Siêu dự án chiến lược quốc gia về kinh tế
Cảng tổng hợp Container Cái Mép Hạ thuộc phường Phước Hòa, thị xã Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), nằm ở cửa sông, bán kính vùng quay trở lớn, luồng hàng hải rộng và sâu, cho phép tiếp nhận an toàn tàu trọng tải lớn. Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến trên 10.235 tỷ đồng, được tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu thỏa thuận địa điểm và diện tích xây dựng năm 2006. Theo kế hoạch, diện tích đất sử dụng dành cho dự án khoảng 86,6 ha, quy mô dự kiến đón nhận các tàu có tải trọng lên tới 160.000 DWT. Tiến độ thực hiện dự án gồm 2 giai đoạn: giai đoạn 1 từ năm 2010 đến năm 2013, dự án hoàn thành và đưa vào khai thác 600m bến; giai đoạn 2 từ năm 2013 đến năm 2015, dự án hoàn thành và khai thác toàn bộ công trình.
Dự án được giao cho Công ty CP Đóng tàu và Dịch vụ dầu khí Vũng Tàu (VTSC) làm chủ đầu tư sau khi được UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chấp thuận chủ trương đầu tư tại Văn bản số 381/UBND-VP ngày 20/1/2006, cấp giấy chứng nhận đầu tư ngày 20/9/2010 và ban hành Quyết định số 2912-QĐ-UBND để giao hơn 86 ha triển khai dự án.
Siêu cảng bị “bỏ phí” suốt 15 năm – Lý lẽ của các bên liên quan
Tưởng như những bước chuẩn bị về mặt pháp lý của dự án đã gần như hoàn tất sẽ thuận lợi hóa quá trình thực hiện dự án, tuy nhiên, ngày 13/10/2017, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã ban hành Quyết định số 49/QĐ-SKHĐT về việc chấm dứt hoạt động của Dự án và thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư lần đầu của Dự án. Lý do thu hồi được đưa ra bởi UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu bao gồm: chậm triển khai thực hiện dự án; chưa thực hiện các thủ tục đầu tư (chưa thực hiện lập nhiệm vụ quy hoạch 1/500 và lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường (do thời gian phê duyệt từ năm 2008); góp vốn chưa đủ quy định (2.170 tỷ đồng) và việc thực hiện góp vốn của đơn vị đầu tư cũng có dấu hiệu sai quy định. Cụ thể, chủ đầu tư đã thành lập Công ty CP Đầu tư Cảng Cái Mép Hạ vào tháng 09/2016 để đầu tư dự án. Cơ cấu cổ đông gồm: VTSC góp 150 tỷ đồng (tương đương 16,67% vốn), CTCP Nước AquaOne (góp 749,5 tỷ đồng (tương đương 83,28%), ông Đỗ Minh Sơn (góp 500 triệu đồng). Việc này, theo Thanh tra Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh, có dấu hiệu góp vốn sai quy định.
Bên cạnh đó, Thanh tra Sở Tài nguyên Môi trường cho biết chủ đầu tư dự án chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai, không đưa đất vào sử dụng sau hơn 5 năm kể từ ngày giao đất thực địa.
Đáng nói, trước đó nửa tháng, vào ngày 30/9/2017, VTSC đã khiếu nại tới Thủ tướng về Quyết định 49/QĐ-SKHĐT của Sở Kế hoạch và Đầu tư, tức, VTSC khiếu nại văn bản hành chính “hình thành trong tương lai” của sở. Các luận điểm được VTSC bao gồm:
Đối với vấn đề dự chậm triển khai, theo VTSC, nguyên nhân là do ngay sau khi được cấp chứng nhận đầu tư, Văn phòng Chính phủ có văn bản chỉ đạo công ty “tiếp tục triển khai các thủ tục đầu tư dự án nhưng chưa ký kết bất cứ hợp tác, cam kết nào với nước ngoài cho đến khi có ý kiến cuối cùng của Thủ tướng Chính phủ” về dự án cảng nhập khẩu LNG của PVGAS – là dự án sẽ sử dụng khu đất đã giao cho công ty làm chủ đầu tư. Công ty này sau đó đã nhiều lần gửi văn bản báo cáo xin ý kiến để được tiếp tục hợp tác với đối tác nước ngoài theo thỏa thuận, nhưng không nhận được bất kỳ văn bản trả lời nào nên không thể triển khai phương án liên doanh với đối tác nước ngoài đã được phê duyệt khi cấp chứng nhận đầu tư.
