1. AMS (Automated Manifest System)
Sau vụ khủng bố 11/09/2001, Mỹ ngày càng chú trọng tới việc thắt chặt các biện pháp đảm bảo an toàn trong vận chuyển hàng hóa. Chính vì lẽ đó, hệ thống kê khai tự động AMS ra đời và trở thành một công việc không thể bỏ qua cho người xuất khẩu khi vận chuyển hàng vào Hoa Kỳ.
AMS (Automated Manifest System) là một hệ thống khai báo kiểm soát hàng hóa vận chuyển bằng tất cả các phương thức xuất nhập khẩu trong nội địa Hoa Kỳ do Cục Hải Quan và Biên Phòng Hoa Kỳ CBP thiết lập.
Người xuất khẩu cần chú ý đến các nội dung trong khai báo AMS để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra, và sau đây là một số điểm cần lưu ý:
- Nội dung:
Thông tin về hàng hóa: Số vận đơn của lô hàng, loại hàng, tên và địa chỉ của người gửi cũng như người nhận, khối lượng hàng hóa, v.v.
Thông tin về container: số container, số seal (số chì của mỗi container), v.v.
Thông tin về tàu mẹ: Tuyến đường (gồm: nơi nhận hàng, cảng chất hàng lên tàu, cảng chuyển tải, cảng dỡ hàng, điểm đến cuối cùng); Thời gian (lúc tàu xuất phát, tàu đến cảng chuyển tải, tàu dỡ hàng, tàu đến điểm cuối cùng, v.v ). - Bên khai AMS: Bao gồm các bên có liên quan trực tiếp đến quá trình khai báo AMS như nhà vận chuyển thực tế (hãng tàu) hoặc các NVOCCs (những bên vận chuyển không có tàu) sẽ khai hộ cho người xuất khẩu. AMS được các nhà vận chuyển khai báo qua các website của riêng mình hoặc trung gian được phép kết nối với mạng của Hải quân Hoa Kỳ. Để khai báo, nhà vận chuyển cần phải được cấp tên sử dụng và mật mã riêng.
- Mức phí: Theo quy định, mức thu phí AMS thường sẽ rơi vào khoảng từ 30 đến 40 USD cho mỗi lô hàng. Đặc biệt, phí AMS không tính theo số lượng hay khối lượng của hàng hoá, mà các container chung một vận đơn vẫn sẽ chỉ thu một lần (tính theo chuyến).
- Thời gian: Thông thường, việc nộp AMS phải được thực hiện chậm nhất 48 tiếng trước khi tàu mẹ xuất phát từ cảng chuyển tải cuối cùng (48 tiếng trước khi hàng rời khỏi cảng đi nếu tàu không chuyển tải). Người khai báo có thể tự do sửa đổi tất cả thông tin trước thời hạn trên. Nếu khai báo AMS trễ so với thời gian quy định sẽ phải chịu các khoản phạt tiền từ hải quan Hoa Kỳ, với mức phạt lên tới 5000 USD cho mỗi lô hàng. Án phạt này sẽ được thông báo bởi hải quan Mỹ sau vài tháng kể từ khi hàng chính thức onboard, thậm chí là cả 1 năm. Mức tiền phạt sẽ bị cộng dồn cho tất cả các lô hàng mà bên hãng tàu đã khai trễ hạn trong suốt thời gian đó. Nếu không trả tiền phạt, hàng sẽ không được chấp nhận đưa vào thị trường Mỹ, đồng thời người xuất khẩu sẽ bị đánh dấu vào danh sách đen.
2. ISF (Importer Security Filing)
Ngoài AMS, từ tháng 1 năm 2010, tất cả các hàng hóa vào Hoa Kỳ bắt buộc phải hoàn thành thủ tục kê khai an ninh dành cho nhà nhập khẩu. Đó là Importer Security Filing (ISF) do Hải quan Hoa Kỳ và Cơ quan bảo vệ biên giới Hoa Kỳ yêu cầu.
Người nhập khẩu ở Hoa Kỳ phải cung cấp thông tin tương tự AMS và bổ sung thông tin khác như nhà sản xuất, thông tin người nhập khẩu (importer of record number), mã số hàng hóa (commodity HTSUS number) và người gom hàng (consolidator).
