Công nghệ của tương lai
Về mặt kỹ thuật, Chiplet là một phần của mô-đun xử lý tạo nên một mạch tích hợp lớn hơn như một bộ xử lý máy tính. Thay vì sản xuất chỉ một bộ xử lý trên một miếng silicon với số lượng lõi mong muốn, công nghệ này cho phép các nhà sản xuất lớn như AMD và Intel sử dụng kết hợp nhiều chip nhỏ để tạo thành một mạch tích hợp lớn hơn, hoạt động hiệu quả hơn.
Theo một phân tích của Reuters về hàng trăm bằng sáng chế ở Mỹ và Trung Quốc, với những tài liệu nghiên cứu và trợ cấp của chính phủ Trung Quốc,việc chuyển giao công nghệ trùng hợp với việc thúc đẩy công nghệ Chiplet ở Trung Quốc. Quốc gia này đã chi hàng triệu USD cho các nhà nghiên cứu chuyên về thành phần vi mạch này. Số lượng công ty liên quan cũng mọc lên khắp Trung Quốc những năm gần đây để đáp ứng nhu cầu.
Các chuyên gia trong ngành cho biết công nghệ tiên tiến này thậm chí đã trở nên cực kỳ quan trọng đối với Trung Quốc kể từ khi Mỹ cấm nước này tiếp cận các máy móc và vật liệu tiên tiến cần thiết để sản xuất những con chip tiên tiến nhất hiện nay, và giờ đây, Trung Quốc hầu như đã có những kế hoạch sản xuất chất bán dẫn cho chính bản thân mình.
Charles Shi, nhà phân tích của công ty môi giới bán dẫn Needham, cho rằng Chiplet giúp Trung Quốc có thể phát triển công nghệ xếp chồng 3D hoặc công nghệ đóng gói chip bất chấp những hạn chế tiếp cận thiết bị chế tạo tấm wafer( thiết bị được sử dụng với tư cách là vật liệu nền trong sản xuất vi mạch tích hợp)
Hơn nữa, nhiều công ty đã thử nghiệm công nghệ này, như Apple đã ứng dụng Chiplet vào dòng chip M trên sản phẩm Macbook của họ. Phần lớn thị trường thử nghiệm và đóng gói chip toàn cầu nằm ở Trung Quốc và đây chính là lợi thế độc nhất của Trung Quốc hiện nay.
Thương vụ mua lại “đỉnh cao”
Năm 2021, trong bối cảnh căng thẳng Mỹ – Trung, Chipuller mua 28 bằng sáng chế của zGlue, công ty đang gặp khó khăn về tài chính có trụ sở tại Mỹ. Việc mua lại được thực hiện qua hai bước, đầu tiên thông qua North Sea Investment đăng ký kinh doanh tại Quần đảo Virgin thuộc Anh, sau đó mới về tay Chipuller.
Cụ thể, trước khi làm chủ tịch Chipuller năm 2020, ông Meng từng đầu tư vào zGlue năm 2015, sau đó trở thành giám đốc và chủ tịch của công ty này. Ông cho biết, luật sư của zGlue đã liên lạc với cả Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Mỹ(CFIUS) và Bộ Thương mại Mỹ để đảm bảo việc bán sáng chế cho North Sea Investment không vi phạm các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ. Tuy nhiên, cuộc thảo luận được cho là không đề cập đến Chipuller hoặc khả năng một cá nhân hoặc tổ chức Trung Quốc sẽ sở hữu các bằng sáng chế trong tương lai. Cho dù có nhiều ý kiến trái chiều cho vấn đề này nhưng mọi việc vẫn diễn ra suôn sẻ, minh bạch và phù hợp với pháp luật của Mỹ.
Điều đáng nói ở đây là không phải duy nhất Chipuller có bằng sáng chế của Chiplet. Huawei cũng đã nộp đơn xin cấp bằng sáng chế. Năm ngoái, công ty công nghệ khổng lồ này công bố hơn 900 đơn đăng ký và tài trợ bằng sáng chế liên quan đến công nghệ này.
Những công ty công nghệ lớn sản xuất công nghệ mới này tại Trung Quốc đã nhận tổng vốn đầu tư hơn 40 tỷ nhân dân tệ (5,6 tỷ USD) thời gian qua đưa số nhà máy sử dụng chiplet trong sản xuất công nghệ Trung Quốc đã lên tới hàng chục, bao gồm cả những tập đoàn có tên tuổi như TongFu, JCET Group hay Beijing ESWIN Technology Group.
Trong một bài viết hồi tháng 5, Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc (MIIT) kêu gọi các công ty công nghệ lớn trong nước hợp tác với doanh nghiệp như TongFu trong đóng gói chip nhằm giúp xây dựng khả năng tự cường về bán dẫn. MIIT cho rằng việc sử dụng công nghệ Chiplet có thể giúp vượt qua vòng vây của Mỹ và giúp ngành công nghệ sản xuất chip nước này phát triển mạnh hơn nữa.
Đức Thắng