Thuê ngoài là gì?
Thuê ngoài (Outsourcing) là một chiến lược kinh doanh nhằm cải thiện hiệu quả, cắt giảm chi phí, tăng tốc độ phát triển sản phẩm và cho phép các doanh nghiệp tập trung vào năng lực cốt lõi của họ. Trong đó, doanh nghiệp thuê một cá nhân hay các nhà cung cấp bên ngoài có chuyên môn cao hơn để thực hiện các nhiệm vụ, cung cấp dịch vụ hoặc xử lý các hoạt động cho doanh nghiệp thay vì tự thực hiện.
Ví dụ, gã khổng lồ trong ngành hàng thời trang thể thao là Nike không có cơ sở sản xuất tại Hoa Kỳ và thay vào đó, họ chọn thuê ngoài hơn 500.000 công nhân làm việc tại các nhà máy sản xuất ở Philippines, Việt Nam, Trung Quốc, Indonesia và Đài Loan.
Vậy những lợi ích của việc thuê ngoài mang lại là gì?
Tiết kiệm chi phí, thời gian và giảm vốn đầu tư
Thuê ngoài một nhà cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp giúp doanh nghiệp tiết kiệm được một khoản ngân sách đáng kể như chi phí nhân sự, thiết bị, nhà xưởng, văn phòng, v.v. Đồng thời, thuê ngoài giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian trong việc vận hành và quản lý các nguồn lực nội bộ.
Tập trung vào các hoạt động kinh doanh cốt lõi
Thuê ngoài các nhà cung cấp dịch vụ bên ngoài có nhiều chuyên môn và kinh nghiệm ở một số hoạt động không phải là “cốt lõi”, doanh nghiệp sẽ giải phóng được nhiều tài nguyên, có nhiều thời gian và nhân lực hơn để phát triển thế mạnh cũng như duy trì tính cạnh tranh. Nhờ đó mà năng suất lao động và chất lượng dịch vụ của doanh nghiệp được nâng cao hơn. Ngược lại, nếu sử dụng chiến lược tự thực hiện doanh nghiệp sẽ phải đầu tư dàn trải và chính điều này có thể gây rủi ro cho các hoạt động chính của doanh nghiệp.
Tăng tốc vòng quay vốn
Tăng tốc vòng quay vốn là một yếu tố sống còn với mỗi doanh nghiệp. Khi thuê ngoài, doanh nghiệp có thể dành phần lớn nguồn lực để tập trung sản xuất kinh doanh, từ đó sản phẩm sẽ được tạo ra nhanh hơn. Nhờ vậy, dòng vốn sẽ quay vòng nhanh hơn và doanh nghiệp còn có thể tiết kiệm được rất nhiều chi phí.
Rủi ro có thể xảy ra khi sử dụng dịch vụ thuê ngoài
Dù thuê ngoài có nhiều lợi thế nhưng nó cũng tồn tại những hạn chế cần được thừa nhận và giải quyết, bao gồm:
Mất quyền kiểm soát
Khi sử dụng các dịch vụ thuê ngoài, doanh nghiệp có thể mất quyền quản lý sản phẩm của mình. Bên cạnh đó, doanh nghiệp không thể trực tiếp kiểm tra chất lượng và các quy trình khác .
Sở hữu trí tuệ và tính bảo mật
Khi doanh nghiệp chuyển giao nhiệm vụ cho đối tác thuê ngoài, nguy cơ rò rỉ thông tin và tài sản trí tuệ có thể khiến doanh nghiệp gặp nhiều rắc rối liên quan đến các vấn đề pháp lý. Ngoài ra, doanh nghiệp không biết đối tác thuê ngoài của mình sẽ làm gì với những dữ liệu đó.
Lo ngại về chất lượng sản phẩm và dịch vụ
Trong trường hợp chọn sai đối tác thuê ngoài, doanh nghiệp sẽ gặp phải một vài vấn đề bao gồm sản phẩm được làm ra dưới tiêu chuẩn chất lượng hoặc phân loại trách nhiệm không phù hợp, v.v.
Tóm lại, thuê ngoài đều có ưu điểm và nhược điểm của nó. Nếu đi đúng hướng, thuê ngoài có thể mở ra rất nhiều cơ hội kinh doanh. Ngược lại nếu đi sai hướng, chiến lược này có thể trở thành con dao hai lưỡi nếu nó được triển khai một cách bừa bãi mà không có kế hoạch hay tính toán từ trước. Do đó, doanh nghiệp cần phải có kế hoạch cụ thể và rõ ràng khi sử dụng chiến lược này.
Xu hướng thuê ngoài trên thế giới
Theo thống kê từ Statista, doanh thu ngành dịch vụ thuê ngoài toàn cầu không ổn định trong vài năm qua. Năm 2016, quy mô thị trường toàn ngành giảm xuống còn 76,9 tỷ đô la Mỹ, con số thấp nhất trong một thập kỷ. Tỷ trọng doanh thu lớn nhất của ngành đến từ châu Mỹ, tiếp theo là châu Âu, Trung Đông và châu Phi. Một phần nhỏ hơn nhiều trong doanh thu toàn cầu đến từ khu vực Châu Á Thái Bình Dương.
Trong lĩnh vực logistics, theo báo cáo “Thị trường thuê ngoài logistics đến năm 2027” của Research and Markets, thuê ngoài logistics toàn cầu được dự đoán sẽ tăng trưởng với tốc độ CAGR là 4,77% trong giai đoạn từ 2021-2027.
Tại Việt Nam, theo thông tin của Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) năm 2018, tỷ lệ thuê ngoài logistics tại Việt Nam chưa cao, mới chiếm khoảng 35% – 40%. Nguyên nhân chủ yếu là do chưa có sự phối hợp, hợp tác giữa các nhà cung cấp dịch vụ logistics với các nhà sản xuất và các nhà xuất nhập khẩu. Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics sẽ đạt 50% – 60%.
Bên cạnh đó, thị trường Logistics bên thứ ba (3PL) toàn cầu được định giá khoảng 1 tỷ USD vào năm 2020 và dự kiến sẽ đạt hơn 1,75 nghìn tỷ USD vào năm 2026, đạt tốc độ tăng trưởng 8% trong giai đoạn (2021-2026), theo dữ liệu từ Mordor Intelligence.
Hiện nay, thế giới phải đối mặt với những thách thức lớn từ thiên tai, dịch bệnh, một dịch vụ đặc biệt hứa hẹn sẽ rất phát triển trong cả hiện tại và tương lai là quản lý rủi ro, lập kế hoạch dự phòng và ứng phó với khủng hoảng. Bên cạnh những dịch vụ điển hình như lập kế hoạch, thực hiện các quy trình logistics và các giải pháp công nghệ, nhiều doanh nghiệp 3PL cũng cung cấp các dịch vụ đặc biệt liên quan đến chuỗi cung ứng.
Ví dụ như trong cuộc khảo sát của Inbound Logistics trong năm 2020, hầu hết các doanh nghiệp 3PL có thể đảm nhiệm vai trò là nhà tư vấn, giúp khách hàng thiết kế hoặc thực hiện các chiến lược logistics.
Huyền Tú
Onshore, Nearshore hay Offshore: Đâu là sự lựa chọn tốt nhất?