Bức tranh toàn cảnh
Amazon hiện đang phân phối hơn 10 tỷ mặt hàng trên toàn cầu mỗi năm và đã trở thành doanh nghiệp cung ứng dịch vụ giao hàng lớn thứ 4 tại Mỹ.
- Hơn 50% tổng kiện hàng Amazon tại Mỹ được phân phối bằng chính đội xe thuộc sở hữu của công ty.
- Chi phí giao hàng luôn là một trong những khoản chi cao nhất của các doanh nghiệp thương mại điện tử – dự đoán sẽ chạm mốc 90 tỷ đô trước 2023 và sẽ tiếp tục tăng cao do người tiêu dùng ngày càng có xu hướng ở nhà, mua hàng trực tuyến.
- Hệ thống vận hành logistics của Amazon có đến 10.000 xe rơ-mooc, một mạng lưới các bên chuyên chở hàng hóa bằng đường biển, hàng nghìn xe tải phục vụ cho dịch vụ giao hàng siêu tốc cùng hàng loạt robot và máy bay không người lại (hiện đang trong thử nghiệm)
- Trước năm 2021, Amazon Air dự kiến sẽ nắm giữ 70 máy bay chở hàng.
- Vào tháng 9/2019, Amazon đã đặt 100.000 xe tải chạy bằng điện từ Rivian, hướng đến mục đích bảo vệ môi trường.
- Amazon hiện đang nắm giữ hơn 210 bằng sáng chế liên quan đến lĩnh vực vận tải, từ máy bay không người lái đến các phương tiện mặt đất chạy tự động. Trong số đó, bằng sáng chế được cấp năm 2017 cho phép Amazon cung ứng dịch vụ vận chuyển theo yêu cầu dựa trên mạng lưới xe cộ tự lái.
Tại sao đế chế thương mại điện tử – Amazon có thể trở thành đối thủ “đáng gờm” trong ngành logistics?
Amazon hiện có khả năng cắt giảm chi phí giao nhận đến mức biến các đối tác như UPS thành đối thủ trực tiếp, nhờ vào hệ sinh thái về logistics do công ty tự xây dựng và phát triển cũng như những chiến lược đầu tư vào các dự án khởi nghiệp về xe điện tự động đầy hứa hẹn.
Động thái gần đây của Amazon
Theo thông tin từ Wall Street Journal, Amazon đang trong quá trình đàm phán để mua lại khởi nghiệp về công nghệ tự lái – Zoox. Thương vụ này nếu thành công sẽ nối tiếp những khoản đầu tư của Amazon vào các công ty startup về xe lái tự động như Aurora Innovation và Rivian – doanh nghiệp sản xuất xe tải điện.
- Các chuyên gia phân tích từ công ty Morgan Stanley cho rằng công nghệ tự lái là một “chiến lược phát triển tự nhiên” của Amazon để xây dựng và hoàn thiện mạng lưới logistics tự chủ và có thể giảm chi phí vận chuyển hàng hóa lên đến hơn 20 tỷ đô mỗi năm cho đế chế “khủng long” này.
- Amazon cũng đang trở thành một đối thủ đáng lo ngại đối với những công ty sản xuất ô tô lớn như Tesla và GM, đồng thời ngay cả các tập đoàn chuyển phát hàng lớn nhất thế giới như UPS và FedEx cũng phải nhanh chóng đổi mới để theo kịp được Amazon.
“Các nhà đầu tư thường dự đoán rằng Tesla nhiều khả năng sẽ trở thành công ty vận tải cho Amazon. Nhưng với tình hình hiện tại, một viễn cảnh Amazon tự xây dựng hệ thống vận chuyển toàn diện cho chính mình là điều hoàn toàn có thể.” Theo chia sẻ của ông Adam Jonas, chuyên gia phân tích công ty Morgan Stanley trong bản báo cáo ngày 17/05.
Động cơ của việc mua lại Zoox
Thương vụ mua lại Zoox có thể sẽ mở ra cánh cửa để Amazon thâm nhập vào ngành công nghiệp giao đồ ăn và dịch vụ đi chung xe (ride-sharing). Cung ứng dịch vụ đi chung xe với mức giá khuyến mãi sẽ hỗ trợ Amazon thu hút và giữ chân thêm nhiều khách hàng.
Dự đoán các động thái tiếp theo của Amazon
Theo nhà phân tích Sam Abuelsamid của Guidehouse Insights:
- Amazon có thể sẽ chuyển đổi taxi không người lái của Zoox thành xe tải chở hàng tự động, được vận hành như một phiên bản kho hàng Amazon di động.
- Rivian cũng có thể sẽ sản xuất những loại xe với kích thước nhỏ hơn, đáp ứng nhu cầu của Amazon với đơn đặt hàng 100.000 chiếc.
Ngoài ra, theo nhà phân tích từ Bank of Ameria (Ngân hàng Hoa Kỳ) – ông Justin Post, thời điểm hiện tại có thể được xem là thời điểm vàng để Amazon bứt phá trong việc phát triển “hạm đội” máy bay. Giá máy bay đang giảm mạnh do tác động của dịch bệnh khiến nhiều hãng hàng không trên thế giới phải hủy đơn đặt hàng.
Một số nhà nghiên cứu tại Đại học DePaul đã dự đoán Amazon sẽ sở hữu khoảng 200 máy bay trong 7 đến 8 năm tới, gần đuổi kịp hạm đội với 275 máy bay của UPS.
Biên dịch: Dandelion