Kể từ khi bắt đầu đại dịch, Trung Quốc đã phải đối mặt với nhiều thách thức bất ngờ, mới đây nhất là cuộc khủng hoảng năng lượng do thiếu điện trầm trọng. Theo báo cáo 28/9 của Tập đoàn Lantou, các tỉnh chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất có thể kể đến như Tân Cương, Thanh Hải, Vân Nam, Giang Tô, Phúc Kiến, Quảng Tây và Quảng Đông, đều là những nơi tập trung các công ty sản xuất lớn của Trung Quốc.
Toàn bộ hệ thống điện năng của Trung Quốc đều do tập đoàn lưới điện quốc gia State Gird nắm độc quyền. Mặc dù Bắc Kinh vẫn đang dẫn đầu thế giới về các công trình thủy điện lớn như đập Tam Hiệp hay các nguồn năng lượng sạch từ gió và mặt trời thì điện năng Trung Quốc vẫn đang phụ thuộc rất lớn vào than đá khi có đến ⅔ điện năng tiêu thụ được sản xuất từ các nhà máy nhiệt điện than.
Khủng hoảng điện bắt nguồn từ…
Theo bloomberg, nhằm chứng minh cho thế giới thấy quyết tâm của Bắc Kinh trong việc giảm khí thải, hướng tới phi cacbon hóa, chính quyền Trung Quốc hạn chế gia tăng sản lượng điện, điều tiết bằng cơ chế kế hoạch hóa mà không tuân theo nguyên tắc khách quan của thị trường. Mục tiêu đề ra của Trung Quốc là việc sử dụng điện phải tăng với tốc độ thấp hơn GDP. Tuy nhiên, trong nửa đầu năm nay, sử dụng điện tăng 16,2%, trong khi GDP tăng 12,7%. Đáng lưu ý, GDP dự kiến sẽ tiếp tục giảm trong nửa cuối năm còn nhu cầu điện vào mùa đông thì xu hướng cao hơn. Bắc Kinh đang sẵn sàng hi sinh mức tăng trưởng kinh tế để cải cách cơ cấu kinh tế trong nhiều lĩnh vực.
Giá than nhiệt tại Trung Quốc đã tăng gần gấp 3 lần từ đầu năm 2021 đến giữa tháng 10, đạt mức cao kỷ lục lịch sử. Sau khi Bắc Kinh thực hiện các biện pháp can thiệp mạnh mẽ, mặc dù có sự giảm sút, tuy nhiên, giá hiện vẫn cao hơn 200% so với cùng kỳ năm trước. Thậm chí, một số chuyên gia dự báo nếu không có các biện pháp mạnh mẽ hơn nữa, thì giá than nhiệt sẽ vẫn tiếp tục tăng cao trở lại. Giá than tăng cao nhưng giá điện vẫn ở mức thấp, dẫn đến mâu thuẫn giữa các nhà khai thác than và các nhà máy nhiệt điện. Một số nhà máy nhiệt điện than đã buộc phải đóng cửa để “bảo trì”, thực chất là để tránh thua lỗ. Điều này càng góp phần khiến cuộc khủng hoảng năng lượng ở Trung Quốc trầm trọng hơn.
Đáng lưu ý, căng thẳng thương mại Trung Quốc – Australia cũng đã giáng một đòn mạnh đến xuất khẩu than tại Úc, nước xuất khẩu than lớn thứ 2 Trung Quốc chỉ sau Indonesia trong nhiều năm nay. Chỉ trong năm 2020 Australia đã xuất khẩu 35 triệu tấn than nhiệt sang Trung Quốc và gần 50 triệu tấn vào 2019. Sau lệnh trừng phạt, sản lượng xuất khẩu than gần như bằng 0, chỉ còn 1 số ít được dỡ khỏi các cảng do bị chậm thông quan.
Cùng với đó, nhiều khu vực trên thế giới đang mở cửa trở lại sau khi buộc phải đóng cửa vì COVID-19, làm tăng nhu cầu sản xuất tại Trung Quốc để phục vụ xuất khẩu, dẫn đến nhu cầu tiêu thụ điện tăng vọt. Vấn đề tắc nghẽn cảng khiến cho việc xuất nhập khẩu hàng hóa bị đình trệ, mặt hàng than nhiệt cũng không nằm ngoài danh sách. Ách tắc, giá cước vận tải biển, thiếu hụt container góp phần làm cho giá than nhiệt tăng cao.
