đội Nhân dân Việt Nam qua các thời kỳ thậm chỉ chiếm tới 80% lượng phương tiện vận tải.
Hàng hóa sẽ được phân loại thành lương thực, thực phẩm; thuốc men; vũ khí và đồ dùng cá nhân. Sau khi phân loại, dân ta sẽ đóng gói chúng vào các bao tải lớn, dày; buộc chặt miệng bao và xếp lên xe thồ. Các bao tải lớn sẽ được xếp ở phía dưới, các bao tải nhỏ hơn sẽ được xếp ở phía trên. Ngoài ra, để tránh sự chú ý của địch và thuận lợi cho việc trú ẩn, các xe thồ còn được trang bị bằng các nhành cây bởi chủ yếu, địa hình thồ hàng là đường rừng núi.
Sau khi đã cố định hàng hóa trên xe, các xe thồ được xếp thành một đường thẳng, tiến hành di chuyển theo một hàng từ điểm bắt đầu cho tới điểm kết thúc, dưới sự chỉ huy của Đoàn trưởng đoàn xe thồ. Ngoài việc thồ hàng thì xe thồ còn được dùng để chở người bị thương. Ở giữa 2 xe thồ liên tiếp được mắc 1 chiếc võng nhỏ để chứa những thanh niên xung phong hay dân công bị thương hay mắc bệnh trong quá trình vận chuyển. Quá nhiều khó khăn, gian truân và vất vả, thế nhưng những chuyến xe thồ hàng tiếp ứng cho tiền tuyến vẫn không hề dừng lại dù chỉ một giây, chính những chuyến xe được điều khiển bởi những dân công ăn không đủ no, ngủ ngay trên nền đất, dưới những tấm vải ni lông cùng với ý chí sắt đá đã đánh bại kẻ thù địch.
Những chiến công hiển hách
Trở lại những ngày tháng hào hùng tại Điện Biên, đã có hơn 21.000 chiếc xe đạp được dùng để thồ lương thực, trở thành một loại “vũ khí đặc biệt” và làm nên con đường tải lương huyền thoại trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Binh chủng xe đạp thồ này đã hoạt động trên suốt chiều dài gần 1.500km, đảm bảo được khối lượng hàng hóa lớn với 20.125 tấn, trong đó có 14.950 tấn gạo, 3.000 tấn vũ khí đạn và dầu, 268 tấn muối, 577 tấn thịt và 177 tấn hàng hóa khác. Lần đầu tiên, nhân dân ta có thể đảm bảo cho một lực lượng lớn người tham gia vào chiến dịch, bao gồm cả bộ đội chủ lực 53.800 người, thanh niên xung phong và dân công phục vụ hơn 33.000 người.
Sau khi trở về từ những cung đường Tây Bắc hiểm trở, chỉ có một số ít chiếc xe đạp ở lại giúp đỡ người dân trong cuộc sống thường ngày, còn lại phần lớn những “chiến mã sắt” lại cùng những đoàn dân công “tất cả vì miền Nam ruột thịt”, tham gia vào công tác hậu cần trên chiến tuyến đường Trường Sơn huyền thoại.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, hơn 1 vạn chiếc xe đạp thồ lại viết tiếp hành trình hoàn thiện sứ mệnh của mình. Chúng được di chuyển trung bình mỗi ngày khoảng 40km về đêm, trên những cung đường mòn, nhỏ hẹp, khúc khuỷu để tiếp tế lương thực, vũ khí cho bộ đội giải phóng.
Những năm 1969 – 1970, trong lực lượng vận tải xe thồ thuộc Cục Hậu cần Miền Nam đã xuất hiện một nhãn hiệu khác hẳn với các loại xe đạp trước đó, được gọi một cách thân thương là “Con nai nằm”. Loại xe này đã nâng năng suất tải trọng của một chuyến thồ hàng từ 50kg/chuyến lên 300 – 400kg/chuyến… thậm chí có thể thồ tới 1.050kg/chuyến, tùy địa hình và người cầm lái.