Về việc không thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, VTSC cho biết đã đóng đủ tiền thuê đất theo thông báo nộp thuế. Nhưng sau đó, UBND tỉnh đã gây áp lực bằng văn bản yêu cầu các ban ngành tạm ngưng giải quyết các thủ tục đầu tư liên quan đến dự án, vì thế Cục thuế huyện Tân Thành đã buộc phải hoàn trả lại số tiền đã nộp vào kho bạc Nhà nước. VTSC cho biết thêm, văn bản của Bộ Tài chính vào tháng 3/2017 khẳng định việc nộp tiền sử dụng đất của công ty là không trái quy định pháp luật. Văn bản cho biết, VTSC và Công ty AquaOne đã ký thỏa thuận hợp tác đầu tư trong đó quy định căn cứ thông báo nộp tiền sử dụng đất của cơ quan hữu quan, Công ty AquaOne sẽ thay mặt VTSC trực tiếp nộp tiền sử dụng đất vào tài khoản chỉ định trên thông báo. Cùng khoảng thời gian này, Thanh tra Bộ Tài nguyên và môi trường có văn bản xác nhận việc nộp tiền sử dụng đất của công ty là không trái quy định pháp luật và khẳng định VTSC không bị thu hồi đất do vi phạm Luật Đất đai.
Tuy nhiên, những luận điểm và luận cứ mà VTSC viện dẫn, dù đều có cơ sở pháp lý từ các văn bản của bộ, ngành liên quan nhưng mới chỉ làm sáng tỏ được 3 vấn đề: chậm triển khai dự án, không đưa đất vào sử dụng sau hơn 5 năm kể từ ngày giao đất và thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai. Còn vấn đề chưa thực hiện các thủ tục đầu tư, góp vốn chưa đủ quy định và việc thực hiện góp vốn của đơn vị đầu tư cũng có dấu hiệu sai quy định lại chưa được đề cập tới và làm rõ. Chính vì vậy, cái kết tốt đẹp hơn có lẽ chưa thể đến với công ty này, khi cuối tháng 7/2020, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét chấm dứt hoạt động của Dự án và xem xét chấp thuận chủ trương chỉ định giao cho nhà đầu tư có năng lực và kinh nghiệm khai thác Cảng nhằm sớm đưa Dự án vào hoạt động.
Vấn đề lớn nhất: Chậm tiến độ dự án – Có phải lỗi chỉ thuộc về một bên?
Nguyên nhân của chậm tiến độ dự án, bên cạnh sự thiếu chỉ đạo và công tác hỗ trợ dự án chậm trễ từ cơ quan nhà nước theo như cách nói của VTSC, nhiều ý kiến cho rằng phần lớn xuất phát từ sự yếu kém của nhà đầu tư này cũng như việc đánh giá chưa đúng của chính quyền.
“Mặc dù biết rõ VTSC là một doanh nghiệp nhỏ, năng lực hạn chế, không đáp ứng yêu cầu nhưng với lý do phát triển kinh tế – xã hội của địa phương cũng như tạo điều kiện phát triển cho doanh nghiệp trên địa bàn, UBND tỉnh đã lựa chọn VTSC là nhà đầu tư thực hiện dự án là có phần chưa phù hợp” – Bộ KH-ĐT nhận xét.
Cụ thể, tiền thân của VTSC là Xí nghiệp Sửa chữa tàu biển Vũng Tàu, được thành lập năm 1992 theo hình thức tổ chức doanh nghiệp nhà nước, chức năng nhiệm vụ là đóng mới và sửa chữa các phương tiện vận tải thủy. Sau đó, VTSC chuyển thành công ty cổ phần với vốn điều lệ 110 tỉ đồng, trong đó vốn nhà nước chiếm hơn 53 tỉ đồng (48,6%). Kế đến, UBND tỉnh đã lựa chọn VTSC, là nhà đầu tư không đủ năng lực khi chưa từng hoạt động kinh doanh cảng biển (trước thời điểm được cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án) nhưng chưa có hỗ trợ hiệu quả để VTSC có thể hợp tác đầu tư thành công với các đối tác có năng lực cùng thực hiện dự án.
Sự “săn đón” của những nhà đầu tư năng lực: Tân Cảng Sài Gòn và Geleximco
Đầu năm 2017, 10 tháng trước khi Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ban hành quyết định chấm dứt hoạt động của dự án Cảng container Cái Mép Hạ, Geleximco đã xin chủ trương Chính phủ đầu tư dự án dự án này. Hơn một năm sau đó, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng có chỉ đạo trong kết luận 365/TB-VPCP ngày 21/9/2018: “Đây là dự án đã được giao chủ đầu tư (CTCP đóng tàu và dịch vụ dầu khí Vũng Tàu – Vungtau Shipyard). Do vậy, CTCP Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội – Tập đoàn Geleximco chủ động trao đổi, thỏa thuận với chủ đầu tư để có thể liên doanh, liên kết đầu tư, khai thác sử dụng cảng, đảm bảo hiệu quả đầu tư”.
