“Bức tranh toàn cảnh” trong năm 2023 về tính minh bạch thời trang
Chỉ số Minh bạch thời trang thu thập dữ liệu từ 250 nhãn hàng thời trang và nhà bán lẻ lớn nhất trên thế giới và xếp hạng chúng dựa trên những thông tin được tiết lộ như về các chính sách xã hội và môi trường, hoạt động vận hành và chuỗi cung ứng. Chỉ số cho điểm dựa trên nhiều tiêu chí như truy xuất nguồn gốc chuỗi cung ứng, bình đẳng giới và chủng tộc cũng như các tiêu chuẩn khác. Những nhãn hàng sẽ được cho điểm từ 0-100%.
Trong năm vừa qua, 71 trong số 250 thương hiệu (28%) đạt được số điểm từ 0% đến 10%, đánh dấu một sự cải thiện nhỏ so với 31% của năm ngoái. Việc thiếu một sự tiến bộ được cho là do phải đối mặt với khủng hoảng khí hậu đang gia tăng, bất bình đẳng xã hội ngày càng sâu sắc, sự hủy hoại môi trường và nhiều chính sách đáng lo ngại đang được điều chỉnh trong ngành. Điểm nổi bật là các hãng thời trang cao cấp dường như có số điểm đứng top đầu trong bảng kết quả, nổi bật là cái tên Gucci với con số tăng trưởng 21%, và là 1 trong 2 thương hiệu lần đầu tiên đạt số điểm trên 80%.
Được biệt, ngày càng thương hiệu xa xỉ tiết lộ danh sách nhà máy của họ. Một số cái tên nổi bật khác cũng có thành tích ấn tượng như Armani (19%). Jil Sander, Miu Miu và Prada (17%). Báo cáo cho thấy xu hướng một số thương hiệu xa xỉ bắt đầu tiết lộ các nhà cung cấp nguyên liệu thô của họ, vốn đã phổ biến ở các phân khúc thị trường khác bao gồm trang phục dạo phố và đồ thể thao.
Một số thương hiệu đạt điểm cao bao gồm Australian Target và Australian Kmart, với 76%. Trong khi đó, H&M đạt 71% và các thương hiệu thuộc sở hữu của VF Corporation là North Face, Timberland và Vans nằm trong khoảng 66%.
Những tiêu chí nào để đánh giá tính minh bạch?
Dựa trên các thông tin công khai, doanh nghiệp sẽ được đánh giá tính minh bạch dựa trên nhiều tiêu chí. Về truy xuất nguồn gốc, 52% thương hiệu thời trang công khai danh sách nhà cung cấp cấp một, nghĩa là nhà cung cấp trực tiếp sản phẩm cuối cùng của họ. Tuy nhiên, 45% thương hiệu được xếp hạng trong khoảng từ 0 đến 1% và nói rất ít về nhà cung cấp của họ.
Báo cáo cũng quan tâm đến lãng phí và sản xuất thừa, cho thấy 88% thương hiệu không tiết lộ khối lượng sản xuất hàng năm của họ và 99% không tiết lộ cam kết giảm số lượng mặt hàng mới mà họ sản xuất. Trong số các mối quan tâm về khí hậu, chỉ số xếp hạng các thương hiệu dựa trên cam kết nỗ lực chống phá rừng, với 12% thương hiệu công bố cam kết có thời hạn đối với những nỗ lực này và 7% trong số này công bố tiến độ có thể đo lường để đạt được mục tiêu không phá rừng. Về nguồn nguyên liệu, báo cáo cho thấy 51% thương hiệu công bố mục tiêu của họ về nguyên liệu bền vững, nhưng 44% lại không coi trọng điều đó.
Nhìn chung, có thể thấy còn nhiều vấn đề tồn đọng như về môi trường và vấn đề nhân quyền của người lao động. Vì vậy để có một cuộc cách mạng, cần thiết phải tiến hành những thay đổi hướng tới môi trường làm việc an toàn, tích cực,.. Tính minh bạch là chìa khóa, như bà Liv Simpliciano, Giám đốc nghiên cứu và chính sách của Fashion Revolution cho biết: “Chúng ta không thể mua sắm để thoát khỏi cuộc khủng hoảng khí hậu, chúng ta không thể tái chế để thoát khỏi tình trạng sản xuất thừa và thẳng thắn mà nói, không thể có thời trang trên một hành tinh chết.”
Hà Trang