ISF hay còn gọi là 10+2, bởi vì đây chính là số lượng thông tin cần khai báo, trong đó bao gồm:
Từ người nhập khẩu/ nhà cung cấp:
- Tên và địa chỉ người bán (Seller’s name and address)
- Tên và địa chỉ người mua (Buyer’s name and address)
- Số hồ sơ nhà nhập khẩu hoặc số xác nhận thuộc khu vực chế xuất (Importer of record number / foreign trade zone applicant identification number)
- Số người nhận hàng (Consignee number)
- Tên và địa chỉ nhà sản xuất hoặc nhà cung cấp (Manufacturer or supplier name and address)
- Tên và địa chỉ người giao hàng (Ship-to name and address)
- Nước xuất xứ (Country of origin)
- Mã HS (HS code)
- Vị trí chất hàng trong container (Container stuffing location)
- Tên và địa chỉ người đóng gói (Consolidator’s name and address )
Từ nhà cung cấp dịch vụ:
- Kế hoạch xếp dỡ tàu (Vessel stow plan)
- Thông báo trạng thái kho chứa (Container status messages)
Tương tự AMS, nhà nhập khẩu phải hoàn thành ISF 48 tiếng trước khi tàu hàng ở cảng chuyển tải khởi hành đến Hoa Kỳ. Cũng do AMS và ISF có sự tương đồng về thời gian cho nên hai thủ tục này thường được thực hiện cùng 1 lúc. Các Hãng tàu/airline hoặc Forwarder thường sẽ thực hiện thủ tục này cho nhà nhập khẩu.
Phí phạt:
Nếu hồ sơ ISF không chính xác hoặc không đầy đủ, CBP có thể từ chối cấp giấy phép dỡ hàng hoặc lấy luôn hàng hóa. Nếu hàng hóa đó được dỡ xuống mà không có sự cho phép của CBP, họ có thể thu giữ hàng hóa đó. Trong trường hợp đó, lệnh “Do not load” sẽ được áp dụng cho hàng hóa này.
Hải quan Hoa Kỳ đã chia ra các mức phạt khác nhau cho những lỗi trong khai báo ISF như sau:
- Không nộp ISF: $5.000 / lô hàng
- Nộp ISF muộn: $5.000 / lô hàng
- Nộp ISF chưa đầy đủ: $5.000 / lô hàng
- Không rút được ISF: $5.000 / lô hàng
- Không khớp giữa hồ sơ ISF với Vận đơn: $5.000 / lô hàng
3. C/O mẫu B (C/O form B)
Các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa đi Mỹ cần khai C/O mẫu B để chứng minh xuất xứ hàng hóa. C/O mẫu B là một trong những mẫu C/O phổ biến, được cấp bởi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI, áp dụng cho hàng hóa xuất khẩu các nước.
C/O mẫu B được cấp cho hàng hóa xuất xứ tại Việt Nam xuất khẩu sang các nước khác trên thế giới trong các trường hợp sau:
- Nước nhập khẩu không có Hệ thống ưu đãi phổ cập GSP (Generalized System of Preferences ).
- Nước nhập khẩu có chế độ GSP nhưng không cho Việt Nam hưởng ưu đãi.
- Nước nhập khẩu có chế độ ưu đãi GSP và cho Việt Nam hưởng ưu đãi từ chế độ này nhưng hàng hóa xuất khẩu không đáp ứng các tiêu chuẩn do chế độ này đặt ra.
Nếu muốn xin cấp CO mẫu B tại VCCI thì cần chuẩn bị đủ bộ hồ sơ gồm:
- Đơn đề nghị cấp CO
- Mẫu CO mẫu B đã in và đóng dấu
- Tờ khai hải quan xuất khẩu đã thông quan (nếu hàng có dùng NVL nhập khẩu thì kèm thêm Tờ khai nhập)
- Vận đơn đường biển hoặc đường hàng không
- Hóa đơn thương mại
- Phiếu đóng gói hàng hóa
- Quy trình sản xuất
- Chứng từ chứng minh nguồn gốc nguyên vật liệu (bảng kê theo mẫu của thông tư 05/2018/TT-BCT).
4. Bond Application
Bond Application là một chính sách bảo hiểm do công ty bảo lãnh phát hành để đảm bảo nghĩa vụ thanh toán các khoản phí và thuế hải quan cho nhà nhập khẩu hàng hóa.
Hiện nay, có 2 loại Bond Application đó là Single Bond và Continuous Bond. Bảng dưới đây sẽ nêu ra một vài điểm khác nhau giữa 2 loại Bond Application này.
