Những con số đối lập
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong tháng 10/2021, giá trị xuất khẩu cá tra đạt 136,7 triệu USD, giảm 19,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng 10 tháng đầu năm, giá trị này đạt 1,21 tỷ USD, tương đương với cùng kỳ năm trước.
Ở thị trường Trung Quốc, tính riêng trong tháng 10/2021, xuất khẩu cá tra đạt 31,35 triệu USD, giảm gần 61% so với cùng kỳ và tính đến hết tháng 10, tổng xuất khẩu cá tra đạt 310,2 triệu USD, giảm 27,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, mức xuất khẩu loại cá này lại có sự đối lập ở thị trường Mỹ. Tính riêng tháng 10 giá trị xuất khẩu cá tra sang Mỹ đạt gần 42 triệu USD, tăng gần gấp đôi so với tháng trước và đạt mức cao nhất trong top 10 thị trường xuất khẩu cá tra Việt Nam. Lũy kế 10 tháng, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường này đạt 290 triệu USD, tăng 47% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguyên do sinh ra sự đối lập
Ở kịch bản tươi sáng, xuất khẩu cá tra sang Mỹ vẫn giữ được phong độ trong quý IV thì khả năng Mỹ sẽ trở lại vị trí nhà nhập khẩu cá tra lớn nhất tra của Việt Nam. VASEP nhận định nhu cầu nhập khẩu sản phẩm cá thịt trắng, trong đó có cá tra từ Việt Nam của khách hàng Mỹ vẫn khá tốt.
Nguyên do của điều này được cho là bởi thị trường Mỹ đang hồi phục rất mạnh nhu cầu hậu làn sóng Covid-19. Trong khi đó, nguồn cung thủy sản nội Mỹ vốn đã rất thấp, thường chỉ đáp ứng 10% tiêu thụ nội địa, lại bị sụt giảm vì gián đoạn sản xuất trong dịch. Việc thiếu nguyên liệu, thiếu lao động, giá thủy sản ở Mỹ tăng cao khiến cho nhu cầu thủy sản nhập khẩu rất lớn.
Trái ngược với những tín hiệu tích cực ở thị trường Mỹ, xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc – Hong Kong vẫn “xám xịt”. Cụ thể, năm 2021, Trung Quốc nâng hàng rào thương mại đối với các sản phẩm thủy sản nhập khẩu khiến nhiều khách hàng bị thiệt hại do hàng hóa bị ách tắc.
Tương lai liệu có rộng mở với xuất khẩu cá tra Việt?
Bên cạnh những thị trường trọng điểm như Mỹ, EU, Trung Quốc, doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đang cố gắng mở rộng thị trường, tìm kiếm cơ hội ở thị trường CPTPP, Thái Lan, Nga…
Sau khi hiệp định CPTPP có hiệu lực, xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam sang khối thị trường này tăng trưởng khả quan, tăng 3% trong năm 2019. Trong 2 năm sau đó, xuất khẩu thuỷ sản sang khối CPTPP sụt giảm 2% chủ yếu do tác động của dịch COVID-19, nhu cầu nhập khẩu giảm.
Mặc dù vậy, lượng xuất khẩu cá tra sang một số thị trường trong khối này vẫn tăng trưởng tốt và nhiều tiềm năng. Đáng chú ý xuất khẩu sang thị trường Mexico trong 10 tháng đầu năm 2021 đạt 54,88 triệu USD (tăng 49,5% so với cùng kỳ). Thị trường Canada cũng tăng trưởng khá khi đạt 26,7 triệu USD (tăng 8,8% so cùng kỳ).
Các doanh nghiệp sản xuất, chế biến cá tra của Việt Nam hoàn toàn có thể đặt kỳ vọng vào một tương lai “tươi sáng” hơn trong xuất khẩu.
Thanh Thảo
ĐỌC THÊM:
Sàn thương mại điện tử cho ngành thủy sản