Kế hoạch sáp nhập hai hãng hàng không hàng đầu Hàn Quốc vừa được chính thức công bố vào ngày 16/11. Korean Air (KE) dự kiến sẽ mua lại đối thủ cạnh tranh Asiana Airlines (OZ) với 1,8 nghìn tỷ won , tương đương với 1,62 tỷ đô la Mỹ. Dự kiến thương vụ thập kỷ này sẽ được hoàn thiện vào nửa cuối năm 2021.
KE hiện đang nắm giữ vị trí thứ 18 trong danh sách các hãng hàng không lớn nhất thế giới, và ngay khi thỏa thuận M&A này chính thức đi vào hiệu lực, sự kết hợp giữa KE và OZ có thể giúp hãng hàng không mới này lọt vào Top 10 hãng lớn nhất toàn cầu. Một mục tiêu chính yếu của thương vụ này cũng nhằm tái ổn định ngành hàng không Hàn Quốc dưới tác động của đại dịch Covid-19, từ đó tăng năng lực cạnh tranh trước các đối thủ quốc tế.
Việc mua lại và sáp nhập hai hãng hàng không lớn với nhau không hề đơn giản, đặc biệt khi xem xét cấu trúc sở hữu của cả hai hãng. Dưới đây là sơ bộ về kế hoạch M&A chấn động này:
- Korean Air dự kiến sẽ nâng quy mô vốn lên tương đương 2,25 tỷ đô la Mỹ thông qua “đặc quyền mua trước” (Rights Offerings) vào đầu năm 2021.
- Phần tiền đó sẽ được sử dụng để mua và phân phối cổ phần mới cũng như trái phiếu vĩnh viễn (perpetual bond) của Asiana. Dự kiến, KE sẽ nắm giữ 30,77% cổ phần của OZ từ các chủ nợ của hàng này – chủ nợ lớn nhất là Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc (KDB).
- KDP sẽ tham gia vào thương vụ này thông qua việc rót 722 triệu đô la Mỹ cho công ty Hanjin KAL – công ty con của Tập đoàn Hanjin và công ty mẹ của Korean Air bằng “đặc quyền mua trước” và trái phiếu chuyển đổi (convertible bond). Nói cách khác, cả hai công ty mẹ ban đầu của hai hãng vẫn tiếp tục nắm giữ cổ phần trong hãng hàng không sau khi sáp nhập.
Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Korean Air, ông Cho Won Tae, mô tả thương vụ này là:
“Công ty đã đưa ra quyết định quan trọng này với mục đích thúc đẩy ngành hàng không nước nhà tiếp tục phát triển trong thời điểm dịch bệnh, đồng thời giảm thiểu vốn góp công quỹ vào Asiana Airlines.”
Trong khi đó, Thứ trưởng phụ trách Hàng không dân sự, thuộc Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông Hàn Quốc (Ministry of Land, Infrastructure, and Transport) cho biết đây là một “quyết định không thể tránh khỏi” để giảm thiểu tối đa những khoản lỗ mà hai hãng hàng không lớn nhất Hàn Quốc phải gánh chịu do tác động tiêu cực của dịch bệnh.
Tại sao hai hãng hàng không lớn của Hàn Quốc đang vật lộn với kết quả kinh doanh không mấy khả quan?
Thực tế là tình hình tài chính của KE và OZ đều gặp nhiều trắc trở từ lâu, trước cả khi dịch bệnh Covid-19 bắt đầu phát tán. Hàn Quốc là quốc gia có dân số khoảng 50 triệu người, và với quy mô dân số như vậy, đây được xem là một trong số ít đất nước có 02 hãng hàng không lớn với dịch vụ đầy đủ. Tuy nhiên, cả hai hãng đều phải đối diện với những đối thủ cạnh tranh mạnh, bao gồm các hãng hàng không nước ngoài và các hãng giá rẻ.
Thương vụ M&A này chắc hẳn sẽ rất có lợi cho Asiana Airlines, bởi hãng hàng không này đang trên bờ vực phá sản. Tháng 12/2019, Kumho – cổ đông lớn nhất của Asian Airlines, quyết định bán 30,77% cổ phần cho Huyndai Development Co. với mức giá tương đương 2,1 tỷ đô la Mỹ. Tuy nhiên, vào tháng 9 vừa rồi, do tác động của dịch bệnh, Huyndai Development Co. quyết định rút khỏi thỏa thuận này, và các chủ nợ của Asiana Airlines phải rót thêm vốn để cứu lấy hãng hàng không đang hấp hối.
Một đại diện của Korean Air chia sẻ với Reuters rằng: “Tạm thời, Korean Air và Asiana vẫn tiếp tục vận hành độc lập, tuy nhiên, một khi thỏa thuận M&A này chính thức được thực hiện, thương hiệu Asiana nhiều khả năng sẽ bị xóa bỏ.”
Sau khi thông tin về thương vụ này được công bố, giá cổ phiếu của Asiana đã tăng lên 29.8% vào giao dịch ngày thứ 2 (16/11), trong khi cổ phiếu của Korean Air tăng 15,2% và 8,2% là mức tăng của công ty Hanjin Kal.
Dẫu vậy, bài toán sáp nhập này cũng sẽ phải đối diện với nhiều thách thức trong tương lai để đi đến kết quả cuối cùng. Một trong những vấn đề nan giải đó là liệu nó có nhận được sự đồng thuận về mặt quy định pháp lý của Hàn Quốc hay không?
Biên dịch và tổng hợp: Dandelion