IKEA là một công ty quốc tế chuyên thiết kế đồ nội thất bán lắp ráp, thiết bị và phụ kiện nhà nổi tiếng. Ra đời từ năm 1943 tại Thụy Điển với cha đẻ là ông Ingvar Kamprad – một doanh nhân khởi nghiệp khi mới 17 tuổi, IKEA đã nhanh chóng thống lĩnh toàn cầu hơn 400 cửa hàng tại hơn 50 quốc gia, rải rác khắp các châu lục.
Các sản phẩm của IKEA chủ trương được thiết kế theo lối đơn giản, phù hợp với tinh thần của hãng nội thất lớn nhất thế giới: Design for everyone (Tạm dịch: Thiết kế cho mọi người). IKEA có cả những sản phẩm cao cấp nhưng vẫn tập trung chính vào các thiết kế có thể chạm đến tất cả người tiêu dùng, để khi bước vào một gian hàng của IKEA, dù là người có thu nhập trung bình hay giàu có, bạn cũng có thể chọn được món đồ gì đó ưng ý cho gia đình mình. Theo thông tin từ trang web bán hàng của IKEA, thương hiệu này có tới 12,000 dòng sản phẩm cho khách hàng lựa chọn, thậm chí bạn có thể mua cả căn nhà với IKEA.
Với nhóm đối tượng khách hàng chính là người trẻ, IKEA đã thực sự làm chủ được thị trường nội thất trên toàn thế giới. Trong nhiều năm, IKEA luôn có tên trong top 50 thương hiệu giá trị nhất toàn cầu do tạp chí Forbes bình chọn. Với chiến lược gần như không đổi trong suốt bao nhiêu năm: các sản phẩm đơn giản nhưng có phong cách tinh tế, trang nhã; chức năng luôn được cải tiến phù hợp với cuộc sống; giá thành rẻ và tiện lợi, IKEA đã thực sự khẳng định vị trí số 1 của mình trong làng nội thất thế giới.
Để đạt được những thành công lớn như vậy, chắc hẳn chuỗi cung ứng của IKEA sẽ có những đặc điểm nổi bật giúp IKEA có thể tối đa hóa lợi nhuận nhưng vẫn đảm bảo thỏa mãn những yêu cầu của khách hàng.
Tổng quát về quy trình hoạt động của chuỗi cung ứng IKEA
- Công ty xác định các yêu cầu sản xuất của từng mặt hàng và xác định các hoạt động cần tiến hành để tạo thành sản phẩm, đồng thời cũng xác định luôn các chi phí liên quan.
- Đại diện IKEA sẽ tiến hành đặt hàng với các nhà cung cấp về các nguyên liệu thô cần thiết để sản xuất các mặt hàng.
- Khi đã có nguyên liệu thô, công ty sắp xếp, bố trí các nguồn lực để sản xuất và bắt đầu quá trình sản xuất đồng thời phải tuân thủ các yêu cầu chất lượng của công ty.
- Sau đó, các sản phẩm sản xuất được chuyển đến các cơ sở lưu trữ và phân phối đến các cửa hàng, và cuối cùng là khách hàng.
- Nếu khách hàng không hài lòng về chất lượng có thể đổi trả sản phẩm theo chế độ bảo hành khi mua hàng.
Những điểm đặc biệt trong chuỗi cung ứng của IKEA
- Tiết kiệm chi phí sản xuất và vận chuyển
Chi phí sản xuất và vận chuyển của IKEA khá thấp vì đồ nội thất và phụ kiện của IKEA phần lớn được làm bằng vật liệu tái chế và bền vững. Theo một nghiên cứu nhật báo Times London, hơn 50% các sản phẩm của IKEA được làm từ các vật dụng có tính bền vững môi trường hoặc có thể tái chế được. IKEA tìm kiếm cách thức để sử dụng ít nguyên liệu nhất có thể tạo ra sản phẩm mà không vi phạm các cam kết về chất lượng và độ bền, điều này cũng giúp cho doanh nghiệp cắt giảm chi phí vận chuyển do sử dụng ít nhiên liệu và nhân công hơn trong việc giao nhận nguyên liệu và sản phẩm.
