Giá hàng hóa các hợp đồng kỳ hạn tương lai chạm đỉnh
Giá cà phê robusta kỳ hạn liên tục tăng trong năm 2021. Trong đó, tại phiên giao dịch ngày 29/12 trên sàn Liên lục địa ICE ( Ice Futures Europe), giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 1/2022 đạt 2.463 USD/tấn, đây được cho là mức giá cao nhất trong suốt thập kỷ kể từ tháng 8/2011.
Các thương nhân cho biết tại Việt Nam, nhà sản xuất cà phê robusta hàng đầu thế giới, hơn 60% sản lượng cà phê đã được thu hoạch trong điều kiện thời tiết khô ráo. Tuy nhiên, những gián đoạn trong chuỗi cung ứng cùng sự biến động bất thường trong giá phân bón càng khiến nhu cầu mua để dự trữ mặt hàng này tăng cao. Cụ thể, lượng cà phê dự trữ tại các kho của sàn IEC ngày 22/12 chỉ còn 99.190 tấn, giảm so với 109.040 tấn một tháng trước đó.
Khó khăn chồng chất khó khăn
Cà phê vốn được trồng chủ yếu ở các khu vực khí hậu nhiệt đới, nơi có điều kiện thời tiết vô cùng khắc nghiệt. Đây chính là một trong yếu tố đẩy giá cà phê tăng vọt.
Tại Brazil nơi chiếm 1/3 sản lượng cà phê toàn cầu, các đợt hạn hán kéo dài cùng với các đợt sương giá nghiêm trọng đã đẩy giá cà phê lên cao đột biến. Theo Conab, cơ quan dự báo nông nghiệp của Brazil, sản lượng loại cà phê được tiêu thụ nhiều nhất trên toàn cầu Arabica của quốc gia này giảm gần 40% so với năm ngoái. Bên cạnh Brazil thì Colombia, nhà cung cấp arabica lớn thứ hai thế giới lại xảy ra tình trạng mưa quá nhiều, điều này cũng ảnh hưởng tương đối lớn đến điều kiện sinh trưởng của cây cà phê.
Đặc biệt, làn sóng Covid-19 đã kéo theo vô vàn thách thức trong chuỗi cung ứng, như tắc nghẽn cảng hoặc thiếu nhân công, giá nguyên vật liệu tăng cao và thời gian vận chuyển kéo dài cũng góp phần làm tăng giá cà phê. Trong khi đó, để trồng và thu hoạch bổ sung cây cà phê phải mất tới vài năm.
Ai là người chịu thiệt?
Giá hàng hóa các hợp đồng kỳ hạn tương lai tăng có nghĩa là giá cà phê có thể sẽ trở nên đắt đỏ hơn trong tương lai. Trên thực tế, giá cà phê tại Mỹ đã tăng 7% trong một năm qua, theo Cục Thống kê Lao động Mỹ.
Theo David Ortega, Phó Giáo sư thuộc Đại học Bang Michigan, người tập trung vào kinh doanh nông nghiệp cho biết, cà phê là một mặt hàng có thể tích trữ, do đó, phải mất một thời gian nữa, chúng ta sẽ thấy rõ ‘gánh nặng’ giá nguyên liệu tăng sẽ chuyển sang các quán cà phê và cửa hàng. Ví dụ, Starbucks tháng 7/2021 cho biết họ đã mua cà phê trước từ 12 đến 18 tháng.
Ông cũng chia sẻ thêm: “Những tác động của đại dịch đã thể hiện ở giá một số loại hàng hóa, nhưng phần lớn giá tăng đó sẽ được chuyển sang “ví’” của người tiêu dùng”.
Minh Ngô
Khủng hoảng nguồn cung cà phê, hạt Arabica trở nên khan hiếm