Mặt trận đối đầu Mỹ – Trung
Theo các thống kê, TSMC, tập đoàn chuyên về chế tạo chất bán dẫn lớn nhất thế giới có trụ sở tại Đài Loan đang chiếm hơn 90% sản lượng các dòng chip cao cấp toàn cầu. Trong khi các công ty Mỹ chiếm 65% tổng doanh thu của TSMC, thì với vai trò là công xưởng của thế giới, Trung Quốc vẫn là điểm đến cuối cùng lớn nhất với trị giá chip nhập khẩu khoảng 350 tỷ USD chỉ trong năm 2020.
Việc Trung Quốc kiểm soát các nhà máy của TSMC sẽ đe dọa vị thế dẫn đầu về công nghệ của Mỹ. Tuy nhiên, việc này cũng gặp nhiều trở ngại khi Washington liên tục ngăn chặn nỗ lực mua lại các công ty chip nước ngoài của Bắc Kinh.
Bên cạnh đó, Mỹ và Trung Quốc đều đang nỗ lực tìm cách phá thế phụ thuộc vào bán dẫn Đài Loan. Washington đã thuyết phục TSMC xây dựng nhà máy chế tạo chip hiện đại ở Mỹ, đồng thời chuẩn bị chi hàng tỷ USD để tái kết cấu ngành sản xuất chất bán dẫn nội địa. Mặt khác, Bắc Kinh cũng chi mạnh tay, nhưng ngành công nghiệp chip của nước này vẫn thua kém TSMC khoảng một thập kỷ trong nhiều lĩnh vực then chốt.

Sự lo ngại của Mỹ và Trung Quốc
Washington đang thể hiện lo ngại vì phải phụ thuộc vào ngành chip Đài Loan trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường đe dọa quân sự xung quanh hòn đảo này. Theo nhận xét của ông Martijn Rasser, cựu sĩ quan cấp cao tại Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), “Vấn đề lớn đối với Mỹ là kịch bản Trung Quốc kiểm soát được năng lực bán dẫn của Đài Loan. Đó sẽ là đòn nặng giáng vào kinh tế Mỹ, cũng như khả năng triển khai các hệ thống vũ khí hiện đại của nước này”.
Nỗi lo hàng đầu của Mỹ lúc này là mất lợi thế trong cuộc đua ứng dụng AI vào quân sự. Trong báo cáo gửi quốc hội Mỹ, Ủy ban An ninh Quốc gia về AI cảnh báo rằng Đài Loan sản xuất “phần lớn chip tiên tiến” nhưng lại có vị trí địa lý rất gần “đối thủ cạnh tranh chiến lược chính của Mỹ”. Nếu Trung Quốc chiếm được quyền kiểm soát chất bán dẫn trong thời gian dài hoặc đột ngột cắt đứt chuỗi cung ứng chất bán dẫn thì quốc gia này hoàn toàn có thể giành được mọi ưu thế trong lĩnh vực quân sự.
Ở phía ngược lại, Trung Quốc cũng gặp nhiều đe dọa bởi nếu nguồn cung chip từ Đài Loan bị cắt đứt có thể dẫn tới sự sụp đổ của nhiều ngành công nghiệp. Trung Quốc hiện chiếm tới 60% nhu cầu chip bán dẫn toàn cầu và hơn 90% chip bán dẫn được dùng ở quốc gia đông dân nhất thế giới này được nhập khẩu hoặc do công ty nước ngoài sản xuất tại đây. Trong quý một năm 2021, xuất khẩu chất bán dẫn của Đài Loan vào Trung Quốc tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trung Quốc chuyển hướng trước sự ngăn chặn của Mỹ
Sự phụ thuộc vào công ty nước ngoài khiến các doanh nghiệp Trung Quốc dễ bị tổn thương trước những căng thẳng địa chính trị. Cụ thể có thể kể đến trường hợp của Huawei, một tập đoàn đa quốc gia về thiết bị mạng và viễn thông của Trung Quốc.
Theo đó, Chính phủ Mỹ đã thông qua quy định yêu cầu nhà sản xuất nước ngoài, nếu sử dụng công nghệ chế tạo chip của Mỹ, sẽ phải xin giấy phép trước khi bán sản phẩm cho Huawei. Trong khi đó, hầu hết nguồn chip của Huawei đến từ TSMC. Quy định mới được đưa ra đồng nghĩa với việc TSMC không thể tiếp tục sản xuất chip cho Huawei. Điều này đã đánh sập mảng kinh doanh smartphone của hãng công nghệ Trung Quốc.

Để giảm bớt áp lực, phía Trung Quốc đã chuyển hướng đầu tư vào các công ty sản xuất chip trong nước. Trong đó, công ty SMIC hiện có thể chế tạo lượng lớn chip 28nm trong TV và ô tô. Tuy nhiên, TSMC hiện đã tiến đến công nghệ 3nm, còn SMIC sẽ phải mất thêm nhiều năm nữa để làm chủ những tiến trình cũ vốn đã được TSMC sử dụng thuần thục từ lâu.
Thanh Thảo
Malaysia: Intel đầu tư 7 tỷ USD xây nhà máy đóng gói và thử nghiệm chip