Hãng hàng không Cathay Pacific (CX) vừa nhận được hỗ trợ lên đến 3,87 tỷ đô từ chính phủ Hồng Kông để đối phó với những thách thức nghiêm trọng từ đại dịch Covid-19 và bạo động chính trị nội địa.
Chủ tịch Cathay Pacific, ông Patrick Healy chia sẻ vào hôm qua (thứ ba, ngày 09/06), bày tỏ sự biết ơn sâu sắc đối với nguồn hỗ trợ tài chính của chính phủ, nhờ đó, hãng có thể tiếp tục duy trì hoạt động kinh doanh cũng như đóng góp cho ngành hàng không nước nhà.
Tập đoàn Swire Group (Anh Quốc) là cổ đông lớn nhất của Cathay Pacific với 45% cổ phần, trong khi đó, hãng hàng không quốc gia Trung Quốc Air China hiện đang nắm giữ 30% cổ phần. Trước thông báo chính thức về sự cứu sinh từ chính phủ, Cathay, Swire và Air China đã dừng toàn bộ động thái trao đổi, mua bán cổ phần.
Thực tế, chính phủ Hồng Kông hiện đang cung cấp cho Cathay một khoản vay tương đường 7,8 tỷ đô Hồng Kông, đồng thời mua lại số cổ phần của hãng tương đương 19,5 tỷ đô Hồng Kông. Thương vụ mua lại này ghi nhận lần đầu tiên trong lịch sử chính phủ Hồng Kông rót vốn đầu tư trực tiếp vào công ty tư nhân ngay trong thời điểm hầu hết các hoạt động kinh doanh ở đây đang đối diện với những áp lực khủng khiếp liên quan đến vấn đề chính trị.
Tình hình kinh doanh của Cathay Pacific
Chỉ trong 04 tháng đầu năm nay, Cathay và công ty con Cathay Dragon ghi nhận khoảng lỗ ròng lên đến 581 triệu đô. Theo ông Healy, tính từ tháng hai đến nay, hãng đã thất thoát 3 tỷ đô Hồng Kông mỗi tháng.
Nhu cầu đi lại giảm mạnh và các lệnh cách ly xã hội khiến cho hãng hàng không Cathay Pacific chỉ còn vận hành các chuyến bay chở hàng và chở khách trên 12 tuyến. Vào tháng 2, hãng thậm chí phải yêu cầu 33.000 nhân viên tạm nghỉ 3 tuần không lương.
Ông Healy chia sẻ: “Việc nhận được nguồn hỗ trợ lớn từ chính phủ không đồng nghĩa với việc chúng tôi được phép nghỉ ngơi, thư giãn. Thực tế lại hoàn toàn ngược lại. Chúng tôi cần phải nỗ lực hơn nữa để đổi mới hoạt động kinh doanh và tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường.” Sắp tới, Cathay sẽ triển khai cắt giảm lương nhân viên cũng như thực thi chính sách đề xuất nhân viên nghỉ tự nguyện không lương.
Năm 2018, sau 2 năm liên tục lỗ, Cathay Pacific đã ghi nhận mức lợi nhuận dương và kết quả phát triển tích cực đó được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì dưới kế hoạch của CEO Rupert Hogg. Tuy nhiên, hai năm gần đây, Hồng Kông bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các vấn đề chính trị khi người dân liên tục tiến hành các cuộc biểu tình, bạo động để chống lại dự thảo luật dẫn độ giữa chính phủ Hồng Kông và Trung Quốc.
Nền chính trị rối loạn
Sự kiện bạo động chính trị vào tháng 8 năm ngoái khi các bên tổ chức biểu tình ngồi ngay tại sân bay, buộc sân bay phải dừng hoạt động và đâm một nhát mạnh vào hoạt động của Cathay Pacific. Một số nhân viên của hãng hàng không tham gia vào các cuộc biểu tình trong khi số khác tổ chức đình công, khiến hãng phải hủy 130 chuyến bay trong vòng 01 tuần.
Khi bạo động trở nên căng thẳng, nhiều quốc gia đã ban lệnh cảnh báo về việc di chuyển đến Hồng Kông. Doanh thu của Cathay năm 2019 chứng kiến mức giảm tương đương 3,7%.
Đối diện với áp lực từ phía các nhà lãnh đạo tại Bắc Kinh và Hồng Kông để chấm dứt biểu tình, vào thời điểm đó, cựu chủ tịch Cathay Pacific – ông John Slosar đã bày tỏ quan điểm rằng hãng không thể thay đổi được suy nghĩ của nhân viên.
Vào ngày hôm sau, Cục hàng không dân vận Trung Quốc (CAAC – Civil Aviation Administration of China) ra quyết định cấm bất cứ nhân viên của Cathay từng tham gia vào bạo động chính trị được phép đặt chân đến Trung Quốc. CAAC yêu cầu Cathay phải gửi danh sách phân công nhân viên cho từng chuyến bay để được chấp thuận trước. Trước động thái gay gắt của CAAC, ban lãnh đạo Cathay Pacific đã phải ban hành chính sách “không khoan nhượng” đối với các nhân viên có dính líu đến các cuộc biểu tình bất hợp pháp.
Một tuần sau đó, ông Hogg từ chức, không lâu sau, ông Slosar cũng rời khỏi chiếc ghế chủ tịch. Sau khi các nhà lãnh đạo chủ chốt rời đi, nhiều nhân viên của hãng đã phải đối diện với sự ngược đãi về chính trị khủng khiếp (còn được gọi là “white terror”).
Tái cấu trúc hãng hàng không
Thông báo về sự “cứu cánh” từ phía chính phủ cũng dự đoán cho khả năng Cathay Pacific phải cắt giảm đáng kể hoạt động kinh doanh trong tương lai. Theo Cathay, ban quản lý của công ty sẽ lên kế hoạch và đề xuất về “cấu trúc tối ưu của tập đoàn Cathay Pacific” trong quý 4 năm nay.
Ông Healy nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc đưa ra quyết định đúng đắn trong thời điểm hiện tại để thích nghi nhanh chóng với tình hình ngành hàng không toàn cầu và đảm bảo tương lai lâu dài cho hãng. Điều này sẽ yêu cầu việc tái đánh giá tất cả các khía cạnh trong mô hình kinh doanh của hãng khi xem xét những sự thay đổi đáng kể trong ngành công nghiệp này sau cuộc khủng hoảng covid-19.
Biên dịch: Dandelion