Khủng hoảng điện diễn ra tại thời điểm ngành công nghiệp vận tải đang phải đối mặt với tình trạng tắc nghẽn khiến việc giao hàng cho mùa mua sắm cuối năm bị chậm lại. Đặc biệt, Trung Quốc là nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới, điều này không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến tốc độ tăng trưởng của quốc gia này, mà nó còn tác động trực tiếp đến chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tăng trưởng sụt giảm
Theo dữ liệu chính thức của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) vừa công bố cho thấy, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) trong tháng 9/2021 của nước này chỉ đạt 49,6 điểm, giảm 0,5 điểm so với tháng 8 và thấp hơn 0,4 điểm so với kỳ vọng.
*Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI – Purchasing Managers Index) là chỉ số đo lường “sức khỏe” kinh tế của ngành sản xuất.
Theo Citigroup, các nhà xuất khẩu và sản xuất hàng hóa đặc biệt có nguy cơ cao bị tác động như một số vùng lãnh thổ lân cận là Đài Loan và Hàn Quốc. Hay những nhà xuất khẩu kim loại như Australia, Chile và các đối tác thương mại chính như Đức cũng sẽ chịu ảnh hưởng phần nào.
Theo Bloomberg, Bắc Kinh đang nỗ lực ổn định tình hình bằng cách đảm bảo cung ứng điện bằng mọi giá. Nhiều nhà máy ở Trung Quốc đã giảm sản lượng cho kỳ nghỉ “Tuần lễ vàng” (nghỉ Quốc khánh) kéo dài một tuần qua. Việc giảm sản lượng và nguy cơ giao hàng chậm do phải điều chỉnh lại lịch làm việc vì thiếu điện trên khắp cả nước có thể gây căng thẳng đối với chuỗi cung ứng toàn cầu vốn dĩ đang bị thắt chặt.
Công nghệ
Giới công nghệ sẽ phải đối mặt với một cú sốc lớn khi Trung Quốc là nơi sản xuất lớn nhất thế giới về các thiết bị công nghệ từ iPhone đến máy chơi game. Đây cũng là trung tâm đóng gói chính các chất bán dẫn được sử dụng trong ô tô và nhiều thiết bị khác.
Một số công ty đã phải tạm ngừng sản xuất ở Trung Quốc để tuân thủ các biện pháp tiết kiệm điện. Pegatron Corp, một đối tác quan trọng của Apple, cho biết tháng trước họ đã bắt đầu áp dụng các biện pháp tiết kiệm điện. Trong khi đó, ASE Technology Holding – nhà đóng gói chip lớn nhất thế giới cũng đã tạm ngừng sản xuất trong vài ngày.
Bloomberg nhận định: “Những công ty khổng lồ trong ngành công nghệ như Dell hay Sony không thể chịu thêm một cú sốc nguồn cung nữa sau khi đã chịu tác động tiêu cực từ tình trạng thiếu chip trên toàn cầu dự kiến kéo dài đến năm 2022”.
Sản xuất ô tô
Các nhà sản xuất ô tô đã phải đau đầu vì thiếu hụt chip trong thời gian qua. Vì vậy, bất kỳ sự suy thoái nào nữa của thị trường chất bán dẫn cũng sẽ khiến họ lao đao.
Công nghiệp sản xuất ô tô đến nay vẫn chưa bị ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp ngoại lệ. Toyota, công ty với năng lực sản xuất hơn một triệu xe mỗi năm ở Trung Quốc, đã phải dừng một số hoạt động do thiếu điện, dự kiến sẽ gây mất mát rất lớn tại thị trường này.
Thực phẩm
Mùa thu hoạch và canh tác tại đây sẽ trở nên khó khăn hơn do thiếu điện, đặc biệt với các loại cây như ngô, đậu nành và bông. Trong khi đó, giá lương thực toàn cầu đã tăng lên mức cao.
Ngoài ra, giá phân bón đang tăng chóng mặt đã đặt nhiều áp lực lên người nông dân.
Các nhà phân tích của Rabobank cho rằng ngành công nghiệp chế biến sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn so với các mặt hàng chủ lực như ngũ cốc và thịt. Trong lĩnh vực sữa, việc cắt điện có thể làm gián đoạn hoạt động của các nhà máy. Trong khi đó, các nhà cung cấp thịt lợn cũng sẽ phải đối mặt với sức ép từ việc thắt chặt nguồn điện cung cấp cho các kho lạnh.
Ảnh hưởng đến Việt Nam
Tác động của cuộc khủng hoảng ở Trung Quốc đến các ngành công nghiệp vô cùng rộng. Đặc biệt là một số lĩnh vực sử dụng nhiều điện năng như luyện nhôm, luyện thép, sản xuất xi măng và phân bón.
Đáng chú ý, những lĩnh vực này đều là những ngành có sản phẩm mà Việt Nam nhập khẩu với khối lượng lớn. Theo Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng năm 2021, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 81,3 tỷ USD, tăng 41,1% so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, sắt thép là một trong những mặt hàng Việt Nam nhập khẩu nhiều từ Trung Quốc, với khối lượng nhập khẩu 8 tháng đầu năm 2021 hơn 4 triệu tấn, tương đương khoảng 3,5 tỷ USD. Bên cạnh đó, phân bón, chất dẻo, xơ dệt, than đá cũng là một trong những nhóm hàng Việt Nam nhập khẩu khối lượng lớn từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, thời gian qua, Bộ Công Thương chưa ghi nhận phản ánh nào của doanh nghiệp về việc thiếu nguyên liệu đầu vào. Nguyên nhân được cho là do nhiều doanh nghiệp thuộc các tỉnh thành phía Nam phải tạm dừng hoạt động do Covid-19, do đó, nhu cầu nguyên liệu đầu vào cũng không quá nhiều.
Bên cạnh đó, một số mặt hàng Việt Nam đã có thể chủ động nguồn cung như thép xây dựng. Ngoài ra, biến động trong ngắn hạn ở Trung Quốc trong thời điểm này cũng chưa ảnh hưởng lớn đến nguyên liệu đầu vào phía Việt Nam.
Thanh Thảo
ĐỌC THÊM:
Thiếu điện tại Trung Quốc – mối nguy cho chuỗi cung toàn cầu