TOPLINE Trái ngược với tình trạng khủng hoảng trầm trọng thiếu container vận chuyển hàng hóa trên thế giới, khiến chi phí vận chuyển tăng phi mã thì tại các cảng biển ở Việt Nam, hàng nghìn container vẫn nằm lỳ tại cảng hàng năm trời nhưng chưa thể xử lý.
KEY POINTS
- Tính đến ngày 15/6/2021, số liệu hàng hóa tồn đọng tại địa bàn hoạt động hải quan lên đến 6.665 container. Số lượng hàng hóa tồn đọng tập trung chủ yếu tại Bà Rịa – Vũng Tàu, Hải Phòng, TP. HCM.
- Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Tổng cục Hải quan đã có các văn bản hướng dẫn Cục Hải quan các tỉnh, thành phố tập trung rà soát danh sách hàng hóa tồn đọng, phân loại để kịp thời hướng dẫn xử lý từng trường hợp cụ thể.
ARTICLE
Hơn 6.600 container đang tồn đọng
Đại diện Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan cho biết), tính đến ngày 15/6/2021, số liệu hàng hóa tồn đọng tại địa bàn hoạt động hải quan lên đến 6.665 container. Số lượng hàng hóa tồn đọng tập trung chủ yếu tại Bà Rịa – Vũng Tàu, Hải Phòng, TP. HCM.
Cụ thể, đến hết ngày 21/7/2021, khu vực Hải Phòng đang còn 2.708 container tồn đọng. Thống kê cho thấy các cảng biển, kho bãi có lượng container tồn nhiều nhất gồm: ICD Nam Hải (hơn 1.200 container), Chi nhánh cảng Tân Vũ, Công ty CP Cảng Hải Phòng (334 container), Cảng Đình Vũ (257 container), Công ty CP Cảng dịch vụ dầu khí Đình Vũ (265 container), Công ty TNHH MTV Dịch vụ cảng xanh (134 container), v.v.

Tại khu vực phía Nam, tính đến ngày 23/7, cảng Tân Cảng – Cát Lái có tổng cộng hơn 2.160 container tồn đọng với thời gian trên 90 ngày. Trong đó, lượng container hàng phế liệu là 380 container, lượng container không phải hàng phế liệu hơn 1.700 container.
Còn với Tân Cảng – Cái Mép, số container phế liệu tồn đọng là hơn 1.100 container. Cảng Tân Cảng – Hiệp Phước hiện cũng có hơn 1.200 container phế liệu tồn đọng. Trong đó, 163 và 1200 lần lượt là lượng container tồn trên 90 ngày tại hai cảng này. Đây đều là hàng phế liệu chuyển từ cảng Cát Lái sang lưu trữ.
Tính đến hết tháng 6/2021, cơ quan hải quan đã phối hợp xử lý và giải phóng hơn 1.100 vỏ container với số lượng container xử lý tái xuất là hơn 500 container.

Kiểm tra giấy phép nhập khẩu hàng phế liệu trước khi dỡ khỏi tàu
Dù công tác giải quyết container phế liệu vẫn được duy trì, tuy nhiên, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, việc tổ chức hội đồng xử lý hàng hóa tồn đọng gặp khó khăn do không thể tập trung đông người. Thêm vào đó, chỉ thị giãn cách xã hội của các địa phương cũng khiến tiến độ xử lý hàng hóa tồn đọng bị chững lại và thời gian xử lý hàng hóa tồn đọng bị kéo dài.
Để khắc phục điều này, Tổng cục Hải quan đã có các văn bản hướng dẫn Cục Hải quan các tỉnh, thành phố tập trung rà soát danh sách hàng hóa tồn đọng, phân loại để kịp thời hướng dẫn xử lý từng trường hợp cụ thể.
Theo bà Nguyễn Thị Thương, Phó Trưởng phòng Vận tải và Dịch vụ hàng hải (Cục Hàng hải VN), thời gian qua, các cảng vụ hàng hải đã triển khai hướng dẫn các hãng tàu, đại lý khai báo cụ thể thông tin: Vận đơn, giấy xác nhận đảm bảo môi trường, giấy ký quỹ để khai báo hải quan trước khi hàng đến cảng đối với hoạt động nhập khẩu phế liệu. Mục tiêu là không cho phép dỡ hàng là chất thải/phế liệu không đủ điều kiện nhập khẩu xuống kho, bãi cảng.

Bà Thương cho biết thêm, tới đây, Cục Hàng hải VN sẽ tiếp tục yêu cầu các cảng vụ trực thuộc nghiên cứu, đề xuất biện pháp cưỡng chế, xử lý hoặc dừng việc cấp phép ra vào cảng biển Việt Nam đối với các hãng tàu vận chuyển hàng hóa gây ô nhiễm môi trường vào cảng biển Việt Nam.
Đồng thời, yêu cầu các hãng tàu thực hiện báo cáo các nội dung thông tin về các chủ hàng nhập khẩu, đại lý chủ hàng, báo cáo hiện trạng, nguyên nhân hàng tồn đọng tại các cảng biển và đề xuất phương án miễn giảm giá lưu container, lưu bãi đối với container nhập khẩu có xác định được chủ hàng đã được thông quan.
Minh Ngô
Đọc thêm:
VASEP cầu cứu Chính phủ vì giá cước vận tải biển quá cao và tình trạng thiếu container trầm trọng