Chao đảo trước lệnh trừng phạt “từ trên trời rơi xuống”
Cargologicair (CLA) – một trong những hãng hàng không chuyên chở hàng hóa lớn nhất tại Anh, đang phải đối mặt với vấn đề dừng hoạt động nhiều máy bay “hái ra tiền” của mình. Có trụ sở chính tại sân bay London Heathrow nhưng là một công ty con của tập đoàn Volga-Dnepr, CLA vẫn phải chịu chung lệnh trừng phạt không đáng có này. Hiện nay, hai chiếc 747-400F thuộc sở hữu của trụ sở chính Anh và bốn chiếc 737F thuộc sở hữu của trụ sở Đức đã chính thức ngừng bay từ thứ sáu tuần trước (11/3). Một chiếc 747F đang ở Los Angeles, năm chiếc còn lại đang “lưu lạc” ở các quốc gia châu Âu. Chỉ còn hai trong số 12 chiếc AN-124 hoạt động, một chiếc ở Dhaka, Bangladesh và một chiếc bay qua lại giữa Trung Quốc và Nga.
Đội bay 747 của AirBridgeCargo (LLC), cũng là một hãng hàng không chuyên chở hàng hóa của Nga và thuộc tập đoàn Volga Dnepr, cũng đã hạ cánh gần hết, chỉ còn 3 chiếc đang từ châu Á đến Moscow theo dữ liệu radar, nhưng cũng sẽ ngừng bay chủ nhật tuần này (20/3).
Mặc dù đã cố gắng tìm cách hoạt động hợp pháp nhưng các biện pháp trừng phạt từ bên thuê vẫn khiến hãng mất đi phần lớn giá trị từ đội tàu của mình. Bermuda là quốc gia thuê nhiều tàu bay của Nga nhất (18 chiếc) cũng đình chỉ tất cả giấy chứng nhận vận hành. Theo sau đó, các nhà sản xuất cũng ngừng cung cấp thiết bị bảo trì và hỗ trợ, đẩy Volga-Dnepr vào “ngõ cụt”.
Phản ứng của chính phủ Nga
Ngày 14/3, Nga đã ban hành một điều luật cho phép các hãng hàng không nội địa đăng ký hoạt động cho các máy bay thuê ngoài. Tức máy bay được Nga thuê từ các quốc gia khác vẫn được phép bay trong không phận Nga. Đây không phải một tin tốt đối với các chủ thuê vì họ chỉ có thời hạn đến ngày 28/3 để lấy máy bay về. Một chủ thuê ở Ireland phát ngôn trên tờ Irish Time: “Đây chính là hệ quả tồi tệ nhất của việc cho Nga thuê máy bay. Putin là một nhà cầm quyền độc tài và vô trách nhiệm khi bây giờ còn công kích cả các quốc gia phương Tây”.
Sự chịu đựng của doanh nghiệp
Tuy nhiên các hãng hàng không của Nga vẫn rất đề phòng khi giữ máy bay và sẽ không để xảy ra hỏng hóc vì họ sẽ cần các chủ thuê trong tương lai. Nhiều hãng muốn trả lại máy bay để giữ vững mối quan hệ hợp tác lâu dài.
AirBridgeCargo hiện đang thuê ngoài 13 máy bay, có ít nhất 4 chiếc 747-8F được thuê từ doanh nghiệp nội địa SberLeasing và Volga-Dnepr, 2 chiếc thuê từ Aircastle (US), 1 từ Aviation Capital Group (US), 3 từ BOC Aviation (Singapore), 2 Gecas (US) và 1 từ DAE Capital (UAE).
Để tiếp tục duy trì hoạt động, hãng hàng không đang phải xem xét cắt giảm nhân sự diện rộng, chỉ để lại một số phi công trong biên chế. Giám đốc điều hành tập đoàn cũng khẳng định “Tất cả những gì chúng tôi làm đều phải trong sạch, hợp pháp dù hoàn cảnh có khó khăn thế nào. Chúng tôi đang thỏa thuận với bên cho thuê nhưng sẽ mất một thời gian để tìm ra phương hướng.” Ông cũng bày tỏ sự bức xúc với điều lệnh vô lí này “Chúng tôi thuộc sở hữu tư nhân, không có kinh phí hỗ trợ từ nhà nước và hầu hết nhân viên không phải người Nga (2500/3500 nhân viên quốc tế)”.
Ngay cả khi chiến tranh kết thúc, lệnh trừng phạt bị dỡ bỏ nhưng chúng ta cũng cần tập trung vào vấn đề hiện tại là làm sao để có thể duy trì đội bay được đến lúc đó.
Trang Hoàng
Foxconn, Toyota, Volkswagen gặp trở ngại lớn trước lệnh cấm tại Trung Quốc