Chính phủ của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang không ngừng bàn bạc về chiến lược chuyển dịch chuỗi cung ứng tại Trung Quốc trở về nước, đồng thời thể hiện sự mong muốn hợp tác với các quốc gia khác trong khu vực châu Á để cung ứng, sản xuất các sản phẩm thiết yếu. Tháng trước, tổng thống Trump còn khẳng định nước Mỹ sẽ tiết kiệm được 500 tỷ đô nếu chấm dứt các mối quan hệ với Trung Quốc.
Tuy nhiên, một cuộc phỏng vấn với một số nhà lãnh đạo chính phủ các nước và các chuyên gia phân tích ở Châu Á – Thái Bình Dương đã chỉ ra rằng những nỗ lực tái cấu trúc chuỗi cung ứng thực tế đều bất khả thi và mới chỉ dừng lại ở mức độ “mong muốn”.
Thực tế, đại dịch Covid-19 sẽ chỉ đẩy nhanh quá trình thay đổi đã được thúc đẩy bởi lực lượng thị trường khi chi phí và lương trả cho lao động Trung Quốc đang ngày càng tăng lên trong thập kỷ qua, tạo ra làn sóng chuyển dịch các nhà máy sản xuất giá trị thấp sang Đông Nam Á.
“Nói dễ hơn làm”
Dưới đây là sơ đồ dòng vốn đầu tư chạy vào Trung Quốc từ 03 quốc gia lân cận: Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc. Ngoại trừ Đài Loan, cả 2 quốc gia còn lại đều đầu tư mạnh hơn vào thị trường Trung Quốc.
Theo ông Deborah Elms từ Trung tâm thương mại Châu Á, gần đây số lượng công ty trong khu vực yêu cầu tư vấn về việc tái cấu trúc doanh nghiệp để tăng sức cạnh tranh ngày càng tăng lên. Ông cho biết, “Sau khi vượt qua được đại dịch, việc chuyển dịch chuỗi cung ứng sẽ còn khó khăn hơn do dòng tiền giảm sút, nhân sự bắt đầu trở lại công ty làm việc và không khí doanh nghiệp cũng sẽ thay đổi.”
Trong khi mạng lưới giao thương thế giới dường như ngưng trệ trong suốt thời gian cách ly xã hội do Covid-19, chi phí kinh tế tăng vọt như lời cảnh tỉnh đối với các chính trị gia về việc cần đẩy mạnh nền kinh tế “tự cung tự cấp” và có những phương án thay thế cho Trung Quốc. Ngoại trưởng Mỹ, Mike Pompeo gọi tên New Zealand, Úc, Nhật Bản, Ấn Độ và Hàn Quốc là những quốc gia mà Mỹ đang đàm phán liên quan đến chuỗi cung ứng.
Theo ông Keith Krach, viên chức Bộ Ngoại giao Mỹ chịu trách nhiệm phát triển các chính sách quốc tế về kinh tế, một mục tiêu cốt lõi mà Chiến dịch an ninh kinh tế (Economic Security Strategy) mới của Bộ ngoại giao Hoa Kỳ (ban hành vào năm ngoái) là mở rộng và đa dạng hóa chuỗi cung ứng để bảo vệ con người trong thế giới toàn cầu hóa.
Ông Krach cũng cho biết một mạng lưới kinh tế thịnh vượng với những liên minh cùng chí hướng sẽ được sớm xây dựng để duy trì nguồn cung ứng cho các mặt hàng thiết yếu.
Chiến lược “Trung Quốc + 1”
Những ngành công nghiệp được xem xét trong chiến lược này bao gồm dược phẩm, thiết bị y tế, thiết bị bán dẫn, ô tô, hàng không vũ trụ, dệt may và hóa chất.
Tuy nhiên, chiến lược “Trung Quốc + 1” hiện tại vẫn chỉ dừng ở mức độ “ý tưởng” và chưa có một cơ sở chắc chắn nào. Bộ Ngoại giao Mỹ không có quyền lực pháp lý liên quan đến thương mại, và nhiều nhà lãnh đạo ở các quốc gia châu Á cũng khẳng định là chưa có bất cứ hội nghị hay đàm phán chính thức nào về vấn đề này diễn ra. Thông tin từ một nguồn thân cận với bộ Ngoại giao cho biết Krach đang cố gắng đưa ý tưởng này thành một chính sách được công bố rộng rãi.
Dẫu vậy, nhiều nhà nước trên thế giới vẫn đang lên kế hoạch cho việc dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc, đặc biệt kể từ khi đại dịch Covid-19 lan rộng và gây gián đoạn cho chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong số đó phải kể đến Đài Loan và Nhật Bản – hai trong số những nhà đầu tư lớn nhất trong ngành sản xuất của Trung Quốc từ những ngày sơ khai.
Ông Anwita Basu, trưởng bộ phận nghiên cứu rủi ro của các quốc gia châu Á, thuộc công ty Fitch Solutions, cho biết: “Nhiều doanh nghiệp thực tế đã khởi động chiến dịch “Trung Quốc + 1″ kể từ khi cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung bị châm ngòi năm 2018, và Việt Nam là một trong nước được hưởng lợi nhiều nhất”. Sự xuất hiện của Virus Corona như một chất xúc tác thêm vào chiến lược này, tuy nhiên, quá trình tách khỏi Trung Quốc sẽ rất chậm vì quốc gia này có năng lực sản xuất cực kỳ lớn, đến mức một nhóm quốc gia hợp sức lại cũng rất khó khăn để đuổi kịp chỉ một phần sản lượng đầu ra của Trung Quốc.
Biên dịch: Dandelion