- Khách hàng tự lắp ráp, tự hoàn thiện sản phẩm
Một điểm đặc biệt đối với các sản phẩm của IKEA đó là các sản phẩm luôn được thiết kế để khách hàng có thể tự tháo, lắp. Đồ đạc được bán theo từng miếng, được đóng thành từng gói phẳng phiu rất tiện lợi. Do đó, IKEA tiết kiệm chi phí vận chuyển và thực hiện vì các sản phẩm chiếm ít chỗ hơn trong xe tải, nhờ vậy IKEA có thể vận chuyển nhiều mặt hàng hơn với chi phí thấp hơn. Nguyên tắc DIY cũng cho phép công ty sử dụng không gian lưu trữ một cách hiệu quả hơn và điều này cũng giúp cho IKEA tiết kiệm chi phí cho việc quản lý hàng tồn kho. Cuối cùng, cũng nhờ áp dụng nguyên tắc DIY mà nhiều sản phẩm của IKEA được vận chuyển trực tiếp từ nhà cung cấp đến thẳng cửa hàng, một chiến lược giúp IKEA giảm đáng kể chi phí nhờ không phải lưu kho sản phẩm ở các cơ sở lưu trữ hay trung tâm phân phối.
- IKEA luôn giữ mối quan hệ lâu dài và bền vững với các nhà cung cấp
Cuối những năm 1990, IKEA có tới hơn 2000 nhà cung cấp, nhưng đến năm 2009 số các nhà cung cấp của IKEA giảm còn 1400, và đến năm 2014, IKEA duy trì 1005 nhà cung cấp. Nguyên nhân của xu hướng giảm số lượng nhà cung cấp trong những năm gần đây là do sự chọn lọc ngày càng gắt gao hơn đối với nhà cung cấp thông qua một loạt các hệ thống tiêu chuẩn khắt khe về giá cả, chất lượng và các hoạt động môi trường của nhà cung cấp theo chiến lược bền vững mà IKEA đang thực hiện. Số lượng nhà cung cấp giảm nhưng không đồng nghĩa với giảm khối lượng cung ứng và sự đa dạng của nguồn cung ứng sản phẩm của IKEA. Điều này thể hiện rõ thông qua số liệu kết quả kinh doanh đang diễn ra rất khả quan tại các thị trường lớn trên thế giới, IKEA vẫn giữ vị trí hàng đầu.
Công ty đã và đang sử dụng 42 văn phòng dịch vụ thương mại trên khắp thế giới để quản lý mối quan hệ với các nhà cung cấp. IKEA sẽ ký hợp đồng dài hạn với các nhà cung cấp đáng tin cậy nhất để nhận được nguyên vật liệu với giá thấp nhất có thể. Bên cạnh đó, IKEA khuyến khích các đối tác bán buôn của mình có ý thức về môi trường bằng cách tạo lập một bộ quy tắc “Cách thức áp dụng của IKEA đối với mua sắm hàng hóa, nguyên liệu và dịch vụ” (The IKEA Way on Purchasing Products, Materials and Services), gọi tắt là IWAY, cho các nhà cung cấp của mình. Đây chính là điều khiến bàn ghế của IKEA luôn phù hợp túi tiền của khách hàng và phù hợp với xu hướng chuỗi cung ứng “xanh”.
- Quản lý hoạt động logistics của IKEA tại cửa hàng
Không giống như các cửa hàng khác, IKEA thuê các nhà quản lý về hoạt động logistics làm việc tại ngay cửa hàng. Những người chịu này sẽ trách nhiệm về tất cả các quy trình liên quan đến hàng tồn kho, chẳng hạn như giám sát việc giao hàng, phân loại, tách hàng hóa và điều phối chúng đến những vị trí khách hàng yêu cầu. Ngoài ra, mỗi cửa hàng IKEA đều có phòng trưng bày ở tầng trên và nhà kho ở tầng trệt với hơn 9.500 sản phẩm trong kho. Tại showroom, khách hàng có thể xem và cảm nhận sản phẩm. Mỗi mặt hàng có số thứ tự riêng cũng như số hiệu lối đi riêng. Khách hàng có thể sử dụng những con số này để xác định vị trí các mặt hàng trong kho. Tuy nhiên, người mua hàng không thể tiếp cận được với không gian một phần ba nhà kho vì khu vực này dành riêng cho các mặt hàng cồng kềnh, không thể thu gom nếu không có sự trợ giúp của nhân viên.
- Áp dụng hiệu quả chiến lược chi phí cho mỗi lần chạm (Cost-per-touch)
Chi phí cho mỗi lần chạm có nghĩa là số lần ai đó chạm vào sản phẩm càng nhiều trong quá trình vận chuyển, thì công ty càng phải gánh nhiều chi phí hơn, vì công ty cần phải trả cho nhân viên thu mua và giao hàng. IKEA sử dụng chiến lược chi phí cho mỗi lần chạm để khuyến khích khách hàng chọn sản phẩm trong cửa hàng và tự mình kiểm tra, thay vì nhờ nhân viên trong kho hàng. Nhờ áp dụng chiến lược này, khách hàng sẽ chọn được những sản phẩm phù hợp với nhu cầu và giảm tỉ lệ trả lại hàng hóa, qua đó giúp IKEA giảm được chi phí cho hoạt động thu hồi sản phẩm.
