“LỤC ĐỊA ĐEN” – MỎ LITHIUM MỚI CỦA THẾ GIỚI
Tam giác lithium – nơi chứa đến 54% lượng lithium toàn cầu, nằm trên lãnh thổ 3 quốc gia Nam Mỹ (Chile, Argentina, Bolivia) là “mỏ vàng” đích thực với các quốc gia sản xuất ô tô điện không chỉ vì trữ lượng dồi dào mà còn dễ chiết xuất hơn và chủ yếu được tìm thấy dưới dạng hòa tan trong muối. Tuy nhiên, với việc Chile đang thực hiện quốc hữu hóa ngành “vàng trắng” hay Bolivia đang ở trong sự rối loạn về chính trị khiến các nhà sản xuất ô tô điện đến từ Trung Quốc phải tìm hướng đi mới cho mình. Hơn nữa, các mỏ lithium ở Argentina đã thuộc về các nhà sản xuất ô tô của Mỹ khiến cho nền kinh tế đứng thứ hai trên thế giới xem Châu Phi như một vùng đất tiềm năng cho loại nguyên liệu đang dần trở nên khan hiếm này.
Trong năm 2022 vừa qua, Lục địa đen chỉ chiếm 1% trữ lượng lithium trên toàn cầu, nhưng với sự xuất hiện của các nhà đầu tư Trung Quốc, nơi này được dự báo sẽ chiếm 12% nguồn cung toàn cầu vào năm 2027, theo số liệu nghiên cứu của S&P Global Commodity Insights – công ty phân tích năng lượng hàng đầu thế giới có trụ sở tại London (Anh). Hầu hết những mỏ “vàng trắng” này đều nằm lộ thiên hoặc ở bên trên bề mặt, rất thuận lợi cho quá trình khai thác. Tuy nhiên, sự thiếu hụt về máy móc cũng như các trang thiết bị khiến cho các nước như Mali, Congo chưa thực sự khai thác hết tiềm năng lithium của mình, vì vậy họ mới cần những nhà đầu tư nước ngoài. Trong cuộc đua này, Trung Quốc đã đi trước Hoa Kỳ một bước. Các dự án của “con rồng Đông Á” tại châu Phi là những minh chứng rõ nét nhất cho điều đó, có thể kể đến như mỏ Sabi Star (Zimbabwe) của Chengxin Lithium Group đã đi vào hoạt động hay Gangfeng Lithium Group đã bắt đầu tiến hành khai thác tại mỏ Goulamina ở Mali.
Những mỏ khoáng sản đang đi vào hoạt động ở Châu Phi, trong đó có Lithium
“CHIẾC BÁNH NGỌT” CHÂU PHI
Bloomberg NEF – công ty phân tích năng lượng trực thuộc tập đoàn thông tin nổi tiếng Bloomberg, đã đưa ra nhận định rằng nguồn cung cấp lithium thô trên toàn cầu sẽ tăng 35% trong năm 2023, hơn một nửa trong số đó đến từ việc khai thác các mỏ quặng hoàn toàn mới. Tuy nhiên, thị trường lithium được dự báo rằng vẫn sẽ tiếp tục khan hiếm tới năm 2025, cho đến khi các dự án chính thức đi vào hoạt động, đặc biệt là ở Châu Phi và Canada – nơi Trung Quốc và Mỹ đang đẩy mạnh công cuộc khai thác.
Để có thể tăng cường thu hút đầu tư từ các quốc gia phát triển về công nghệ, một số quốc gia châu Phi đang tiến hành những nước đi đầu tiên trong việc thắt chặt hành lang pháp lý. Cụ thể hơn, Zimbabwe và Namibia gần đây đã đưa ra các biện pháp ngăn cản hoặc cấm xuất khẩu quặng lithium thô. Trung tâm Quản lý Tài nguyên Zimbabwe ước tính chính phủ đã mất gần 2 tỷ USD khoáng sản, bị buôn lậu qua biên giới do rò rỉ từ khai thác thủ công của người dân trong năm 2022 vừa qua. Không chỉ dừng lại ở đó, một số quốc gia đã chủ động tìm kiếm đối tác thông qua việc tham gia các hiệp định thương mại tự do chứ không chỉ “ngồi không” như trước đây. Đó là câu chuyện của Morocco, với nguồn cung cấp lithium chứa hàm lượng phosphate dồi dào – nguồn nguyên liệu vô cùng quan trọng trong việc sản xuất pin lithium iron phosphate (LFP) – một thành phần không thể thiếu trong ngành ô tô điện. Do đó, Morocco đang tích cực đẩy mạnh ký kết những hiệp định thương mại tự do với các đối tác lớn, trong đó có cả Mỹ và Trung Quốc.
Trung Quốc đang “dẫn đầu xu hướng” trong quá trình khai thác Lithium tại Châu Phi
Đức Minh