Biến đổi khí hậu và gián đoạn chuỗi cung ứng
Theo một báo cáo do Bộ Kinh tế và Bộ Môi trường Đức phối hợp thực hiện, ước tính trong giai đoạn từ năm 2000 đến 2021 những đợt hạn hán, lũ lụt và nắng nóng đỉnh điểm đã gây thiệt hại cho nước này khoảng 145 tỷ euro, chủ yếu rơi vào những năm gần đây. Chỉ tính riêng từ năm 2018, tổn thất về nhà cửa và cơ sở hạ tầng cũng như thiệt hại về doanh thu trong các ngành như lâm nghiệp và nông trại của Đức đã lên tới hơn 80 tỷ euro.
“Không có ngành nào bị ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu nhiều như nông nghiệp.” Ông Hendrik Barkeling, người đứng đầu bộ phận kinh tế và cố vấn bộ trưởng tại Đại sứ quán Đức ở Bắc Kinh cho biết trong Hội nghị Hợp tác Tương lai Nông nghiệp Trung Quốc - Đức tại thành phố Lan Châu, tỉnh Cam Túc, Trung Quốc.
Ngành nông nghiệp tại Đức bị ảnh hưởng trầm trọng đã gây gián đoạn quá trình cung ứng nguyên liệu chăn nuôi gia súc nói chung và lợn nói riêng tại nước này.
Tuy nhiên, những ảnh hưởng này không chỉ dừng lại ở nông nghiệp mà còn lan sang lĩnh vực ngoại thương. Khó khăn càng thêm khó khăn, đặc biệt là vào năm 2020, cơn bùng phát dịch tả châu Phi khiến Trung Quốc dừng nhập khẩu thịt lợn từ Đức, gây khó khăn cho các nhà cung ứng thịt lợn tại đây. Bởi vì trước lệnh cấm nhập khẩu được phát hành, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của những người chăn nuôi lợn ở Đức.
Ngoài ra, đại dịch Covid-19 cũng giáng đòn mạnh vào ngành công nghiệp chăn nuôi lợn của Đức. Tuy nhiên giá năng lượng tăng vọt vào năm ngoái sau cuộc cuộc xung đột Nga-Ukraine mới là yếu tố tác động nặng nề đến những người chăn nuôi lợn ở Đức. Lợn con, không giống như bò hay loài gia súc khác, cần được sưởi ấm vào mùa đông. Đó là một trong lý do khiến các nhà sản xuất thịt lợn ở Đức tốn chi phí năng lượng nhiều hơn.
Nông nghiệp – mắt xích quan trọng giữa Đức và Trung Quốc
Friederike Dorfler, cố vấn nông nghiệp và thực phẩm tại Đại sứ quán Đức ở Bắc Kinh, cho biết Trung Quốc là một trong những quốc gia quan trọng nhất đối với hàng xuất khẩu của Đức bên ngoài Liên minh châu Âu. Hơn nữa, bà cho biết thêm, Đức có khả năng xuất khẩu khoảng 1/3 sản phẩm nông nghiệp của mình. Tuy nhiên, Trung Quốc đang phải đối mặt với thách thức thiếu hụt lương thực do phải cung cấp cho gần 20% dân số thế giới với ít hơn 10% diện tích đất canh tác. “Điều này cho chúng ta thấy rằng thương mại là quan trọng, rằng chúng ta phải chia sẻ tài nguyên, chia sẻ công việc và trao đổi hàng hóa,” bà cũng nói thêm.
Hendrik Barkeling, người đứng đầu bộ phận kinh tế và cố vấn bộ trưởng tại Đại sứ quán Đức ở Bắc Kinh, cho biết Đức có trách nhiệm xã hội chia sẻ kinh nghiệm và chuyên môn trong lĩnh vực nông nghiệp số hóa cao của mình, trong khi Trung Quốc cũng đóng một vai trò quan trọng không kém do quy mô và dân số của nước này.
Bên cạnh đó, Đức cũng cố gắng thuyết phục Trung Quốc chấp nhận “khái niệm khu vực hóa”, cụ thể là chỉ dừng nhập khẩu từ khu vực phát hiện dịch bệnh thay vì cấm nhập khẩu thịt lợn ở quy mô toàn bộ đất nước. “Đức muốn xuất khẩu trở lại sang Trung Quốc,” Barkeling nói thêm. “Dịch bệnh đã được ngăn chặn thành công.”
Dương Kiều