1. Đường bay quốc tế nhộn nhịp nhất
Bạn có tò mò đâu là đường bay quốc tế nhộn nhịp nhất thế giới không? New York – London hay Bắc Kinh – L.A? Trên thực tế, số liệu trước khi đại dịch covid 19 xuất hiện, đường bay quốc tế bận rộn nhất là Hồng Kông – Đài Bắc của Đài Loan với 6,5 triệu lượt hành khách trong năm 2018 và tổng gần 27.500 chuyến bay.
Hai thành phố châu Á khác đứng đầu về số lượng chuyến bay là đường bay Kuala Lumpur – Singapore với trung bình 18 phút có 1 chuyến bay, lập kỷ lục 30.537 chuyến bay mỗi năm. Đây cũng là một trong những đường bay quốc tế ngắn nhất vì thời gian bay chỉ hơn 1 giờ.
2. Chặng bay nội địa nhộn nhịp nhất
Kỷ lục về đường bay nội địa nhộn nhịp nhất thuộc về chặng bay Seoul Gimpo – Jeju. Theo dữ liệu thống kê năm 2021 từ OAG, công ty chuyên cung cấp dữ liệu du lịch toàn cầu, chỉ trong tháng 10 có 1,5 triệu ghế được đặt trước, nhiều gấp đôi đường bay quốc tế đứng thứ hai của Trung Quốc là Beijing – Shanghai Hongqiao với hơn 786.000 ghế. Jeju – Seoul cũng là tuyến bay nội địa bận rộn nhất thế giới vào năm 2019 và 2020. Trước đại dịch, Jeju – Seoul trung bình mỗi năm có 48.000 chuyến bay đưa đón khoảng 17 triệu hành khách. Trung bình mỗi ngày có hơn 100 chuyến bay giữa thủ đô Hàn Quốc và đảo Jeju với tám hãng hàng không cạnh tranh với nhau.
3. Sân bay bận rộn nhất thế giới
Theo số liệu mới nhất được Hội đồng Sân bay Quốc tế ACI công bố, sân bay quốc tế Baiyun, Quảng Châu, Trung Quốc đã vượt qua sân bay Hartsfield-Jackson Atlanta, trở thành phi trường bận rộn nhất thế giới. Trong năm 2020, sân bay quốc tế này đã đón 43,8 triệu hành khách, giảm 40% so với năm 2019.
Trước những tác động của đại dịch covid-19, sân bay quốc tế Hartsfield-Jackson Atlanta, Mỹ bị đẩy xuống vị trí thứ hai sau 22 năm giữ ngôi đầu bảng, với 42,9 triệu hành khách, giảm 61% so với năm 2019. Theo nhiều chuyên gia nhận định, sự thay đổi thứ hạng này chỉ là tạm thời, kỳ vọng khi đại dịch kết thúc, Hartsfield-Jackson Atlanta sẽ tiếp tục trở lại vị trí dẫn đầu.
4. Sân bay cao nhất thế giới
Vượt qua độ cao 4.334m của sân bay Qamdo, Daocheng Yading, nằm tại khu người Tạng Garzi thuộc tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc được ghi nhận là sân bay cao nhất thế giới với độ cao 4.411m so với mực nước biển. Daocheng cũng không đứng ngoài danh sách một trong mười sân bay hàng đầu của Trung Quốc.
Tổng chi phí đầu tư lên đến 1,58 tỷ nhân dân tệ, sân bay Daocheng có khả năng phục vụ 280.000 lượt hành khách mỗi năm. Đây sẽ là bước tiến lớn cho tăng trưởng du lịch khu bảo tồn thiên nhiên Yading cách sân bay 130km, nơi nổi tiếng với phong cảnh tuyệt đẹp và được mệnh danh là “vùng đất tinh khiết cuối cùng trên hành tinh xanh”.
5. Những lý do khiến ngành hàng không thế giới bị delay hành lý vào năm 2020
Theo dữ liệu của SITA, công ty công nghệ thông tin đa quốc gia cung cấp các dịch vụ CNTT và viễn thông cho ngành vận tải hàng không, nguyên nhân lớn nhất dẫn đến delay hành lý ở sân bay là do lỗi, sơ suất trong việc trung chuyển hành lý, chiếm hơn 37%. Những lý do còn lại bao gồm do thời tiết, hành lý quá tải, vận chuyển, v.v.
Ảnh hưởng của covid-19 dẫn đến lượng hành khách sụt giảm, do đó lượng hành lý bị xử lý sai phạm cũng đã giảm rất nhiều so với năm 2019. Theo thống kê của trang web Luggage Hero, chỉ tính riêng trong năm 2020 tại Hoa Kỳ, trong tổng số 203.324.335 hành lý có 853.821 hành lý bị xử lý sai, chiếm 0,42%. Trong khi đó, năm 2019, có tới 2,8 triệu hành lý đã bị các hãng hàng không Hoa Kỳ xử lý sai phạm trong tổng số 484.683.339 hành lý chiếm khoảng 0.58%.
6. Chuyến bay đắt nhất thế giới
Etihad đã gây choáng váng khi công bố Căn hộ 3 phòng chưa từng có trên chiếc Airbus A380 vào năm 2014, vượt xa những dãy phòng hạng nhất trước đây như Singapore Suites cũ và dãy phòng hạng nhất của Emirates.
Theo thống kê của trang web Airport Spotting, vé hạng “Residence” của hãng hàng không Etihad Airways được xem là đắt nhất thế giới, với mức giá lên tới 64.000 USD một chiều.
Hành khách mua vé hạng “Residence” sẽ được cung cấp không chỉ một ghế ngồi tiện nghi mà là cả một cabin như khách sạn 5 sao. Căn hộ trên không cho 2 người này bao gồm một phòng ngủ có một giường đôi, một phòng khách và một phòng tắm với vòi hoa sen. Và đặc quyền khi mua vé máy bay đắt đỏ này là hành khách sẽ được phục vụ bởi đầu bếp riêng với một thực đơn đặc biệt 7 món.
7. Hãng hàng không lớn nhất thế giới
Theo số liệu thống kê tháng 9 năm 2021 của OAG, hãng hàng không lớn nhất thế giới dựa trên doanh thu, số lượng ghế và lượng hành khách chính là American Airlines. Tuy chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch covid-19, American Airlines vẫn dẫn đầu về số lượng hành khách với 895 máy bay. Cụ thể, với hơn 250 triệu ghế ngồi, American Airlines đã vận chuyển hơn 200 triệu lượt hành khách bay nội địa và quốc tế cùng hơn 2.3 triệu chuyến bay (chỉ số đúng giờ 78,40%), trên khắp 57 quốc gia và lãnh thổ tại 6 châu lục. Top 4 hãng hàng không lớn nhất thế giới vẫn thuộc về các hãng hàng không của Mỹ lần lượt là Delta Air Lines, Southwest Airlines và United Airlines.
Hồng Đào
Top 10 các nhà khai thác cảng và bến container bận rộn nhất thế giới