Áp lực giá cước vận tải
Theo Bộ Công Thương, giá xăng dầu trong nước tăng là do giá bình quân các sản phẩm xăng dầu thế giới trong 15 ngày trước kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 26/10 tăng khoảng 10,4% với xăng RON92, xăng RON95 tăng hơn 11,2%, các mặt hàng dầu tăng 7-8%.
Liên Bộ Công Thương – Tài chính cho hay từ đầu năm 2021 đến nay, quỹ bình ổn giá đã chi liên tục với mức chi 100-2.000 đồng/lít/kg, nên trong kỳ điều hành lần này, nếu không tăng chi quỹ bình ổn giá (BOG) đối với xăng E5RON92 và không chi quỹ BOG đối với xăng RON95, giá các mặt hàng xăng sẽ tăng từ 1.859 đồng/lít đến 2.527 đồng/lít.
Tuy nhiên, liên bộ vẫn quyết định tăng chi sử dụng quỹ BOG đối với mặt hàng xăng E5RON92 là 1.100 đồng/lít, chi sử dụng quỹ BOG đối với xăng RON95 ở mức 400 đồng/lít. Nhờ vào việc sử dụng công cụ quỹ BOG nên giá xăng dầu trong nước đã có mức biến động thấp hơn mức biến động của giá xăng dầu thế giới. Dù vậy, mức tăng của giá xăng dầu đã khiến nhiều doanh nghiệp và lái xe phải chịu áp lực nặng nề.
Hiện giá xăng đã tăng cao hơn thời điểm đầu năm khoảng 7.000 đồng/lít, tương đương 30% (từ 17.000 đồng lên 24.000 đồng/lít với giá xăng và 12.600 đồng lên 18.700 đồng/lít với giá dầu). Đây là mức tăng kỷ lục mà các doanh nghiệp vận tải phải gánh chịu.
Đại diện Hiệp hội logistics Việt Nam cho biết, giá xăng dầu tăng thì doanh nghiệp vận tải sẽ phải tính chuyện tăng giá cước. Tuy nhiên, giá xăng thì tăng ngay, còn muốn tăng giá dịch vụ thì cần thương lượng, ký lại hợp đồng với đối tác. Nếu giá cước được điều chỉnh tăng lên sẽ kéo giá hàng hóa tăng theo.
Ngoài tác động trực tiếp làm tăng giá thành sản phẩm, giá xăng dầu tăng còn làm tăng giá hàng hoá trong khâu lưu thông, tạo áp lực lên lạm phát, giảm sức cạnh tranh của hàng hoá sản xuất trong nước, tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế.
Giá tiêu dùng tăng cao
Với sức ép từ giá cước vận tải, nhiều mặt hàng tiêu dùng khó tránh khỏi tăng giá, đặc biệt trong bối cảnh phục hồi sản xuất kinh doanh và nhu cầu tăng mạnh vào dịp cuối năm.
Tại một số chợ Hà Nội, nhiều tiểu thương cho biết giá tăng mạnh so với thời điểm giữa năm. Giá hành lá hiện ở mức hơn 30.000 đồng/kg (tăng hơn 5.000 đồng so với tháng 7/2021), thịt lợn tăng từ 15.000 đến 20.000 đồng/kg; thịt gà tăng 10.000 đồng/kg; v.v.
Tại chợ Đại Từ (Hoàng Mai, Hà Nội) tiểu thương thừa nhận, giá nhiều mặt hàng đã được điều chỉnh tăng. Trong đó tăng mạnh nhất là mặt hàng thịt lợn và rau củ quả các loại. Ngoài nguyên nhân tăng giá do xăng dầu, những ngày gần đây giá lợn hơi tại chuồng tăng dựng đứng, nguồn cung rau củ quả bị ảnh hưởng bởi mưa lớn dẫn đến giá tăng phi mã.
Theo nhiều tiểu thương cho biết với chi phí vận tải tăng cao, cùng với đó, nguồn cung hạn chế do thời tiết bước vào đợt lạnh cuối năm, mưa bão, nhu cầu tăng về cuối năm, giá cả sẽ còn tăng hơn nữa trong thời gian tới. Giá xăng, dầu tăng kéo theo cước vận tải, giá hàng hóa tiêu dùng tăng rất có thể sẽ tác động đến chỉ số CPI và lạm phát.
Giá thực phẩm tăng mạnh đã ảnh hưởng đến nhiều hàng bán tăng giá theo. Ví dụ, nhiều chủ shop online đồng loạt thông báo tăng phí ship thêm 5.000-10.000 đồng/đơn hàng tuỳ khoảng cách xa gần. Tuy nhiên, nhiều hàng bán đồ ăn chín lại không thể tăng giá vì lý do giữ khách. Sau dịch, nhu cầu mua đồ ăn ngoài của người dân giảm do thu nhập giảm, nếu những cửa hàng “té nước theo mưa” tăng giá thì sẽ mất dần lượng khách, ảnh hưởng đến nguồn thu nhập vốn có.
Thanh Thảo
ĐỌC THÊM:
Giá hàng hóa thiết yếu tăng, nguyên vật liệu biến động