Giáng sinh và mùa nghỉ lễ năm nay sẽ là một năm khá đặc biệt, không chỉ đối với trẻ em trên toàn thế giới, mà còn là với các nhà cung ứng, nhà sản xuất thứ hàng hóa đặc biệt này: đồ chơi trẻ em. Khi mà đại dịch COVID – 19 vẫn chưa có dấu hiệu sẽ biến mất vào “mùa lá rụng”, cuộc sống của những trẻ em trên khắp thế giới vẫn hầu hết gắn chặt với nguy cơ dễ tổn thương bởi dịch bệnh, thì những món đồ chơi mà các em cần cho một ngày lễ an lành lại đang là thứ đang khiến các doanh nghiệp “đau đầu”. Bởi, sự bất cẩn sẽ khiến cả chuỗi công nghiệp này sụp đổ, và đồng nghĩa là hàng triệu trẻ em trên thế giới sẽ chỉ nhận được “than trong tất” ngày cuối năm.
Cơn lốc “Demand – Go”
Đại dịch đã khiến cho nhu cầu các loại hàng hóa thay đổi đáng kể. Đối với ngành đồ chơi đây có thể tạm coi là một điều may mắn. Do trường học vẫn mở cửa khá hạn chế, các dịch vụ du lịch giải trí ngoài trời cũng chưa thực sự sẵn sàng, và phụ huynh cũng chưa thực sự an tâm khi để con trẻ ra ngoài tiếp xúc dẫn đến lựa chọn khả dĩ nhất lúc này là các hoạt động trong nhà. Dẫn chiếu theo số liệu của Chuyên gia Frederique Tutt, nghiên cứu về thị trường đồ chơi trẻ em của tập đoàn NDP, thì lượng tiêu thụ của năm 2021 tính đến tháng Chín đã tăng 27% so với cùng kì năm 2019.
“Có thể nói là thị trường đồ chơi vẫn khá ổn định”, như Tutt nói. Tuy nhiên, sự ổn định đó chỉ mang tính tương đối và toàn thể, nếu đi sâu hơn thì một số loại đồ chơi đang dần có sự khan hiếm nhất định trên thị trường (tất nhiên là trừ các loại đồ chơi được sản xuất theo phiên bản giới hạn). Và khi mà thu nhập ngày càng được cải thiện mùa hậu đại dịch, thì những món đồ chơi “khan hiếm” kia lại được để mắt tới, dẫn đến một ảo ảnh mới về tình trạng thiếu hụt hàng hóa.
Cuộc chiến như “AOE”
AoE hay “Age of Empires”, được biết đến ở Việt Nam với cái tên quen thuộc là “Đế chế”, là một tựa game chiến thuật rất phổ biến và gắn chặt với kí ức của rất nhiều người Việt từ thập niên 90 – 2000.
Trước việc nhiều nhà máy thuộc lĩnh vực phụ kiện – gia dụng, trong đó có đồ chơi được mở mới điển hình như LEGO dự kiến xây dựng nhà máy mới tại Việt Nam đang được báo chí và cánh truyền thông chú ý rất nhiều trong thời gian gần đây. Vậy tại sao với sự mở mới đa dạng như thế, ngành công nghiệp đồ chơi vẫn đang trong một sự chênh vênh trong việc bắt kịp với nhu cầu tiêu dùng quốc tế mùa lễ hội cuối năm?
Câu trả lời chính là “tài nguyên”
Có lẽ ngành công nghiệp đồ chơi chưa từng đối mặt với một cuộc khủng hoảng nào trầm trọng về mặt nguyên liệu xuyên suốt trong lịch sử tồn tại của nó như cuộc khủng hoảng hậu COVID – 19. Một cuộc khủng hoảng nguyên liệu, có lẽ đi ngược lại tất cả những gì mà thế giới từng biết về thiếu hụt vật chất trong sản xuất.
Ngành công nghiệp sản xuất đồ chơi thiếu hụt rất nhiều thứ nhưng hầu hết lại là các loại nguyên liệu vô cùng rẻ tiền từ chip, bán dẫn low – end đến bột gỗ nhão để làm bìa carton, thậm chí cả dây thắt quà hay là đế nhựa, v.v. Điều này xuất phát từ việc các đơn vị sản xuất các nguyên liệu rẻ tiền ấy chưa hề tính đến chuyện sẽ có một lượng nhu cầu phát sinh lớn đến như vậy. Ngoài ra, hầu hết các nguyên vật liệu này đều được vận chuyển địa phương hoặc là đường biển – hai yếu tố này đang chịu tác động nặng nề nhất của những xáo trộn hậu COVID – 19.
“Fubuki on the sea” – Lời giải cho đứt gãy hàng hải?
