Will Compernolle, chuyên gia kinh tế tại FHN Financial ở New York, cho biết: “Tình trạng tắc nghẽn của chuỗi cung ứng đã kéo dài hơn so với dự báo vào đầu năm nay, cùng với việc thiếu hụt lao động là một trong những vấn đề quan trọng mà các nhà sản xuất đang phải giải quyết. Điều này đồng nghĩa với việc lạm phát giá tiêu dùng sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.”
Bộ Lao động Mỹ cho biết, sau hai tháng liên tiếp tăng 1,0%, chỉ số giá sản xuất (PPI) đã tăng 0,7% trong tháng trước. Trong đó, nhóm dịch vụ tăng mạnh nhất ở mức 0,7%, sau khi tăng 1,1% trong tháng 7 vừa qua.
Dịch vụ thương mại tăng 1,5% đo lường sự thay đổi trong biên lợi nhuận mà người bán buôn và bán lẻ nhận được, chiếm 2/3 mức tăng chung của dịch vụ. Bên cạnh đó, giá sản xuất hàng hóa tăng 1,0% sau khi tăng 0,6% trong tháng 7, trong đó nhóm thực phẩm tăng 2,9%. Giá vận tải và kho bãi cũng chứng kiến sự gia tăng ở mức 2,8%.
Làn sóng nhiễm COVID-19 do biến thể Delta gây ra, đã làm gián đoạn hoạt động sản xuất tại các nhà máy ở Đông Nam Á – những nhà cung cấp nguyên liệu chính cho các nhà máy ở Hoa Kỳ. Tình trạng tắc nghẽn tại các cảng của Trung Quốc cũng đang gia tăng áp lực lên chuỗi cung ứng của Mỹ.
Tắc nghẽn hoạt động Logistics
Mặc dù các cuộc khảo sát từ Viện Quản lý Nguồn cung trong tháng này cho thấy các thước đo về giá mà các nhà sản xuất và ngành dịch vụ phải trả đã giảm đáng kể trong tháng 8, tuy nhiên, chúng vẫn ở mức cao. Họ vẫn phải vật lộn để đảm bảo lao động và nguyên liệu, đồng thời phải đối mặt với sự chậm trễ về logistics.
Matt Colyar, nhà kinh tế tại Moody’s Analytics ở West Chester, Pennsylvania, cho biết: “Các nhà sản xuất đang vật lộn để bổ sung kho dự trữ của họ trước nhu cầu tăng cao. Với lượng hàng tồn kho khan hiếm, người sản xuất dễ chuyển chi phí sang cho người tiêu dùng”. Trong khi đó, chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell cho rằng lạm phát cao chỉ là hiện tượng nhất thời.
Lạm phát cao và hạn chế về nguồn cung, đã khiến các nhà kinh tế giảm dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội quý III của họ xuống mức thấp nhất là 3,5% từ mức cao 8,25%.
Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy lạm phát có khả năng gần đạt đến đỉnh điểm. Nếu loại trừ lương thực, năng lượng và dịch vụ thương mại biến động, giá sản xuất tăng 0,3%, mức tăng nhỏ nhất kể từ tháng 11 năm ngoái. Các ngành khác đang có xu hướng giảm.
Hồng Đào
ĐỌC THÊM: