Ngành gỗ Việt Nam phục hồi sau đại dịch
Có thể thấy, khu vực phía Nam là nơi có nhiều doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản trong cả nước. Trong đó, theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai là khu vực sản xuất, chế biến đồ gỗ lớn nhất cả nước, cụ thể, 9 tháng đầu năm 2021, tổng giá trị xuất khẩu cả ba khu vực chiếm tới 65% tổng giá trị xuất khẩu cả nước.
Đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư đã tác động tiêu cực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, chế biến của các doanh nghiệp ngành gỗ, đặc biệt là tại các địa phương khu vực phía Nam. Cụ thể, tại các tỉnh phía Nam, kim ngạch xuất khẩu các tháng từ tháng 7 đến tháng 9 chỉ còn tăng 32%, giảm một nửa so với mức tăng 6 tháng đầu năm nay (tăng 60% so với cùng kỳ). Nguyên nhân chính là do hầu hết doanh nghiệp chỉ duy trì sản xuất cầm chừng theo mô hình sản xuất “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường, 2 địa điểm” với số lượng công nhân hạn chế, năng suất làm việc giảm đáng kể với công suất sản xuất chỉ bằng 20 – 25% so với trước khi giãn cách. Tất cả những điều trên đã khiến sản lượng gỗ chế biến giảm sâu.
Ngoài ra, một nguyên nhân khác có thể kể đến như tắc nghẽn cảng, thiếu container, chi phí nguyên vật liệu và vận chuyển cả trong nước lẫn quốc tế đều tăng cao, v.v. Điều này đã tăng thêm nhiều thách thức lớn đối với doanh nghiệp. Theo các hiệp hội, chi phí vận tải tăng gấp 4 lần so với thời điểm trước khi dịch bệnh diễn ra. Một container hàng sang Mỹ hiện doanh nghiệp mất từ 20.000 – 30.000 USD do chi phí logistics tăng cao, thậm chí không tìm được kho tạm lưu hàng hóa.
Tính đến hiện tại, khi dịch bệnh đã được kiểm soát phần nào, các doanh nghiệp đều rất cố gắng để thích nghi với hoàn cảnh, chủ động phục hồi sản xuất và đảm bảo nguồn hàng xuất khẩu. Cụ thể, một số doanh nghiệp vẫn giữ mối liên hệ thường xuyên với đối tác, cung cấp thông tin tình hình sản xuất để khách hàng yên tâm về khả năng đáp ứng đơn hàng. Điều này giúp ngành gỗ vẫn giữ được mức tăng trưởng khá cao và đóng góp kim ngạch xuất khẩu đáng kể trong nhóm mặt hàng nông lâm thủy sản.
Theo số liệu từ Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, 9 tháng đầu năm 2021, giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ đạt 10,76 tỷ USD tăng 30,5% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó thị trường Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản là 3 thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam, chiếm khoảng 71% tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng này.
Tận dụng phế phẩm để sinh lời
Theo Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam, viên nén nằm trong nhóm 5 mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao nhất của ngành gỗ. Việt Nam hiện đang là nước xuất khẩu viên nén lớn thứ hai thế giới và dự báo mặt hàng này sẽ tiếp tục tăng trưởng trong xu hướng sử dụng nhiên liệu sạch.
Theo số liệu nhóm nghiên cứu của Hiệp hội gỗ và Forest Trends thu thập được, trong 8 tháng đầu năm 2021, tổng lượng viên nén xuất khẩu duy trì ở mức khá ổn định, đạt 2,4 triệu tấn, tương đương với 273 triệu USD về kim ngạch. Mặc dù kim ngạch xuất khẩu trong đợt dịch đã suy giảm so với cùng kỳ năm ngoái nhưng nhìn chung, viên nén gỗ vẫn là một mặt hàng có sức hút và kỳ vọng tiếp tục tăng trị giá trong tương lai.
Loại vật liệu này được sản xuất từ nguồn sinh khối rất đa dạng. Củi vụn, dăm bào, mùn cưa, đầu mẩu, cành ngọn gỗ, v.v đều là những phế phẩm của ngành sản xuất gỗ; hay phế phụ phẩm của ngành trồng trọt như vỏ trấu, bã mía, thân cây ngô, thân cây cỏ khô, vỏ hạt cà phê, v.v. Trước đây, người ta chỉ sử dụng những loại phế phẩm này để trồng cây, làm phân bón, lót chuồng gia súc hay dùng làm gỗ ép mà chưa từng nghĩ đến có thể kiếm được một món hời gần nửa tỷ đô với viên nén gỗ.
Vào khoảng những năm 2010 – 2014, khi mới xuất hiện, viên gỗ nén là một lĩnh vực chế biến gỗ vô cùng tiềm năng, được các doanh nghiệp Việt Nam chú trọng đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất viên nén gỗ để xuất khẩu. Cụ thể, rất nhiều các sản phẩm gỗ thải được xử lý và bán ra với giá thành thu mua khá cao từ 140 – 150 USD/tấn.
Trong vòng 7 năm qua, lượng sản xuất, xuất khẩu và giá trị thành phẩm của viên nén gỗ ngày càng tăng lên. Cụ thể, lượng viên nén xuất khẩu tăng trên 18,28 lần, từ 175 nghìn tấn năm 2013 lên khoảng 3,2 triệu tấn năm 2020. Giá trị xuất khẩu viên nén tăng 15,3 lần, từ gần 23 triệu USD năm 2013, lên 351 triệu USD năm 2020. Đây đều là những con số rất ấn tượng mà hiếm mặt hàng “phế phẩm” nào có thể đem lại.
Tại sao “phế phẩm” lại có tiềm năng phát triển ngày càng cao?