- Các khu vực nhà kho chuyên dụng dành cho hàng hóa lưu lượng cao và hàng hóa lưu lượng thấp
Các kho IKEA được chia thành các cơ sở tự động cho hàng hóa lưu lượng cao và các cơ sở thủ công cho hàng hóa lưu lượng thấp.
Hàng hóa lưu lượng cao với 20% SKUS chiếm 80% khối lượng hàng tồn kho của kho hàng IKEA. Những sản phẩm này có tốc độ bán nhanh chóng, có thể dễ dàng truy cập để tự phục vụ và sử dụng theo dõi hàng tồn kho. Nếu các sản phẩm tại IKEA mà khách hàng dễ dàng tìm thấy và lấy, chúng thuộc hàng hóa với lưu lượng cao. Hệ thống lưu trữ và truy xuất tự động trong kho dành cho hàng hóa lưu lượng cao để giảm thiểu costs-per-touch.
Ngược lại, hàng hóa lưu lượng thấp là những mặt hàng bán chậm hơn. Đây là sản phẩm liên quan nhiều đến cost-per-touch. Nếu nhân viên di chuyển các mặt hàng này sẽ làm tăng chi phí kho hàng IKEA. Quy trình thủ công sẽ được áp dụng đối với các mặt hàng có lưu lượng thấp do có ít nhu cầu.
Cụ thể, hệ thống cơ sở tại IKEA tại Mỹ được phân bố như sau: Cơ sở Perryville hiện đang xử lý các sản phẩm hàng hóa lưu lượng thấp cho toàn bộ nửa phía đông của Hoa Kỳ. Trong khi đó, các DC khu vực, như Port Wentworth, có thể xử lý các sản phẩm hàng hóa lưu lượng cao một cách nhanh chóng cho các cửa hàng lấy hàng từ DC này, giảm thời gian vận chuyển và giảm tổng quãng đường cần đi để hỗ trợ các cửa hàng.
- Hệ thống bổ sung hàng tồn kho linh hoạt
IKEA sử dụng hệ thống Min/Max Inventory Replenishment. Người quản lý hoạt động logistics tại cửa hàng có thể xem cấp độ cửa hàng của họ thông qua hệ thống kiểm kê. Hệ thống này sử dụng thông tin về các điểm tái đặt hàng tại từng cửa hàng (vì các cửa hàng có thể khác nhau về mô hình bán hàng) nhằm duy trì mức tồn kho. Đối với IKEA, các mức này thường được đặt theo hàng tồn kho cần thiết cho một ngày trong kho hàng.
Hệ thống sẽ giúp công ty xác định điểm đặt hàng lại hoàn hảo và ngăn ngừa vấn đề tồn kho quá mức. Theo đó, nhà quản lý sẽ biết những gì được bán và lượng hàng tồn kho được đưa vào cửa hàng thông qua vận chuyển trực tiếp hoặc từ các trung tâm phân phối là bao nhiêu. Sau đó, họ sử dụng thông tin này để dự báo doanh số bán hàng trong vài ngày tới và đặt hàng các sản phẩm để đáp ứng nhu cầu dự báo. Nếu dữ liệu bán hàng không khớp với số lượng mặt hàng dự kiến lẽ ra phải được bán vào ngày hôm đó, người quản lý hoạt động logistics sẽ tiến hành nhập kho theo cách thủ công.
- Phương pháp lấy khách hàng làm trung tâm
Theo dõi thường xuyên sự hài lòng của khách hàng là một phần không thể thiếu trong chiến lược kinh doanh của IKEA. Họ sẽ phân tích kỹ số lượng khách hàng khiếu nại, sản phẩm bị trả lại, nhu cầu đối với sản phẩm nhất định và đề xuất của khách hàng. Các đại diện của công ty thậm chí còn đến thăm nhà khách hàng của họ để thu thập những phản hồi và ý tưởng về các sản phẩm mà khách hàng có thể đang tìm kiếm. Những ý tưởng thu thập được sau đó được sử dụng làm điểm khởi đầu của một quá trình thiết kế mới. Cuối cùng, các cửa hàng IKEA cung cấp cho du khách những tiện ích bổ sung, chẳng hạn như khu vui chơi cho trẻ em cũng như khu ẩm thực và cửa hàng nhỏ với các món ăn truyền thống của khu vực đó. Điều này khuyến khích khách hàng đến thăm các cửa hàng trực tiếp ngay cả trong thời đại thương mại điện tử và mua sắm trực tuyến.
Phan Quyên
Chuỗi cung ứng của Decathlon (Phần 2: Hoạt động sản xuất, logistics và phân phối)