Chứng khoán 2021 với những dấu hiệu tích cực
Khép lại năm 2020, Việt Nam tự hào được đánh giá là 1 trong 10 thị trường chứng khoán có sức chống chịu và phục hồi tốt nhất thế giới trong bối cảnh đại dịch bùng nổ ở nhiều quốc gia. Vì thế mà các nhà đầu tư đã chào đón năm 2021 với trạng thái vô cùng “thăng hoa” khi giá trị danh mục đầu tư đã tăng lên đáng kể và sẽ còn nhiều triển vọng tươi sáng trong tương lai.
Cụ thể, tổng giá trị huy động vốn qua thị trường chứng khoán năm 2020 đạt 413.700 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2019. Quy mô vốn hóa của thị trường cổ phiếu chiếm 84,1% GDP năm 2020, vượt mức 14,1% mục tiêu đề ra. Tổng dư nợ trên toàn bộ thị trường trái phiếu tính đến cuối tháng 12 năm 2020 đạt khoảng 45% GDP, tăng 17,6% so với cuối năm 2019, trong đó dư nợ trái phiếu chính phủ (TPCP) là 27,7% GDP và trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) là 15,1% GDP.
Ngoài ra, Việt Nam – một nền kinh tế mới nổi, được dự báo sẽ trở thành điểm sáng, thu hút các dòng tiền ngoại trước làn sóng dịch chuyển vốn đầu tư nước ngoài vào các thị trường mới nổi 2021, thúc đẩy Việt Nam từ thị trường chứng khoán cận biên lên thị trường mới nổi.
Đặc biệt, trong phiên giao dịch ngày 20/4 vừa qua, VN-Index đạt đỉnh mới với 1268,28 điểm, trước đó vào ngày 29/3, chỉ số này đã bứt phá vượt qua ngưỡng cản 1200 điểm nhờ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn VN30. Trong khoảng 3 tuần giao dịch gần đây, các phiên VN-Index tăng điểm chủ yếu đều nhờ vào lực kéo của vài cổ phiếu trụ trong nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như VIC, VHM, HPG, NVL, PDR, VPB, STB, FPT.
Ngoài những cổ phiếu có vốn hóa lớn, khi nhìn vào bức tranh tổng thể của thị trường, nhóm cổ phiếu ngành logistics cũng được đánh giá là có sức hấp dẫn và sẽ còn tiếp tục tăng trưởng trong tương lai. Cổ phiếu logistics đang là bến đỗ mới cho nhiều nhà đầu tư trong tình hình thị trường ảm đạm như hiện nay.
Lực đẩy làm “dậy sóng” cổ phiếu ngành Logistics
Trong nhiều năm gần đây, Việt Nam đang tích cực hoàn thiện cơ sở hạ tầng logistics để nhằm đáp ứng tốt cho hoạt động xuất nhập khẩu. Mặc dù kinh tế thế giới năm qua bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19 nhưng Việt Nam vẫn duy trì được cán cân xuất – nhập khẩu lạc quan. Trong đó, giá trị xuất khẩu tăng đột biến với đóng góp lớn từ các đơn hàng đi Mỹ bằng đường biển. Kinh tế xuống dốc, nhiều doanh nghiệp lao đao xoay xở với những biến động từng giờ từng phút, nhưng một số doanh nghiệp logistics lại có những màn thể hiện khá ấn tượng, đặc biệt trong tình trạng thị trường đang thiếu hụt container rỗng nghiêm trọng.
Tình trạng thiếu container rỗng đẩy giá cước vận chuyển lên cao, vốn gây ra nhiều sóng gió cho toàn nền kinh tế, tuy nhiên, đối với nhiều doanh nghiệp logistics, đây lại là một cơ hội hiếm có. Có những giai đoạn, giá cước tăng phi mã từ 600 – 800 USD/container 40 feet lên mức 7.000 – 8.000 USD/container, thậm chí lên tới 10.000 USD/container. Nhờ vậy mà doanh thu của một số doanh nghiệp logistics nhiều lên đáng kể. Không chỉ thế, Covid-19 đã làm tê liệt gần như hoàn toàn các hoạt động vận chuyển hàng không, khiến lượng hàng vận chuyển đường biển phải tăng lên để bù đắp, cũng góp phần lớn khiến cho doanh thu từ các hoạt động logistics liên quan đến đường biển được cũng được cải thiện rất nhiều.
Bên cạnh đó, xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng sang Việt Nam, sau những tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 tại Trung Quốc đã mang lại cho ngành logistics nói riêng một lượng ngoại tệ đầu tư khổng lồ. Đây là một cơ hội rất lớn để logistics có thể đạt được nhiều thành tích nổi bật hơn nữa trong thời gian tới.