Đầu tiên, đây là một loại chất đốt năng lượng sạch, có thể thay thế cho than, xăng, dầu, v.v phù hợp trong hành trình xanh hóa, bảo vệ môi trường của nhiều quốc gia. Cụ thể, ngành sản xuất và xuất khẩu viên nén ở Việt Nam chủ yếu nhằm đáp ứng nhu cầu nguyên liệu đầu vào cho nhu cầu phát triển điện sinh học tại Nhật Bản và Hàn Quốc kể từ sau thảm động đất và sóng thần. Vì vậy, lượng xuất khẩu viên nén mỗi năm của Việt Nam sang 2 thị trường này chiếm trên 90% tổng kim ngạch xuất khẩu. Ở Nhật Bản, viên nén dự kiến sẽ đáp ứng 38% tổng nhu cầu năng lượng vào năm 2030. Một số doanh nghiệp xuất khẩu cho biết lượng viên nén xuất khẩu sang thị trường này có thể mở rộng gấp 3 lần cho tới năm 2024 – 2025 so với hiện nay.
Theo cam kết ở Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 (COP26), các hành lang trong khu vực cần thực hiện các chính sách nhằm cắt giảm lượng khí thải CO2 ra môi trường. Muốn làm được điều đó, lượng khí thải CO2 ròng phải về 0 vào năm 2050. Vậy nên, sử dụng viên nén gỗ như một loại chất đốt thay thế là một lựa chọn “thông minh” của các quốc gia.
Thứ hai, nguồn nguyên liệu đầu vào không kén chọn, dễ dàng tìm kiếm. Thông thường, nguyên liệu đầu vào để sản xuất các viên nén gỗ đều được tận dụng từ “phế phẩm” của ngành công nghiệp chế biến gỗ. Tận dụng điều này, các doanh nghiệp đã có thể “nhân đôi” nguồn thu của mình bằng việc vừa sản xuất gỗ chế biến, vừa sản xuất viên nén gỗ. Trước đó, họ chủ yếu chỉ kiếm lời từ chế biến và xuất khẩu các sản phẩm chế biến gỗ như đồ nội thất, đồ gỗ thô, v.v. còn bỏ đi phần phế phẩm như mùn cưa, gỗ mẩu. Tuy nhiên, khi vừa xuất hiện, viên nén gỗ đã nhanh chóng chiếm được thị trường, đem về nguồn lợi nhuận cao hơn cho các doanh nghiệp.
Thứ ba, quy trình sản xuất đơn giản, không đòi hỏi nhiều kỹ thuật cao. Nếu trong ngành chế biến đồ gỗ nội thất, một quy trình cần nhiều khâu nhiều bước, đòi hỏi người lao động cần có tính tỉ mỉ và thẩm mỹ cao, thì ngược lại, việc sản xuất viên nén gỗ đơn giản hơn rất nhiều. Quy trình sản xuất viên nén gỗ thường gồm 5 bước là nghiền, sấy, ép, làm lạnh và đóng gói. Và chủ yếu quy trình này đều do máy móc làm việc. Như vậy, cơ sở sản xuất có thể tiết kiệm được thời gian lao động cũng như nhân công trong quá trình sản xuất viên nén gỗ.
Tháo gỡ “nút thắt” nhằm nâng cao giá trị viên nén gỗ
Mặc dù viên nén gỗ đã và đang có bước đệm rất tốt để phát triển trong tương lai, nhưng cần phải thừa nhận rằng vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế trong ngành sản xuất và xuất khẩu “phế phẩm” nửa tỷ đô này.
Do quy trình sản xuất đơn giản, viên nén gỗ là một sản phẩm có thể dễ dàng được chế biến ở các cơ sở nhỏ đến các cơ sở lớn. Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu này đôi khi chưa được kiểm soát chặt chẽ về khía cạnh chất lượng và pháp lý.
Về phía doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất chưa chuẩn bị đầy đủ các chứng chỉ rừng trồng để xuất khẩu viên nén chất lượng cao, giá tốt sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, châu Âu. Trong khi đó, có không ít cơ sở lại sử dụng nguyên liệu hỗn tạp, kém chất lượng, cạnh tranh thiếu công bằng. Do vậy, các doanh nghiệp cần sàng lọc kỹ hơn nguồn nguyên liệu đầu vào, sử dụng nguyên liệu chế biến viên nén có chất lượng tốt, không lẫn tạp chất hay mùn cưa kém chất lượng.
Thêm nữa, khâu đấu thầu để bán hàng cho nhà máy nhiệt điện bên Hàn Quốc phải qua một trung gian thương mại khiến cho các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ bị phụ thuộc nhiều vào bên thứ ba. Và điều này cũng khiến chi phí trong quá trình từ sản xuất đến xuất khẩu tăng lên rất nhiều.
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, ngành lâm nghiệp đang tiếp tục đẩy mạnh việc cấp chứng chỉ FSC, với mục tiêu đạt được 10 triệu ha vào năm 2030. Điều này sẽ góp phần nâng giá trị đầu vào nguyên liệu.
Theo đó, nguồn nguyên liệu gỗ của Việt Nam đã được cải thiện khá tốt thông qua phát triển rừng trồng, đến nay đã chủ động được 75% nhu cầu nguyên liệu hàng năm. Trong những năm gần đây, sản lượng xuất khẩu viên nén mỗi năm đạt khoảng 3 triệu tấn, tương đương 350 triệu USD về kim ngạch. Con số này hoàn toàn có thể tăng thêm nữa nếu như các doanh nghiệp Việt Nam có thể gỡ bỏ hết các “nút thắt” và có kế hoạch sản xuất cũng như chiến lược kinh doanh thích hợp.
Thanh Thảo
Đối mặt với nhiều thách thức, gỗ Việt vẫn đạt mức xuất khẩu kỷ lục gần 15 tỷ USD