Tàu Felicity Ace mang 4000 siêu xe bất ngờ gặp hỏa hoạn
Con tàu Felicity Ace vận chuyển 4000 siêu xe bất ngờ gặp hỏa hoạn ở Bắc Đại Tây Dương vào hôm 16/2. Theo hãng tin AP, Tàu Felicity Ace dài 198m khởi hành từ cảng Emden (Đức) vào ngày 10/2. Theo kế hoạch ban đầu, con tàu sẽ đến Davisville, bang Rhode Island (Mỹ) vào sáng 23/2. Trên tàu là 3.965 chiếc siêu xe ôtô thuộc tập đoàn Volkswagen, trong đó có khoảng 1.100 xe Porsche và 189 xe Bentley và một số lượng xe Audi không xác định, thông tin nội bộ của Volkswagen.
Theo đài RT, sau khi phát tín hiệu gặp phải hỏa hoạn giữa Đại Tây Dương gần đảo Faial thuộc Azores, Bồ Đào Nha vào sáng 16/2, con tàu mang cờ Panama này đã nhanh chóng được tàu tuần tra NRP Setubal của Hải quân Bồ Đào Nha và 4 tàu thương mại trong khu vực tiếp cận. Toàn bộ 22 thành viên trong thủy thủ đoàn của tàu đã được không quân và hải quân Bồ Đào Nha sơ tán và đưa tới khách sạn địa phương.
Con tàu hiện đang bị bỏ lại trong tình trạng không có người lái và trôi dạt gần quần đảo Azores của Bồ Đào Nha. Hải quân Bồ Đào Nha cho biết, chủ sở hữu tàu Felicity Ace đã đến hiện trường đối phó với đám cháy lớn, có thể khó kiểm soát hơn với pin EV trên tàu. Họ đã lên kế hoạch kéo con tàu vào bờ từ tối 16/2 và sẽ ở lại hiện trường để theo dõi tình hình và ngăn chặn sự cố tràn dầu, gây ô nhiễm vùng biển.
Rahul Khanna, trưởng bộ phận tư vấn rủi ro hàng hải tại Allianz Global Corporate & Specialty, “Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển ô tô, không gian bên trong không được chia thành các khu riêng biệt như các tàu chở hàng khác. Việc thiếu vách ngăn bên trong có thể có tác động tiêu cực đến an toàn cháy nổ và đám cháy nhỏ trên một phương tiện hoặc bình ắc quy có thể phát triển ngoài tầm kiểm soát rất nhanh, kéo theo những khó khăn trong việc việc tiếp cận các phương tiện đã chất xếp trên tàu”, theo Reinsurance News.
Tác động nặng nề tới ngành công nghiệp ô tô
Vụ hỏa hoạn được cho là tiếp tục tác động tới ngành công nghiệp ô tô vốn đã bị ảnh hưởng vì hàng loạt vấn đề liên quan tới chuỗi cung ứng, như đại dịch Covid-19 hay tình trạng thiếu chip bán dẫn, nhu cầu mua xe thường vượt quá khả năng cung cấp.
Matt Farah, một khách hàng ở Mỹ, đã đợi chiếc Porsche Boxster Spyder đời 2022 với giá bán lẻ khoảng 123.000 USD suốt từ tháng 8/2021. Nhưng hôm 16/2, Farah nhận được thông báo đầy thất vọng. “Tôi nhận được cuộc gọi từ đại lý. Chiếc xe của tôi giờ đây đang trôi dạt trên biển, và có thể đã bị cháy, ngay giữa đại dương”, người đàn ông này kể lại.
Công ty phần mềm Skytek đã đưa ra một báo cáo ngắn ngày hôm nay tuyên bố giá trị thị trường ước tính của Felicity Ace là 24,5 triệu USD, trong khi tổng giá trị của 3965 xe có thể lên đến hơn 500 triệu USD.
Đây không phải là lần đầu tiên Volkswagen gặp sự cố “mất hàng trên biển” xảy ra. Năm 2019, khi tàu Grande America bốc cháy và chìm trên Đại Tây Dương, hơn 2.000 xe sang, thuộc các thương hiệu Audi và Porsche, cũng bị chìm theo.
Các vụ cháy tàu chở hàng là nguyên nhân số ba gây ra tổn thất hàng hải trong thập kỷ qua, có 10 vụ cháy tàu chở hàng “tổn thất toàn bộ” vào năm 2020, theo Reinsurance News. Nhìn chung, ngành vận tải biển đã cải thiện kỷ lục an toàn của mình trong 10 năm qua.
Đặng Trà My
Tàu Zim Kingston bốc cháy trên hành trình tới Vancouver