Cùng với đó, sự hồi phục về kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp cảng biển, vận tải cũng phần nào giải thích cho việc giá cổ phiếu ngành logistics tăng mạnh, song hành cùng xu hướng đi lên của thị trường chứng khoán.
Cụ thể, Công ty Cổ phần Vận tải và Xếp dỡ Hải An (mã CK: HAH) đã công bố Báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2021. Trong đó, chỉ tiêu doanh thu thuần đạt 359 tỷ đồng tương đương tốc độ tăng 28,4% so với cùng kỳ năm ngoái, thêm vào đó, giá vốn hàng bán chỉ tăng nhẹ, ở mức 16%, do đó, lợi nhuận gộp đạt 96,8 tỷ đồng tương đương 180% so với cùng kỳ 2020.
Công ty cổ phần Container Việt Nam (VSC) đạt 435 tỷ đồng doanh thu và 76,8 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý I/2021, tăng lần lượt 6% và 7,2% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, Công ty Chứng khoán FPT lại cho rằng, dư địa tăng trưởng tại các cảng hiện hữu của VSC không còn nhiều. Tính đến hết năm 2020, cảng Xanh và Xanh VIP của VSC chỉ đang hoạt động với hiệu suất lần lượt là 76% và 71%.
Cổ phiếu ngành Logistics phải chăng là bến đỗ ít rủi ro?
Covid-19 đã khiến nền kinh tế bộc lộ nhiều vấn đề, một trong số đó là sự phụ thuộc quá nhiều của các chuỗi chuỗi cung ứng vào doanh nghiệp Trung Quốc. Đại dịch lần này đã dạy cho các doanh nghiệp nhiều bài học, đặc biệt trong việc xây dựng mô hình kinh doanh và một chuỗi cung ứng vững vàng hơn, linh hoạt hơn trước những tác động từ môi trường. Hiểu được điều đó, làn sóng dịch chuyển các chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang nhiều quốc gia lân cận như Việt Nam đang được thúc đẩy với tốc độ nhanh hơn. Đồng nghĩa với việc đó, lượng hàng xuất nhập khẩu qua các cảng biển Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội để tăng trưởng mạnh mẽ hơn, đi cùng với sự phát triển của logistics.
Theo đó, tổng sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển tại Việt Nam trong năm 2021 dự báo đạt 771 triệu tấn tăng gần 12% so với năm 2020 với động lực đến từ nhu cầu hàng hóa khôi phục tại các thị trường tiêu thụ lớn.
Mặc dù vậy, thị trường logistics vẫn luôn tồn tại những rủi ro tiềm ẩn, thậm chí quyết định đến sự thành bại của các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này. Các hãng tàu container nước ngoài có quyền lực quá lớn, họ thành lập những liên minh để tập trung thị phần nhằm kiểm soát thị trường, khiến cho doanh nghiệp trong nước khó cạnh tranh. Đặc biệt, gần như toàn bộ hoạt động vận tải container tại Việt Nam đang được nắm giữ bởi các hãng tàu ngoại và việc nhiều hãng tàu là cổ đông chiến lược tại các cảng có quy mô lớn khiến doanh nghiệp nội càng khó khăn để có chỗ đứng vững chắc trong thị trường.
Không chỉ vậy, hiện nay hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi logistics hàng hải còn manh mún và thiếu liên kết, phần lớn chỉ tập trung phát triển một số mắt xích trong chuỗi nên thiếu sức mạnh đàm phán với các đối tác nước ngoài. Hơn nữa, hạ tầng logistics, đặc biệt, các trung tâm phân phối hiện nay còn kém phát triển, nhỏ lẻ, chưa tương xứng với nền kinh tế cũng là một nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của logistics.
Rõ ràng, các vấn đề này đã, đang và sẽ biểu hiện trên chính nhóm cổ phiếu ngành logistics. Mặc dù thể hiện nhiều tín hiệu tích cực, tuy nhiên cũng không thể không xem xét những rủi ro tiềm ẩn đằng sau chúng. Vậy, liệu logistics Việt Nam có thể khắc phục những thực trạng còn tồn tại và tận dụng tốt những cơ hội để đưa cổ phiếu logistics trở thành bến đỗ an toàn cho các nhà đầu tư hay không, có lẽ sẽ không có một câu trả lời nào hoàn toàn chính xác cho tất cả nhưng chắc chắn mỗi người đều phải xem xét mọi mặt của vấn đề trước khi đưa ra quyết định cho chính mình.
Phan Quyên