Nắng nóng kỷ lục tại nhiều quốc gia
Các nhà khoa học cho biết, nhiệt độ bề mặt trái đất đã tăng khoảng 1,1 độ C kể từ năm 1880. Theo đó, hiện tượng biến đổi khí hậu và El Nino là nguyên do gây nên sự nóng lên toàn cầu này.
Nhiều nước trên thế giới đang phải gánh chịu ảnh hưởng do hiện tượng biến đổi khí hậu. Cụ thể, mới đây Trung tâm Khí hậu Quốc gia Trung Quốc thông báo rằng đất nước này đã trải qua những ngày nắng nóng gay gắt nhất kể từ năm 1961, đồng thời dự đoán rằng nhiệt độ ở hầu hết các vùng của Trung Quốc có thể sẽ cao hơn vào tháng Bảy.
Nhiều quốc gia khác như Ấn Độ, Đức, Tây Ban Nha, Việt Nam và Thái Lan cũng đang báo cáo về những ảnh hưởng phải “hứng chịu” từ thời tiết khắc nghiệt với những bất ổn cho nền kinh tế.
Thời tiết khắc nghiệt tác động đến nguồn cung điện…
Hội đồng Điện lực Trung Quốc (CEC) cho biết, nhiệt độ cao có xu hướng dẫn đến việc phát điện từ gió yếu và khả năng máy phát điện gặp sự cố thường xuyên hơn do cần nhiều điện hơn để chống lại cái nóng. Theo đó, tổ chức này cho biết phụ tải điện quốc gia cao nhất được dự đoán vào năm nay (2023) sẽ là 1,37 tỷ KW, tăng khoảng 80 triệu KW so với năm 2022. Tuy nhiên, nếu thời tiết cực đoan kéo dài trên diện rộng, phụ tải điện quốc gia cao nhất năm 2023 có thể tăng thêm khoảng 100 triệu KW so với năm 2022. Trong khi tính đến tháng 5/2023, sản lượng thủy điện từ các nhà máy điện lớn của Trung Quốc do nắng nóng đã giảm 19,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đầu tháng 6, trang báo Reuters đưa tin khu vực phía Bắc của Việt Nam đang gặp phải tình trạng thiếu hụt về nguồn cung cấp điện và chính phủ đã phải khắc phục tình trạng này bằng cách luân phiên cắt giảm hệ thống chiếu sáng tại nhiều khu vực dân cư, tổ chức doanh nghiệp…
Ngoài ra, Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ cũng cảnh báo về việc 2/3 lãnh thổ Bắc Mỹ có thể đối mặt với tình trạng thiếu điện khi nhiệt độ tăng cao vào mùa hè này, dựa trên một phân tích của Tổ chức phi lợi nhuận North American Electric Reliability Corporation.
… Giao thương hàng hải
Theo Reuters, nước ở sông Rhine – con sông lớn của châu Âu nối các cảng lớn tại Rotterdam (Hà Lan) và Antwerp (Bỉ) với trung tâm công nghiệp nằm trong đất liền của Đức và Thụy Sĩ – sẽ giảm xuống mức thấp nhất vào mùa hè này, và tại thị trấn Kaub, một điểm quan trọng nằm ở phía tây Frankfurt mà con sông đi qua, hiện ghi nhận mực nước ở mức thấp nhất trong ít nhất 30 năm qua. Mực nước đường thủy dần cạn kiệt đã đẩy giá vận chuyển lên cao, ảnh hưởng đến việc vận chuyển các mặt hàng rời quan trọng được sử dụng cho công nghiệp như than và dầu diesel.
Mực nước tại Kaub được đo vào ngày 10 tháng 7 với độ sâu nằm trong khoảng từ 100cm đến 125cm, giảm từ khoảng 350cm vào tháng 5.
“Mực nước dưới 135cm có nghĩa là một tàu container lớn thường phải giảm tải trọng xuống khoảng 50%.” Deutsche Bank cho biết trong một báo cáo được công bố vào tháng trước.
Ngoài ra, vào đầu tháng này Maersk đã công bố về việc phụ phí cho các tàu sẽ tăng do mực nước thấp hiện tại trên sông Rhine. Maersk cho biết trong một tuyên bố trực tuyến: “Tình trạng mực nước thấp là một tình huống đặc biệt, nó nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng tôi và không thể dự đoán được, kể cả mức độ nghiêm trọng cũng như thời gian kéo dài.
Và nông nghiệp
Tại Trung Quốc, trong nửa đầu năm nay, thiên tai xảy ra đã ảnh hưởng đến 4,7 triệu ha đất nông nghiệp, trong đó 214.000 ha không thể thu hoạch, gây ra thiệt hại kinh tế trực tiếp 38,23 tỷ nhân dân tệ (5,3 tỷ USD), theo Bộ Quản lý Khẩn cấp (The Ministry of Emergency Management). Thêm vào đó, Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc (MARA) cũng cho biết kể từ cuối tháng 6, đất nông nghiệp đã bị mất độ ẩm nhanh và hạn hán bắt đầu xuất hiện ở một số khu vực do thời tiết nóng kéo dài ở miền bắc Trung Quốc.
Một nghiên cứu gần đây được công bố bởi nhóm AXA Climate – một chi nhánh của công ty bảo hiểm AXA – vào tháng 6 cho biết sản lượng ngô có thể giảm 25% và sản lượng đường trắng từ củ cải đường trong nước có thể giảm 1/4 ở Pháp vào năm 2050 do biến đổi khí hậu. Đến năm 2050, một nửa sản lượng trái cây ở Pháp có thể bị ảnh hưởng bởi khí hậu khắc nghiệt, bao gồm hạn hán, lũ lụt và bão, cao gấp đôi so với bình thường.
Với Liên minh châu Âu nói chung, hạn hán đã gây ra hơn 60% thiệt hại trong ngành nông nghiệp của họ, thiệt hại lên tới khoảng 5 tỷ euro (5,6 tỷ USD) mỗi năm và sẽ còn tăng lên trong tương lai do biến đổi khí hậu. Nghị viện nói thêm rằng thiệt hại lịch sử từ sóng nhiệt chiếm khoảng 0,3 đến 0,5% tổng nền kinh tế châu Âu, nhưng con số này dự kiến sẽ tăng gấp 5 lần vào năm 2060.
Theo dữ liệu từ Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, vào cuối tháng trước, do hạn hán ở hơn 50% khu vực sản xuất đậu tương chính của Hoa Kỳ, diện tích gieo trồng đã giảm 4 triệu mẫu Anh so với dự kiến ban đầu, dẫn đến sự gia tăng giá đậu nành Mỹ.
Dương Kiều