Kỷ lục về lượng hàng hóa sắp bị phá vỡ
Chỉ còn một tuần trước khi bước sang năm mới, các quan chức Cảng Los Angeles (POLA) dự đoán khối lượng container hàng hóa sẽ đạt xấp xỉ 10,7 triệu TEU, vượt gần 13% so với mức kỷ lục được thiết lập vào năm 2018. Cụ thể, tháng 11/2021, cảng “bận rộn” nhất Hoa Kỳ này đã xử lý tổng cộng 9.891.021 TEU, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Gene Seroka, giám đốc điều hành của cảng LA, cho biết: “Trong khi còn nhiều điều mà chúng tôi cần phải cải thiện, chúng tôi đang cung cấp lượng hàng hóa kỷ lục và hàng hóa đang đến tay người tiêu dùng và nhà sản xuất.”
Theo đó, tại cảng Los Angeles, tổng lượng nhập khẩu năm 2021 đang đạt kỷ lục mọi thời đại với khoảng 5,5 triệu TEU, cao hơn 13% so với kỷ lục năm 2018. Nhưng ở một khía cạnh khác, xuất khẩu hàng có tải đã giảm 36,8%, xuống còn 82,741 TEU so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài ra, nhu cầu đối với các container rỗng từ châu Á cũng đang trên đà tăng vọt. Tình trạng thiếu container rỗng đã tăng 10,6% tại cảng LA so với năm ngoái, đây là một yếu tố góp phần gây ra sự chậm trễ trong vận chuyển toàn cầu. Cụ thể, trong năm 2021, cảng này đã xử lý khoảng 9,9 triệu TEU, nhiều hơn 18,7% so với cùng thời điểm năm ngoái.
Kỳ vọng lấp đầy “lỗ hổng” trong chuỗi cung ứng toàn cầu
Cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng đã khiến hai cảng LA và Long Beach phải thực hiện các biện pháp chưa từng được áp dụng trước đây, như tăng cường hoạt động suốt ngày đêm và công bố mức phí đối với hàng hóa tồn đọng quá lâu trên các bến cảng.
Theo đó, ông Biden, Tổng thống Hoa Kỳ, yêu cầu Cảng Los Angeles và Cảng Long Beach sẽ bắt đầu hoạt động 24 giờ một ngày, bảy ngày một tuần để giúp giải tỏa những tắc nghẽn của chuỗi cung ứng.
Một biện pháp khác mà cảng này đã sử dụng là ra mức phạt đối với các công ty lưu hàng quá lâu ngày. Theo công bố của Hội đồng Thành phố Los Angeles, mức phạt sẽ bao gồm 100 USD/mỗi container cộng với 100 USD/mỗi ngày còn lưu cảng. Tuy nhiên, mức phí này dường như đã châm ngòi cho các công ty vận tải biển, và các quan chức cảng đã hoãn việc thu phí nhiều lần vì họ nhận thấy lượng hàng hóa cũ trên các bến cảng giảm 46%.
Ông Seroka kỳ vọng rằng “Bước sang năm 2022, chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung vào cải thiện hiệu quả, tạo việc làm và phát triển kinh tế.”
Thanh Thảo
Mỹ: Các cảng vận hành 24/7, giúp giảm áp lực lên chuỗi cung ứng