Thỏa thuận mang tính đột phá giữa Mỹ và EU
Ngay sau khi Nga tấn công Ukraine, Mỹ và EU đã đưa ra hàng loạt lệnh trừng phạt đối với Nga. Đáp trả lại hành động này, Nga đã tạm ngừng các đường ống cung cấp khí đốt sang châu Âu. Động thái này của Nga đã khiến ngành năng lượng thế giới nói chung và EU nói riêng chao đảo.
Đứng trước tình thế nguy cấp, EU đã phải nhanh chóng đi tìm những nguồn cung khí đốt mới để giảm sự phụ thuộc vào Nga, nơi cung cấp 40% lượng khí đốt của châu Âu. Trong đó mới đây, EU đã ký kết một thỏa thuận lớn về khí đốt với Mỹ. Cụ thể, Mỹ sẽ làm việc với các đối tác quốc tế để cung cấp thêm ít nhất 15 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên hóa lỏng cho châu Âu trong năm nay. Chưa dừng lại ở ó, Mỹ đặt mục tiêu tới năm 2030 sẽ cung cấp thêm 50 tỷ mét khối LNG cho EU.
Thỏa thuận này được Tổng thống Joe Biden đánh giá là một bước đi mang tính “đột phá” nhằm “tăng cường an ninh năng lượng, an ninh kinh tế và an ninh quốc gia”. Ngoài ra, ông cho rằng cái “bắt tay” này đã giúp Mỹ và EU củng cố mối quan hệ, xích lại gần nhau hơn.
Thành lập đội đặc nhiệm an ninh năng lượng
Vào ngày 25/03 vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã đưa ra thông báo về việc thành lập một lực lượng đặc nhiệm chung nhằm tăng cường an ninh năng lượng cho Ukraine và EU trong mùa đông tới và các năm tiếp theo.
Theo thông báo được đăng trên website của Nhà Trắng, lực lượng đặc nhiệm về an ninh năng lượng sẽ do đại diện của Nhà Trắng và đại diện của Ủy ban châu Âu, cơ quan hành pháp của EU dẫn đầu.
Lực lượng đặc nhiệm sẽ thực hiện hai mục tiêu chính. Thứ nhất là đa dạng hóa nguồn cung cấp LNG (khí thiên nhiên hóa lỏng) phù hợp với các mục tiêu khí hậu và thứ hai là giảm nhu cầu về khí đốt tự nhiên.
Huyền Tú
Mỹ đứng trước nguy cơ bị Nga dừng xuất khẩu Uranium