Những cung đường lịch sử
Trong “Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho biết, chúng ta đã khôi phục và mở rộng 4.500 km đường, trong đó có trên 2.000 km cho xe cơ giới. Tuy nhiên trước khi mở đường, những chiếc xe đạp thồ nối đuôi nhau vận chuyển lương thực, thuốc men băng qua những con đường đất gập ghềnh, những con dốc cheo leo.
Đến thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, mặc dù đã có những “tiểu đội xe không kính” làm nhiệm vụ chuyên chở hàng hóa, thế nhưng những chiếc xe đạp thồ vẫn giữ vai trò vô cùng quan trọng. Từ điểm bắt đầu ở Km số 0 thuộc thị trấn Lạt, huyện Tân Kỳ (Nghệ An), tuyến đường mòn Hồ Chí Minh đã xuyên cánh rừng già, phát triển thành một mạng lưới đường với 5 trục dọc Đông và Tây Trường Sơn, 21 trục ngang liên hoàn với tổng chiều dài gần 20.000 km nối liền hậu phương lớn miền Bắc tới các chiến trường miền Nam. Trong những ngày máy bay Mỹ quần thảo trên con đường huyết mạch này, những người lái xe đạp có thể kịp thời nghe thấy tiếng máy bay và chui vào các bụi cây để ẩn nấp. Họ còn phải vượt qua những cây cầu bé nhỏ, đung đưa được treo bằng những cây leo rừng vắt qua những con suối, con sông chảy xiết.
Những người hùng thầm lặng thời bình
Sau khi hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta kết thúc thắng lợi, chiếc xe đạp trở về đời thường và trở thành những người bạn thân thiết với người dân trong những năm đầu kiến thiết và xây dựng đất nước. Mặc dù trong cuộc sống hiện nay, loại phương tiện này đã dần bị thay thế bởi những chiếc xe máy, ô tô hiện đại và tiện nghi hơn rất nhiều, thế nhưng xe đạp vẫn biết “tỏa sáng” đúng lúc. Còn nhớ vào thời điểm hai năm trước, khi đại dịch COVID-19 bùng phát, các chiến sĩ thuộc Sư đoàn 5 (QK7) đã dùng xe đạp thồ để làm phương tiện vận chuyển lương thực, nhu yếu phẩm vào các con hẻm nhỏ, sâu trên địa bàn TP Hồ Chí Minh để tiếp tế cho người dân. Chiến tranh đã lùi xa, song khi khó khăn xuất hiện vẫn có những người lính bên chiếc xe thồ sẵn sàng giúp đỡ nhân dân vượt qua.
Những người lính từng xông pha trận mạc cũng giống như chiếc xe đạp thồ vậy, tuy gai góc, xù xì lúc thời chiến nhưng lại đầy bình dị và chân chất trong cuộc sống thời bình. Nhiều cựu chiến binh kể rằng, họ mang trong mình sứ mệnh cao cả, đó là sống cho những người đồng đội đã không may ngã xuống trong khói lửa chiến tranh. Những người lính ấy hàng năm vẫn đến thăm những người bạn của mình trên khắp cả nước, từ khói lửa biên giới Vị Xuyên đến Đường 9 – Khe Sanh mưa bom bão đạn. Thế hệ trẻ được sống trong hòa bình, chưa từng được chứng kiến tận mắt sự khốc liệt của chiến tranh nhưng không đồng nghĩa sẽ quên đi những công lao của những người lính cụ Hồ. Nhân ngày Thương binh Liệt sỹ 27/7, xin gửi từ tận đáy lòng lời cảm ơn và tưởng nhớ những người đã ra đi, bày tỏ tấm lòng biết ơn sâu sắc với người ở lại.
Đức Minh & Thanh Thảo