Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) hôm thứ hai (ngày 24.05) vừa cho biết, lốp xe ô tô và xe tải nhẹ từ Việt Nam đang được trợ giá không công bằng do định giá tiền tệ thấp hơn giá trị thực.
Cụ thể, lốp xe từ Việt Nam đang được trợ giá từ 6,23% đến 7,89% thông qua việc quy đổi USD sang VND với tỷ giá hối đoái được định giá thấp.
Cũng trong cuộc điều tra này, DOC cho biết lốp xe xuất khẩu từ Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam đã bị bán phá giá ở mức thấp hơn so với thị trường tại Mỹ. Tỷ lệ bán phá giá lốp xe từ Hàn Quốc lên tới 27%, từ Đài Loan lên tới 102%, từ Thái Lan lên tới 21% và từ Việt Nam lên tới 22%.
Năm 2020, nhập khẩu lốp ô tô và xe bán tải của Mỹ trị giá khoảng 1,2 tỷ USD từ Hàn Quốc, 373 triệu USD từ Đài Loan, 2 tỷ USD từ Thái Lan và 470 triệu USD từ Việt Nam.
Đây cũng không phải lần đầu tiên Mỹ cáo buộc Việt Nam thao túng tiền tệ để các mặt hàng xuất khẩu được hưởng ưu đãi và tăng khả năng thâm nhập vào thị trường Mỹ. Tuy nhiên theo kết luận cuối cùng của DOC trong cuộc điều tra chống bán phá giá, phần lớn các doanh nghiệp (chiếm 95,5% tổng kim ngạch xuất khẩu lốp xe ô tô của Việt Nam sang Mỹ) vẫn được xác định không bán phá giá (không bị áp thuế chống bán phá giá). Các doanh nghiệp còn lại, nắm khoảng 4,5% kim ngạch thì bị áp mức thuế là 22,3%.
Theo Bộ Công thương, đây là một kết quả tích cực đối với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu lốp xe của Việt Nam tại thị trường Mỹ – thị trường lớn nhất đối với ngành sản xuất lốp xe. Kết quả này cũng nhờ Bộ Công Thương đã tích cực trao đổi, đối thoại với cơ quan chức năng Hoa Kỳ nhằm chứng minh Việt Nam không “thao túng tiền tệ”, bán phá giá để tạo lợi thế xuất khẩu.
Về cáo buộc của Mỹ, hôm thứ năm vừa qua (ngày 27.5) phía Bộ Ngoại Giao Việt Nam, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng đã mạnh mẽ lên tiếng bác bỏ và khẳng định: “Việt Nam không bán phá giá cũng như không trợ cấp cho lốp ô tô xuất khẩu và không thao túng tiền tệ để đạt được lợi thế không công bằng trong thương mại quốc tế.”