Hapag Lloyd vừa chốt một đơn hàng 6 tàu container 23.500+ TEU chạy bằng khí nhiên liệu hóa lỏng (LNG). Dự kiến đơn hàng trị giá tỷ đô này sẽ được hoàn thiện và bàn giao vào giữa tháng 4 đến tháng 12 năm 2023.
Những con tàu ULCV (Ultra Large Container Vessel – Tàu container siêu lớn) trên sẽ được đóng tại nhà máy đóng tàu DSME ở Hàn Quốc. Hãng tàu dự kiến sẽ vận hành các con tàu này cho tuyến đường châu Á đến châu Âu thuộc dịch vụ của Liên minh THE.
Liên minh THE bao gồm 3 hãng tàu: Hapag Lloyd, ONE & Yang Ming
Tổng giám đốc Hapag Lloyd, ông Rolf Habben Jansen, cho biết: “Với việc đầu tư vào 6 con tàu ULCV mới, hãng tàu chúng tôi sẽ không chỉ giúp giảm cước phí và tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường, mà còn thực hiện được chiến lược hiện đại hóa hạm đội tàu. Thêm vào đó, chúng tôi còn giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường.”
Trước đây, Hapag Lloyd đã có kinh nghiệm vận hành tàu chạy bằng LNG, chuyển đổi 1 trong 17 con tàu mà hãng thừa hưởng từ thương vụ sáp nhập với UASC. Dẫu vậy, bởi chi phí cải tiến con tàu Sajir 15.000 TEU lên đến mức 30 triệu đô, hãng tàu đã chấm dứt kế hoạch chuyển đổi các con tàu khác.
Việc lựa chọn đóng các con tàu chạy bằng khí nhiên liệu hóa lỏng hướng tới tương lai “Không Carbon” đã đặt Hapag Lloyd cùng bàn với CMA CGM – hãng tàu vừa nhận con tàu 23.000 TEU chạy bằng LNG vào tháng 9 vừa rồi.
Tuy nhiên, với Maersk, hãng tàu này lại khẳng định rằng LNG không còn là đáp án dài hạn cho câu hỏi làm thế nào để cắt giảm khí thải. Trong Đại hội cổ đông quý 3 của Maersk diễn ra vào tháng 11, Tổng giám đốc Soren Skou đưa ra quan điểm là những con tàu chạy bằng LNG chứa các nguy cơ tiềm ẩn về công nghệ: “Chúng tôi không tin LNG
sẽ đóng vai trò quan trọng như một năng lượng tái tạo thực sự hiệu quả, bởi vì bản chất nó vẫn là nhiên liệu hóa thạch (fossil fuel). Thay vì đó, chúng tôi sẽ lựa chọn tiến thẳng đến nguồn nhiên liệu “Carbon – Neutral”.
Carbon-neutral fuel: nguồn nhiên liệu năng lượng đạt mức cân bằng giữa khí nhà kính được sản xuất và khí nhà kính thải ra vào không khí → đạt mức “no net greenhouse emissions”
Ngoài ra, MSC, hãng tàu trong liên minh 2M với Maersk, cũng không thực sự hứng thú với nhiên liệu LNG cho hạm đội tàu của mình, cho rằng giải pháp LNG không thực sự “khả thi”.
Dẫu vậy, đơn hàng tỷ đô của Hapag Lloyd vẫn là một tin tốt đối với SEA – LNG – Tổ chức ủng hộ việc sự dụng LNG cho hoạt động vận chuyển hàng hải, cho rằng “LNG là nguồn nhiên liệu thân thiện nhất với môi trường và luôn có sẵn để phục vụ cho ngành vận chuyển.”
Một tin tức bên lề liên quan đến THE, liên minh này vừa đăng tải thông báo về sự thay đổi trong mạng lưới Đông – Tây, bắt đầu có hiệu lực từ tháng 4 năm 2021. Alphaliner nhận định: “Những đổi thay quan trọng trên tuyến xuyên Thái Bình Dương chính là chất kích thích cho kế hoạch phát triển dịch vụ mới – dịch vụ EC6 kết nối khu vực Viễn Đông với các vịnh Hoa Kỳ, cũng như nâng cấp dịch vụ EC1 từ châu Á đến bờ Đông nước Mỹ với hạm đội các con tàu có năng lực chuyên chở lên đến 13.500 TEU.”
Alphaliner cũng dự đoán rằng liên minh THE sẽ sớm tái vận hành dịch vụ FE4 trên tuyến châu Á – Bắc Âu bằng việc sáp nhập vào dịch vụ FE2, để đảm bảo đáp ứng kịp nhu cầu vận chuyển ngày càng tăng…
Biên dịch: Dandelion