Đến nay, website của Tập đoàn Geleximco vẫn giới thiệu thông tin: “Dự án trung tâm logistics và cảng tổng hợp container Cái Mép Hạ là một trong những dự án lớn mà Chính phủ giao cho Tập đoàn Geleximco thực hiện trong thời gian tới, nằm trong chủ trương quy hoạch phát triển cảng biển Việt Nam đến năm 2020 của Chính phủ.” Đồng thời, vốn đầu tư dự kiến cho dự án cảng tổng hợp container Cái Mép Hạ là 435 triệu USD.
Geleximco không xa lạ gì với ngành khai thác cảng, logistics cũng như kinh nghiệm trong việc liên doanh với nhà khai thác cảng quốc tế. Geleximco là cổ đông sáng lập của Công ty cổ phần Đầu tư cảng Cái Lân, đơn vị liên doanh với nhà khai thác cảng lớn nhất của Mỹ là SSA Marine để khai thác cảng quốc tế Cái Lân (CICT). Song hành cùng Geleximco tiếp cận dự án là Công ty cổ phần Vận tải và Thương mại quốc tế (ITC), nhà khai thác cảng SP-ITC – một cảng container đang vận hành khá hiệu quả tại TPHCM.
Ở một diễn biến khác, tháng 11/2015 (tức khoảng 22 tháng sau khi UBND tỉnh có quyết định về giá đất cho thuê phục vụ dự án do VTSC làm chủ đầu tư), Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn (thuộc Quân chủng Hải quân) đã kịp nắm bắt thông tin chậm tiến độ về dự án cảng này để xin phép địa phương được tiếp quản.
Cụ thể, Tân Cảng Sài Gòn xin phép được cùng với Công ty Cổ phần Xây dựng đầu tư và phát triển Cảng biển Tân Phú Thịnh đầu tư cho dự án này gồm các hạng mục như: hệ thống cầu cảng, kè bờ, bãi chứa container, bãi xe, hệ thống đường giao thông, kho hàng… Với tổng mức đầu tư dự án khoảng 15.800 tỷ đồng, Tân Cảng Sài Gòn sẽ thành lập công ty khai thác với loại hình là công ty Cổ phần (do Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn góp vốn 51% và các đối tác tham gia góp 49%, trong đó có doanh nghiệp địa phương và các hãng tàu lớn trên thế giới).
Về đề nghị của Tân Cảng Sài Gòn (trước và sau thời điểm dự án cảng bị thu hồi chủ trương), UBND tỉnh cho biết một số thông tin liên quan như sau: Thủ tướng đã giao Bộ Quốc phòng xem xét chủ trương cho phép Tân Cảng Sài Gòn hợp tác với các doanh nghiệp địa phương đầu tư dự án này, Bộ Quốc phòng cũng đã đồng ý để Tân Cảng Sài Gòn góp vốn thành lập Công ty CP Tân Cảng – Cái Mép Hạ. Đồng thời, Bộ Tư lệnh Hải quân sau đó cũng đã có công văn giao nhiệm vụ cho Tân Cảng Sài Gòn đầu tư Cảng tổng hợp và container Cái Mép Hạ – dự án mà theo ý kiến của Bộ Tư lệnh Hải quân – có vị trí chiến lược về kinh tế, quốc phòng và an ninh quốc gia.
Trên quan điểm ủng hộ, UBND tỉnh đề nghị Tân Cảng Sài Gòn báo cáo Bộ Quốc phòng để báo cáo, xin ý kiến Thủ tướng để làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo.
VTSC, Tân Cảng Sài Gòn hay Geleximco – Chiến thắng thuộc về ai?
Dù nhận được các tín hiệu tích cực từ các bộ ban ngành liên quan cũng như từ phía UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, nhưng cho đến nay, việc ai sẽ là nhà đầu tư, tiếp nhận khai thác và vận hành dự án Cảng tổng hợp Container Cái Mép Hạ vẫn chưa có lời giải chính thức, do đây là thuộc Cảng biển Vũng Tàu là cảng tổng hợp quốc gia, cửa ngõ quốc tế kết hợp trung chuyển container quốc tế (Loại IA) theo Quyết định số 1037/QĐ-TTg “Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam năm 2020, định hướng đến năm 2030”, được ban hành năm 2014 bởi Thủ tướng Chính phủ, nên quyết định cuối cùng thuộc về Thủ tướng Chính Phủ. Mà hiện tại, Chính Phủ hồi đáp các kiến nghị thay thế của các nhà đầu tư như Tân Cảng Sài Gòn và Geleximco rằng: “Chủ động trao đổi, thỏa thuận với chủ đầu tư để có thể liên doanh, liên kết đầu tư, khai thác sử dụng cảng, đảm bảo hiệu quả đầu tư”.
Có lẽ chúng ta phải chờ thêm một thời gian nữa để biết được kết quả cuối cùng.
Tú Anh, Kaiser