Ngừng đặt chỗ trên tuyến đường sắt Trung Quốc – Châu Âu
Hôm qua, Maersk, một doanh nghiệp ủng hộ mạnh mẽ tuyến đường sắt Nga vì nó tránh được các điểm nóng tắc nghẽn ở biên giới Trung Quốc – Kazakhstan, đã công bố tạm ngừng tuyến đường sắt xuyên lục địa đến và đi từ Nga.
Jacky Yan, người sáng lập và Giám đốc điều hành của New Silk Road Intermodal, một doanh nghiệp Logistics và vận chuyển quốc tế có văn phòng hoạt động tại Châu Âu và Trung Quốc, nói với tờ The Load Star: “Hiện tại, hầu hết các chuyến tàu đang đi qua Nga và Belarus để đến Ba Lan, vì vậy dịch vụ vẫn không bị ảnh hưởng. Tương tự như vậy, chuyến tàu từng đi qua Ukraine đã được chuyển hướng đến Malaszewicze ở Ba Lan, và chuyến tàu đến Kyiv đã bị dừng lại vì chiến tranh.”
Ông Jacky Yan cũng cho biết thêm: “Một số đặt chỗ bị hủy vì các lệnh trừng phạt đối với Nga đã gây ra vấn đề thanh toán cho đô la Mỹ và một số bị hủy do lo lắng về việc hư hỏng hàng hóa.”
Bên cạnh đó, một nhà sản xuất thiết bị điện tử của Đài Loan cũng đã đình chỉ các đơn đặt hàng với đường sắt Trung Quốc, với lý do lo ngại hàng hóa của họ có thể bị “mắc kẹt ở biên giới Nga – Ba Lan”.
Lars Jensen, người sáng lập Vespucci Maritime, một doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa bằng container, nói rằng, trừ khi có một sự thay đổi lớn trong cuộc chiến Nga – Ukraine, “rõ ràng là tất cả các chủ hàng, hãng vận tải và người giao nhận ít nhất cần phải có kế hoạch dự phòng cho việc ngừng hoàn toàn các dịch vụ tới Nga, có thể trong vòng vài ngày tới”.
Áp lực chồng áp lực lên tuyến dịch vụ vận tải biển
Được biết, trong hai năm qua, khối lượng hàng hóa đã tăng 29%, lên tới 1,46 triệu TEU nhờ vận chuyển hàng hóa đường sắt Trung Quốc – Châu Âu ngày càng trở nên phổ biến. Nguyên nhân lý giải điều này được cho là do khủng hoảng Covid và những tác động không mấy tích cực đến vận tải đường biển và đường hàng không.
Hiện tại, lưu lượng trên tuyến đường sắt này rơi vào khoảng 500.000 TEU. Nếu ngừng hoạt động tuyến này, nhu cầu tại các tuyến dịch vụ Á – Âu có thể sẽ tăng đến 10.000 TEU/tuần và áp lực đặt chỗ sẽ ngày càng gia tăng trên các chuyến tàu vốn đã quá tải.
Ông Lars Jensen cho rằng: “Hàng hóa trên tuyến đường sắt thường là nơi người gửi hàng tập trung cao vào tốc độ và sẵn sàng trả giá cước cao hơn. Do đó, nếu hàng hóa này được chuyển hướng sang các dịch vụ đường biển, nó có thể định giá quá cao cho những mặt hàng giá trị thấp trên tàu.”
Thanh Hà
Vận chuyển thương mại khó khăn trước tác động của căng thẳng Nga & Ukraine