Giá dầu tăng trong ngắn hạn
Trong phiên giao dịch sáng nay ngày 16/10, giá xăng dầu thế giới gần như đi ngang sau đà tăng nóng cuối tuần trước, chủ yếu do thị trường hiện tập trung đánh giá các tác động tiềm tàng của cuộc xung đột giữa Israel – Hamas đến tình hình cung – cầu nhiên liệu trên toàn cầu.
Cụ thể, vào lúc 7h15 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent đạt 90,93 USD/thùng và giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) đạt 87,68 USD/thùng. Chốt phiên giao dịch cuối tuần trước, giá dầu thô đã tăng vọt gần 6%, xác lập mức tăng theo ngày cao nhất kể từ hồi tháng 4/2023.
Cả Israel và Palestine đều không phải là những nhà cung cấp lớn trên thị trường dầu thế giới. Israel có 2 nhà máy lọc dầu với tổng công suất khoảng 300.000 thùng/ngày. Theo số liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (IEA), nước này gần như không sản xuất dầu thô hay khí ngưng tụ. Các lãnh thổ Palestine cũng không sản xuất dầu.
Tuy nhiên, nhưng xung đột này xảy ra tại Trung Đông – “vựa” dầu lớn của thế giới, và xung đột có khả năng leo thang cao hơn. “Ảnh hưởng đối với giá dầu sẽ hạn chế trừ phi xung đột nhanh chóng lan rộng thành một cuộc chiến tranh khu vực, với sự dính líu của Mỹ, Iran và các quốc gia khác ủng hộ các bên liên quan trong cuộc chiến”, giám đốc khu vực Trung Đông của công ty tư vấn năng lượng Facts Global Energy, ông Iman Nasseri, nhận định.
Tiềm ẩn những gián đoạn trong chuỗi cung ứng
Hiện tại, có vẻ như các nhà máy tại Israel vẫn đang hoạt động, theo Hội đồng Sản xuất Israel. “Tất cả các công ty sẽ tiếp tục hoạt động càng nhiều càng tốt, mặc dù trong điều kiện khó khăn”, chủ tịch hội đồng ông Ron Tomer nói. “Nhờ vào sự độc lập sản xuất của Israel… ngay cả trong thời kỳ khẩn cấp, người dân Israel sẽ không thiếu thứ gì.”
Tuy nhiên, sản xuất không phải là cách duy nhất để có thể đối mặt với thách thức. Bởi xung đột cũng đã làm tăng giá dầu dù là trong ngắn hạn, mang theo những ảnh hưởng gián tiếp đến nhập khẩu, cũng như chi phí vận chuyển cao hơn cho các sản phẩm, chi phí này sẽ được chuyển cho người tiêu dùng. “Mặc dù tăng giá có thể là tạm thời, nếu xung đột tiếp tục leo thang, nó có thể dẫn đến những gián đoạn trong chuỗi cung ứng và chi phí vận chuyển tăng lên, có thể ảnh hưởng đến giá cả hàng tiêu dùng trong tương lai,” giáo sư kinh tế tại Đại học Monash, Niaz Asadullah, nói trong một cuộc phỏng vấn cho The Sun Daily.
Các chuyên gia lưu ý rằng tác động toàn cầu lớn đối với chuỗi cung ứng sẽ phụ thuộc vào thời gian và mức độ của xung đột, cũng như xem liệu nó có lan rộng đến các nước khác trong khu vực như Iran, Lebanon và Ả Rập Saudi, cùng với các tuyến đường biển chính chạy qua các điểm đặt hàng tại eo biển Hormuz, eo biển Bab-el-Mandeb và kênh đào Suez.
Nguyễn Hảo