Mối lo ngại đứt gãy chuỗi cung ứng dệt may, da giày
Thông tin được nêu ra trong buổi đối thoại trực tuyến “Chung sức vì sự phục hồi bền vững ngành dệt may – da giày Việt Nam”, do hai Hiệp hội Dệt may Việt Nam và Hiệp hội Da – giày – túi xách Việt Nam tổ chức ngày 8-10.
Làn sóng COVID-19 lần thứ tư xảy ra khi ngành dệt may và da giày bước vào mùa cao điểm trong sản xuất xuất khẩu với số lượng đơn hàng tăng mạnh khi các thị trường truyền thống như Mỹ, EU, và Trung Quốc đều phục hồi. Đợt dịch lần này đã ảnh hưởng trực tiếp tới các khu công nghiệp.

Thực hiện khảo sát ngành dệt may – da giày trong làn sóng COVID-19 năm 2021 cho thấy nhiều trung tâm sản xuất lớn tại khu vực phía Nam buộc phải tạm dừng hoạt động kéo dài. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất và việc làm của lao động.
Có tới 65,3% doanh nghiệp được khảo sát nằm trong khu vực áp dụng chỉ thị 16 ngừng hoạt động và 62,7% doanh nghiệp FDI vẫn duy trì hoạt động ở mức tối thiểu. Nguyên nhân là doanh nghiệp phải chịu gánh nặng chi phí khi thực hiện mô hình “3 tại chỗ”, chiếm trên 20% chi phí vận hành.
Nhiều doanh nghiệp cũng không thể hoàn thành đúng tiến độ, khi có 48,8% được hỏi chậm giao hàng; 23,8% chưa chắc chắn sẽ được hoàn thành và khoảng 20% cho biết phải hủy. Một số khách hàng đã hủy đơn hàng và rút sang Trung Quốc, Indonesia, .v.v Ngoài ra, một số doanh nghiệp dệt may và da giày còn bị các nhãn hàng phạt vì giao hàng chậm.
Từ đó, có 60% người lao động đang làm việc bị giảm thu nhập do giãn ca, làm việc không liên tục; 62% người lao động ngừng việc. Thiếu việc làm khiến cho 34,1% người lao động có triệu chứng bệnh lý căng thẳng. Trên 60% người lao động được hỏi muốn di cư về quê, và họ mong muốn hồi phục sức khỏe, tâm lý cho bản thân, con cái trong thời gian ngắn.

Với tâm lý lo sợ lây nhiễm cùng với đời sống khó khăn, do không đi làm, không có thu nhập đã khiến hàng triệu người lao động rời bỏ TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai, .v.v về quê, và không ít trong số đó là công nhân dệt may, da giày.
… Và nguyên nhân đằng sau
Chuỗi cung ứng dệt may, da giày lại một lần nữa có nguy cơ đứt gãy không phải do yếu tố cung – cầu bên ngoài, mà do chính yếu tố trong nước, trong đó việc khan hiếm lao động là một nguyên nhân chính.
Hiện nay, một số nhà máy da giày được phủ vaccine COVID-19 lên tới 80 – 90%, nhưng với những quy định ngặt nghèo để mở cửa sản xuất trở lại đã khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Những doanh nghiệp đi đến “đường cùng”, họ chấp nhận mở cửa sản xuất rồi chịu phạt sau vì nếu tiếp tục đóng cửa thì nhiều doanh nghiệp sẽ phá sản.
Cùng với đó là vấn đề lưu thông giữa các địa phương cũng là cản trở lớn vì lực lượng lao động của hai ngành dệt may và da giày nằm rải rác ở các tỉnh, việc đi lại sẽ rất khó khăn ở các tỉnh khác nhau.
Thúy Huyền
ĐỌC THÊM:
Đứt gãy chuỗi cung ứng nông sản Đông Nam Á