Tất cả tạo ra cơ hội mới cho các nước trong khu vực, đặc biệt là ở Đông Á và Đông Bắc Á, đồng thời cũng đặt ra bài toán tìm kiếm nguồn cung mới do thiếu hụt nguồn cung cấp than và giá than đang tăng cao kỷ lục.
Nỗ lực tìm kiếm nguồn cung mới của chính quyền Trung Quốc
Hiện tại, chính quyền trung ương và địa phương tại Trung Quốc đang tích cực tìm kiếm các giải pháp cho tình trạng thiếu hụt năng lượng trong nước trước mùa đông, đặc biệt là ở các tỉnh phía đông bắc của nước này, nơi sẽ phải đối mặt với cái lạnh âm độ trong những tháng tới.
Khi giá than toàn cầu tiếp tục tăng, chi phí vận chuyển và thuế quan tăng cao là yếu tố phá vỡ thỏa thuận đối với Trung Quốc. Chính vì lẽ đó, bên cạnh nguồn cung lớn nhất từ Indonesia, việc khuyến khích việc tìm nguồn cung cấp than gần hơn là điều tất yếu. Theo Global Times, Trung Quốc hiện đang tìm cách nhập khẩu than từ Nga và Mông Cổ, hai quốc gia có vị trí địa lý gần Trung Quốc hơn Australia.
Được biết đến là quốc gia xuất khẩu năng lượng lớn, Nga đã và đang đóng một phần không thể thiếu cho lĩnh vực năng lượng của Mông Cổ và Trung Quốc. Phần lớn trữ lượng than của Nga nằm gần Đông Bắc Trung Quốc, điều này đồng nghĩa với việc nhập khẩu than từ Nga có thể tiết kiệm được rất nhiều chi phí vận chuyển.
Trong năm 2020, nguồn cung cấp than của Nga cho Trung Quốc đã chứng kiến sự tăng trưởng ổn định. Cụ thể, trong nửa đầu năm nay, sản lượng xuất khẩu đạt 24,15 triệu tấn than, tăng từ mức 16,2 triệu tấn trong cùng kỳ năm 2020, tương đương với gần 50%. Đáng chú ý chỉ trong tháng 9, Trung Quốc đã nhập khẩu khoảng 3,7 triệu tấn than nhiệt, tăng 28% so với tháng 8 và cao hơn 230% so với một năm trước.
Một nước láng giềng phía Bắc khác là Mông Cổ, cũng là một giải pháp tiềm năng cho cuộc khủng hoảng năng lượng của nước này. Một tháng sau lệnh cấm của Trung Quốc đối với than của Australia, xuất khẩu than của Mông Cổ sang Trung Quốc đã tăng 17,17%. Mới đây, theo dữ liệu từ Hải quan Mông Cổ, trong suốt 9 tháng đầu năm, sản lượng than xuất khẩu của Mông Cổ đạt tổng cộng 11,9 triệu tấn, trong đó 11,3 triệu tấn được xuất khẩu sang Trung Quốc, chiếm khoảng 95% tổng kim ngạch.
Đối với Mông Cổ, xuất khẩu than và ngành công nghiệp khai thác nói chung sẽ tiếp tục là nguồn đầu tư và kinh doanh chính của đất nước. Đây là một cơ hội không thể bỏ lỡ, đặc biệt khi xem xét tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm chạp của Mông Cổ và thỏa thuận có vấn đề kéo dài với Rio Tinto.
Với sự phong phú về nguồn cung than, Mông Cổ và Nga không chỉ là hai đối tác quan trọng với ngành công nghiệp sản xuất nặng, mà còn có ý nghĩa chiến lược về cả hai mặt kinh tế và chính trị, là một giải pháp hỗ trợ toàn diện, giúp Trung Quốc thoát khỏi tình trạng thiếu hụt năng lượng.
Hồng Đào
Khủng hoảng điện ở Trung Quốc, các doanh nghiệp lớn liệu có thể chịu thêm một cú sốc cung nữa?