Hoạt động kinh doanh tại Nam Phi bị chao đảo cùng với đó là sự gián đoạn khi tiếp cận với các tuyến thương mại quan trọng, sau nhiều ngày bạo lực hỗn loạn khi cựu Tổng thống Jacob Zuma bị bắt. Vụ bắt giữ đã gây ra sự bất ổn tại quốc gia này khi biểu tình bùng phát thành bạo lực ở KwaZulu – Natal với hàng loạt các vụ đốt phá và cướp bóc tại các doanh nghiệp địa phương.
Đỉnh điểm vào hôm thứ hai 12/7, một trung tâm mua sắm bị cướp phá và phóng hỏa cùng với đó là hàng loạt các nhà kho bị cướp phá và các con đường lớn bị phong tỏa. Tờ Wall Street Journal đưa tin ít nhất 72 người đã thiệt mạng, trong khi đó hãng tin AP cho biết hơn 400 người đã bị bắt khi lực lượng an ninh Nam Phi nỗ lực ngăn chặn bạo lực.
Sau những ngày bạo loạn đang lan rộng khắp đất nước, công ty logistics tại Nam Phi Transnet, nơi chịu trách nhiệm giám sát hoạt động của các cảng biển và nhà ga, đã thông báo rằng họ sẽ tạm ngừng hoạt động của các nhà ga tại tất cả các cảng biển thuộc vịnh Durban và vịnh Richards do lo ngại về sự an toàn của nhân viên và việc không thể đi lại an toàn trong các thành phố. Tuy nhiên, công ty này đã bác bỏ báo cáo về nạn cướp bóc tại các cảng biển.
Chuỗi cung ứng bị đứt gãy
Theo Telegraph, hơn 35 xe tải đã bị đốt cháy và bị hư hỏng nặng trên đường vận chuyển. Đường cao tốc N3 vốn là tuyến đường giao thương phát triển mạnh giữa Cedara và Harrismith, hiện đã bị đóng như một biện pháp phòng ngừa các cuộc bạo loạn gây ảnh hưởng đến các phương tiện giao thông. Việc đóng cửa có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn cung đối với các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm và thuốc men.
Hiệp hội vận tải hàng hóa đường bộ Nam Phi cảnh báo rằng việc đóng cửa cao tốc N3 có thể gây thiệt hại hàng tỷ đồng nếu tình trạng gián đoạn tiếp tục lan rộng và thậm chí dẫn đến việc các quốc gia quay lưng lại với Nam Phi, như một trung tâm kết nối thương mại.
Hãng vận tải của Đức, Hapag-Lloyd đã ra thông báo rằng các bến bãi của họ đã bị ảnh hưởng. Công ty cho biết: “Chúng tôi hiểu rằng với tình hình này, sẽ có tác động đến kế hoạch vận chuyển hàng hóa của bạn và vì điều đó, rất mong bạn có sự hỗ trợ của chúng tôi để cùng nhau vượt qua những thời điểm khó khăn này”.
Bên cạnh đó, tập đoàn vận tải biển Đan Mạch, Maersk cũng đã thông báo rằng tác động của tình trạng bất ổn ở Nam Phi đã dẫn đến việc một số kho hàng của họ phải đóng cửa và các bến cảng hoạt động với một vài nhân viên cốt lõi. Maersk thông tin: “Chúng tôi nhận thấy rằng một số chủ hàng sẽ tạm thời ngừng hoạt động trong thời gian này dẫn đến việc xuất nhập khẩu bị gián đoạn”.
Do đó, Maersk đã quyết định rằng sẽ không có khoản phí lưu container tại cảng nào được lập hóa đơn từ ngày 12 đến ngày 19 tháng Bảy.
Điều khoản bất khả kháng được tuyên bố
Transnet đã tuyên bố điều khoản bất khả kháng trên tuyến đường sắt NATCOR, điều này có thể gây ra tình trạng ngưng trệ đối với hoạt động của các cảng biển và nhà ga tại Nam Phi.
Các phương tiện truyền thông Nam Phi cũng đưa tin rằng Nhà máy lọc dầu Shell và BP cũng đã tuyên bố về trường hợp bất khả kháng. Hoạt động của công ty này chiếm đến 35% tổng công suất lọc dầu của Nam Phi.
Hai tuần trước, trước những đợt bạo loạn đầu tiên, gã khổng lồ khai khoáng Rio Tinto cũng đã tuyên bố về sự bất khả kháng đối với các hợp đồng của khách hàng tại dự án Richards Bay Minerals của mình.
Trong một loạt các phát biểu của mình, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã kêu gọi người dân bình tĩnh và trở lại trật tự. Ông cho biết sẽ nhất quyết bắt giữ và truy tố những kẻ gây ra bạo loạn và chính phủ sẽ làm mọi cách để hạn chế nguy cơ bạo lực, đe dọa, trộm cắp và cướp bóc trong thời gian tới.
Minh Đức