Vào tuần trước, khoảng 200.000 container đã mắc kẹt trên các tàu neo đậu bên ngoài Cảng Los Angeles. Các cảng biển ở Bờ Đông Hoa Kỳ cũng gặp phải tình trạng tương tự. Sự chậm trễ tại các cảng biển đã để lại những hậu quả nghiêm trọng như nhà bán lẻ phải đối mặt với tình trạng thiếu hàng, các nhà sản xuất đình trệ, hàng hóa hư hỏng, các nhà xuất khẩu mất khách hàng, v.v.
Rõ ràng, tắc nghẽn cảng không phải là toàn bộ nguyên nhân. Khi đại dịch bùng phát, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa của người dân tăng vọt. Lượng hàng hóa nhập khẩu tăng mạnh dẫn tới quá tải tại các kho hàng. Tình trạng thiếu tài xế khiến mạng lưới vận tải đường bộ và đường sắt rơi vào tình trạng báo động. Các nút thắt cổ chai trong toàn bộ nền kinh tế gia tăng đồng nghĩa với việc các cảng sẽ gánh chịu những hậu quả không nhỏ.
Các cảng biển ở Hoa Kỳ đã bộc lộ những thiếu sót nghiêm trọng. Không một cảng biển nào lọt vào top 50 Chỉ số Hiệu suất Cảng Container 2020 do Ngân hàng Thế giới và IHS Markit công bố. Theo ước tính, thời gian xếp dỡ một container ra khỏi tàu ở Los Angeles gấp đôi so với ở Thượng Hải. Trong khi các cảng châu Á thường hoạt động 24/7 (hoặc 168 giờ/tuần), nhiều cảng ở Hoa Kỳ chỉ hoạt động 112 giờ/tuần.
Đâu là nguyên nhân dẫn tới tình trạng này?
Yếu tố nắm vai trò quan trọng chính là lực lượng lao động. Các công đoàn đại diện cho những thuyền viên đã tích cực thúc đẩy lợi ích của các thành viên. Mức lương trung bình 182.000 đô la/năm cho công nhân đóng tàu tại các cảng Bờ Tây, cao hơn nhiều đối với quản đốc. Tuy nhiên, điều này khiến các nhà khai thác bến cảng phải hạn chế giờ làm việc để tránh làm thêm giờ. Lo sợ có thể mất việc, nhiều người lao động đã chọn công việc văn phòng với mức lương thấp hơn nhiều lần, đồng thời, các công đoàn đã cùng nhau chống lại việc tự động hóa ở các các cảng biển.
Thực tế, tự động hóa có tiềm năng vô cùng lớn. Theo một nghiên cứu của McKinsey & Co., nếu thực hiện một cách nghiêm túc và cẩn thận, việc tự động hóa các cảng biển có thể giảm chi phí vận hành lên đến 55% và tăng năng suất lên đến 35%. Trong ngắn hạn, nhiều công việc con người sẽ bị thay thế bởi máy móc và mất việc làm. Tuy nhiên, trong dài hạn, công nghệ và tự động hóa sẽ tạo ra nhiều việc làm hơn.
Kế hoạch để các cảng Bờ Tây Hoa Kỳ hoạt động 24/7 do Tổng thống Joe Biden đề xuất là một chương trình thử nghiệm trong thời gian ngắn và không liên quan gì đến tự động hóa, các cảng chỉ đơn giản là đồng ý trả thêm tiền làm thêm giờ. Bên cạnh đó, một điều khoản trong dự luật cơ sở hạ tầng mà Quốc hội đang tranh luận là đề nghị đầu tư 3,5 tỷ đô la vào công nghệ không phát thải tại các cảng, tuy nhiên cấm đầu tư vào tự động hóa. Đây là một điều đáng tiếc khi lợi ích của đổi mới công nghệ quá rõ ràng, từ vắc xin, pin đến tên lửa có thể tái sử dụng và hơn thế nữa.
Ngay cả sau khi cuộc khủng hoảng hiện tại lắng xuống, theo dự báo do các cảng Los Angeles và Long Beach đưa ra, lưu lượng container trong khu vực có thể đạt 41,1 triệu TEU vào năm 2040 , tăng từ 17,3 triệu TEU tại khu liên hợp vào năm ngoái.
Các nhà hoạch định chính sách của tiểu bang và liên bang cần coi những tắc nghẽn kinh hoàng của năm nay như một dấu hiệu cảnh báo, đồng thời, ưu tiên hàng đầu việc đầu tư vào tự động hóa. Các cảng cũng có thể sử dụng trợ giúp chuẩn hóa các dữ liệu mà họ thu thập và chia sẻ dữ liệu đó với các chủ thể khác trong chuỗi cung ứng.
Hồng Đào
ĐỌC THÊM:
Khủng hoảng tàu Container tại Mỹ nói gì về chuỗi cung ứng toàn cầu?