Single Bond | Continuous Bond |
Là phí bảo hiểm sẽ được mua cho các đơn hàng chỉ nhập khẩu vào Mỹ 1 lần hoặc vài lần. | Là phí bảo hiểm được mua theo năm, và sẽ được áp dụng cho tất cả các lô hàng được nhập khẩu cho nhà nhập khẩu trong năm đó. |
Mức phí sẽ được tính theo đơn vị $1000 của giá trị hàng hóa nhập khẩu. Trị giá tính Single Bond sẽ bao gồm: Giá trị hóa đơn (commercial invoice) và thuế nhập khẩu của hàng hóa. Đối với một số hàng giá trị thấp thì hải quan sẽ yêu cầu trả mức Bond tối thiểu cho lô hàng đó. | Sẽ phải thanh toán mức tối thiểu là $50.000 cho 1 lần mua (Nghĩa là toàn bộ các loại thuế phí, các phí khác, v.v. mà công ty bảo hiểm sẽ phải chi trả cho hải quan là $50.000 nếu nhà nhập khẩu không thể thanh toán trong năm đã mua bảo hiểm). |
Single Bond sẽ có lợi khi chỉ có các đơn hàng nhập khẩu vào Mỹ số lượng ít. | Continuous Bond thường được sử dụng khi nhập khẩu thường xuyên. |
5. POA (Power of Attorney)
Giấy ủy quyền (POA) là một tài liệu pháp lý trao cho một người, đại lý hoặc luật sư (người được ủy quyền), theo đó người ủy quyền sẽ trao cho người được ủy quyền các quyền lực để hoạt động thay thế cho họ. Người được ủy quyền có thể có thẩm quyền pháp lý rộng hoặc thẩm quyền hạn chế để đưa ra các quyết định về tài sản, hàng hóa của người được ủy quyền. Chúng thường được sử dụng đối với các nhà xuất khẩu chưa có nhiều kinh nghiệm.
Có 2 loại giấy ủy quyền là general powers (quyền hạn tổng hợp) và limited powers (quyền hạn giới hạn).
- General powers (quyền hạn tổng hợp): Một giấy ủy quyền chung cho phép đại lý hành động thay mặt cho người ủy quyền trong bất kỳ vấn đề nào, theo luật pháp quốc gia đó cho phép. Đại lý theo thỏa thuận như vậy có thể được ủy quyền xử lý tài khoản ngân hàng, ký séc, bán tài sản, quản lý tài sản và nộp thuế cho tiền gốc.
- Limited powers (quyền hạn giới hạn): Là ủy quyền cho phép người quản lý danh mục đầu tư thực hiện một số chức năng cụ thể thay mặt cho chủ tài khoản. Nhìn chung, nó cho phép người quản lý thực hiện chiến lược đầu tư theo thỏa thuận và thực hiện công việc liên quan thường xuyên mà không cần liên hệ với chủ tài khoản. Quyền hạn giới hạn có thể có hiệu lực trong một khoảng thời gian cụ thể. Ví dụ, nếu người ủy quyền ra khỏi đất nước trong hai năm, việc ủy quyền có thể chỉ có hiệu lực trong khoảng thời gian đó.
6. Soi Container
Sau vụ tấn công ngày 11 tháng 9 năm 2001, Quốc hội Mỹ lo ngại rằng những kẻ khủng bố có thể sử dụng container để buôn lậu vũ khí hủy diệt hàng loạt, đặc biệt là vũ khí hạt nhân vào nước này. Chính vì vậy, Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới (CBP), một cơ quan trực thuộc Bộ An ninh Nội địa (DHS) đã thực hiện quét mọi container vào Hoa Kỳ bằng đường biển hoặc đường bộ để phát hiện bức xạ. Vào năm 2007, Quốc hội Mỹ đã yêu cầu DHS sử dụng cả máy dò bức xạ và hệ thống hình ảnh để quét và chụp ảnh tất cả các container trên biển trước khi chúng được đưa lên một con tàu đến Hoa Kỳ. Việc soi container này diễn ra ở cảng chuyển tải hoặc cảng đích ở Hoa Kỳ.
Tại cảng đích ở Hoa Kỳ thì việc soi container tốn rất nhiều thời gian. Trường hợp hàng hóa bị giữ lại để soi container (X-ray), tùy theo INCOTERMS mà nhà xuất khẩu hay nhà nhập khẩu Hoa Kỳ chịu trách nhiệm chi trả chi phí này.
Để có thể đáp ứng được việc quét rất nhiều container thì Mỹ đã đưa ra thêm phương án đó là soi container ngay tại cảng chuyển tải. CBP hoặc các đối tác nước ngoài sẽ lắp đặt thiết bị soi container tại cảng của quốc gia khác, nơi mà xếp các container lên các tàu đi đến Hoa Kỳ và trung bình chi phí cho việc soi container sẽ dao động từ 150 đến 220 đô la cho mỗi container. Việt Nam cũng đã có một số cảng được Chính phủ Hoa Kỳ hỗ trợ lắp đặt hệ thống này như: cảng Cát Lái (2019), 3 cảng thuộc địa bàn quản lý của Cục Hải quan Bà Rịa – Vũng Tàu, gồm: Cảng Tân Cảng – Cái Mép (TCCT), Cảng container quốc tế Tân Cảng – Cái Mép (TCIT) và Cảng quốc tế SP-PSA.
Mạnh Nguyễn
Mỹ: Các cảng vận hành 24/7, giúp giảm áp lực lên chuỗi cung ứng