“Fubuki” trong tiếng Nhật là “Bão tuyết”, cũng là nhân vật chính của bộ phim dựa trên tựa game ăn khách “Kantai Collection”. Mặc dù dũng cảm và nhiệt huyết, nhưng Fubuki cũng gây ra kha khá rắc rối cho hạm đội của mình.
Ngành công nghiệp đồ chơi cũng như bao ngành hàng khác, đều phải phụ thuộc rất lớn vào đường biển. Tuy nhiên đường biển quốc tế đang chứng kiến một sự gián đoạn rất lớn do những chính sách của các bên trong hạn chế và kiểm soát dịch bệnh. Trước kia, những biện pháp ngặt nghèo của Trung Quốc trong việc kiểm tra và thanh sát dịch bệnh được coi là sự cản trở trong hàng hải quốc tế nhưng thực tế đã chỉ ra rằng đó là những biện pháp cần thiết, và vấn đề không chỉ đơn giản nằm ở Trung Quốc mà là ở tất cả các quốc gia có liên quan đến hàng hải.
Để đơn giản hóa, một con tàu bị yêu cầu dừng để kiểm tra y tế sẽ bị trễ 1 đến 2 ngày. Một con tàu bị chậm 1 đến 2 ngày sẽ là không phải là chuyện quá lớn nhưng 50, 100 con tàu bị trễ đến 1 – 2 ngày sẽ là vấn đề cực kì đau đầu. Tình trạng ùn ứ và tắc tại cảng sẽ làm cho chi phí của từng tàu bị dồn lại từ tiền duy trì, tiền tăng thêm cho nhân viên tàu, tiền lương thực – thực phẩm và dịch vụ cảng,v.v. Hơn thế là nguy cơ mất an toàn là rất lớn, vì không ai có thể chắc chắn rằng sẽ có một sự cố như thế nào xảy ra với những con tàu đó.
Có thể một số loại đồ chơi được di chuyển bằng được hàng không, nhưng hầu hết vẫn phải đi qua đường biển. Và khi mà các loại đồ chơi ngày càng “to” và phức tạp hơn, nó cũng trở nên cồng kềnh hơn, phải tốn nhiều chi phí cho shipping bằng container hơn. Nhưng, vấn đề ở đây là tình trạng khan hiếm container như một quả bóng tuyết, cứ từ cảng này lan sang cảng khác, càng làm cho giá trị đơn hàng vận chuyển thêm biến động và ngưng trệ hơn.
Trên thực tế, không phải là nguyên vật liệu hay thành phẩm không vận chuyển được, chúng đều được vận chuyển mà không gặp bất cứ cản trở nào từ các quốc gia liên quan nhưng quan trọng hơn là khi đến được bờ bên kia rồi. Tình trạng kho hàng bị quá tải và tắc nghẽn ở ngay các cụm cảng lớn đang cản trở đến hoạt động giao thông nội địa đã đặt ra sức ép về chi phí cho các doanh nghiệp sản xuất từ chi phí chịu thêm, các phí phạt vì muộn đơn hàng, v.v. Thậm chí, từng quốc gia lại nảy sinh ra những vấn đề khác nhau: nếu ở Hoa Kỳ thì là tình trạng tắc nghẽn ngay tại cảng, thì ở Anh là tình trạng thiếu lái xe tải hạng nặng, v.v. Dù là nguyên do gì đi nữa, những vấn đề trên cũng đang gây ra sự gián đoạn nghiêm trọng cả về hàng hóa lẫn dòng tiền tệ – hàng thì vẫn ngồi trong kho, còn doanh nghiệp vẫn lo sốt vó.
Mảnh ghép nào cho bộ Lego khó giải này?
Thực tế, bài toán này đang là một vấn đề vô cùng nhức nhối đối với mọi thành phần của chuỗi cung ứng đồ chơi. Tất cả như những đụn tuyết nhỏ cứ tích tụ dần trên đường lao xuống dốc núi và cuối cùng, những khách hàng sẽ là người hứng chịu cả một cả quả bóng tuyết khổng lồ – giá cả tăng, giao hàng chậm, thậm chí là khan hiếm và không có hàng. Vấn đề ở đây không xuất phát từ bất cứ đơn lẻ yếu tố nào, mà là tất cả cứ tích dần vào nhau, từ việc Trung Quốc gia hạn thời gian chờ của tàu để kiểm tra dịch tễ đến sự kiện Brexit gây ra sự thiếu tài xế xe tải ở Anh, và đến cả sự bùng nổ của nhu cầu hậu đại dịch dẫn đến sự tắc nghẽn hàng hóa ở các cảng Hoa Kỳ, v.v. tạo thành một cú sốc cuối không thể tránh khỏi. Khi mà diễn biến dịch bệnh vẫn còn khá phức tạp, thì có lẽ các bên cần phải có một sự điều chỉnh về mặt quốc tế sao cho phù hợp với bối cảnh bình thường mới.
Thanh Nguyễn