M&A là gì?
M&A (Merger and Acquisitions), hay còn gọi là mua bán và sáp nhập doanh nghiệp, là một trong những phương án tái cấu trúc quan trọng của các doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường. Tại Việt Nam, khái niệm M&A được quy định tại Điều 29 Luật Cạnh tranh (2018) bao gồm 3 hoạt động chính gồm sáp nhập, hợp nhất và mua lại. Nói ngắn gọn, M&A bao gồm các hoạt động giành quyền kiểm soát doanh nghiệp thông qua các hình thức sáp nhập, hợp nhất, mua lại giữa hai hay nhiều doanh nghiệp.
Theo số liệu của nền tảng dịch vụ tài chính Dealogic, Vương quốc Anh, chỉ trong năm 2021, giá trị M&A toàn cầu đã tăng 63% lên 5.630 tỷ USD, đánh dấu lần đầu tiên vượt ngưỡng 5.000 tỷ USD. Tổng giá trị M&A ở mỗi khu vực đều tăng với tỷ lệ đáng kinh ngạc (Mỹ đã tăng gần gấp đôi, châu Âu tăng 47%, khu vực châu Á-Thái Bình Dương là 37%).
Tại Việt Nam, theo thống kê của Diễn đàn M&A Việt Nam 2021, quy mô giá trị thị trường M&A Việt Nam đã đạt 8,8 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm 2021, tăng 18% so với năm 2020. Đáng chú ý, với đánh giá tốc độ tăng trưởng cao khoảng 14-16%/năm, logistics và chuỗi cung ứng vẫn được dự báo là một trong những lĩnh vực đáng chú ý cho hoạt động M&A trong các năm tới.
Vậy đâu là lý do thúc đẩy M&A trong logistics?
M&A là một động lực quan trọng giúp các nhà quản trị tăng cường khả năng cạnh tranh và mở ra nhiều cơ hội phát triển hấp dẫn. Đằng sau mỗi thương vụ M&A lại là những chiễn lược kinh doanh, những động cơ thúc đẩy khác nhau, từ việc mở rộng địa lý, mua lại công nghệ mới, v.v Dưới đây là một vài ví dụ điển hình:
Mở rộng địa lý
M&A có thể là một cách hiệu quả để mở rộng phạm vi tiếp cận theo địa lý của công ty. Ví dụ, Regency Transportation & Distribution, một công ty vận tải đường bộ tại Masachusset, đã mua lại công ty S&M Transport tại New Jersey vào tháng 4/2020 để mở rộng hoạt động của công ty tại nơi này. Việc mua một công ty đã có chỗ đứng tại địa phương mới sẽ tiết kiệm và dễ cạnh tranh thị phần tại thị trường mới hơn là bắt đầu mở rộng từng bước.
Công nghệ
Sở hữu công nghệ mới cũng là một động cơ mạnh để doanh nghiệp thực hiện M&A. Một trong những lý do Omnitracs, một doanh nghiệp chuyên mảng chuyển đổi kỹ thuật số trong vận tải, đã mua lại VisTracks là để có được thiết bị di động của VisTracks và các giải pháp hỗ trợ đám mây để bổ trợ cho nền tảng Omnitracs One của công ty.
Tốc độ
Việc phát triển một công ty từ đầu tại một thị trường mới thường mất nhiều thời gian và việc đối đầu với những đối thủ hiện tại để giành thị phần có thể gây ra nhiều áp lực cạnh tranh. M&A sẽ giúp công ty nhanh chóng có được sức mạnh cạnh tranh nhờ vào nguồn lực sẵn có của công ty cũ. Ruby Has một doanh nghiệp thương mại điện tử có trụ sở tại New York đã mua lại EasyPost Fulfillment (California) vào tháng 3/2020. Mục tiêu chính là nhanh chóng chiếm được thị trường và tạo cho các khách hàng những ấn tượng về dịch vụ của họ.
Đa dạng hóa dịch vụ mới
Các tập đoàn, doanh nghiệp muốn bổ sung dịch vụ mình chưa có, hoặc củng cố chất lượng các dịch vụ logistics thì có thể M&A với các công ty chuyên sâu về mảng dịch vụ đó hoặc các doanh nghiệp cung cấp các sản phẩm, dịch vụ bổ sung để tăng chất lượng, đáp ứng nhu cầu khách hàng. Ví dụ, doanh nghiệp giao nhận và vận chuyển Indo Trần đã mua lại công ty chuyên kinh doanh kho vận Sotrans nhằm tạo nên một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ toàn diện trong các lĩnh vực mà hai bên đang vận hành tốt.
Tiếp cận thị trường rộng hơn hoặc sâu hơn
Tập đoàn CJ Logistics năm 2018 đã quyết định mua lại 50,9% vốn của hai công ty con mảng vận chuyển của Công ty TNHH Gemadept. Thông qua thương vụ M&A này, CJ Logistics đã nâng cao năng lực phụ vụ khách hàng của mình tại thì trường Việt Nam. Ngược lại, Gemandept cũng tận dụng nguồn lực của CJ Logistics để tiếp cận nhiều khách hàng quan trọng như Samsung, Orion, PepsiCo, v.v.
Tuy nhiên, hoạt động M&A còn tồn tại một vài điểm hạn chế. Nhiều trường hợp M&A có tính chất thâu tóm sẽ làm giảm động lực cạnh tranh khi nó triệt tiêu các doanh nghiệp có tính chất địa phương hoặc non yếu hơn. Bên cạnh đó, xu hướng M&A cũng có thể dẫn tới các vấn đề về việc làm như khiến nhiều lao động mất đi vị trí việc làm vốn có của mình khi chủ sở hữu mới muốn tái cơ cấu lực lượng lao động cũ trong doanh nghiệp mới M&A.
Mai Phạm
Heineken: Ví dụ điển hình về hợp tác lập kế hoạch, dự báo và bổ sung CPFR