Hội đồng quản trị Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) vừa ban hành Nghị quyết về việc điều chỉnh bổ sung kế hoạch đầu tư vốn năm 2021 của Tổng công ty với số tiền là 7,5 triệu USD (tương đương 173 tỷ đồng) để tăng vốn góp của Tổng công ty tại Công ty TNHH Cảng quốc tế SP-PSA. Qua đó, duy trì tỷ lệ sở hữu tại công ty là 15%.
Hội đồng quản trị VIMC cũng thông qua phương án tăng vốn điều lệ của Công ty TNHH Cảng quốc tế SP-PSA để thực hiện tái cấu trúc nợ với ngân hàng. Cụ thể, vốn điều lệ của Cảng SP-PSA sẽ tăng từ 63,5 triệu USD lên 113,5 triệu USD, trong đó các cổ đông Công ty PSA Việt Nam Pte. Ltd góp 24,5 triệu USD, Công ty Cổ phần Cảng Sài Gòn góp 18 triệu USD và VIMC góp 7,5 triệu USD.
Về hình thức tăng vốn điều lệ, các cổ đông của SP-PSA góp bổ sung vốn bằng tiền theo tỷ lệ sở hữu tại SP-PSA. Việc góp vốn phải hoàn thành trước ngày 12/11. Hiện tại, các cổ đông này đang sở hữu lần lượt 49%, 36% và 15% vốn tại cảng quốc tế nói trên.
SP-PSA là cảng container nước sâu đầu tiên của khu vực Cái Mép – Thị Vải, bắt đầu hoạt động từ năm 2009 với tổng chi phí đầu tư ban đầu là 240 triệu USD. Trong đó, cổ đông PSA góp 31,1 triệu USD bằng tiền, phía cổ đông Việt Nam góp 32,4 triệu USD bằng quyền sử dụng đất, vay dài hạn từ các ngân hàng nước ngoài là 158 triệu USD và vay từ ba cổ đông là 33 triệu USD.
Năm 2014, cảng SP-PSA đã vay thêm từ phía PSA Việt Nam 14,4 triệu USD để thanh toán cho các ngân hàng đã cho vay trong đợt tái cấu trúc khoản vay lần thứ nhất.
Tại ngày 30/6/2021, dư nợ gốc từ các ngân hàng cho vay là 109,9 triệu USD.
Theo tờ trình cổ đông của Cảng Sài Gòn, Cảng SP-PSA không có khả năng thanh toán nợ gốc và lãi như đã cam kết với các ngân hàng.
Sau khi đàm phán, phía ngân hàng đã đồng ý xóa bỏ 66,9 triệu USD, tương ứng gần 61% dư nợ gốc nếu các cổ đông thanh toán toàn bộ số nợ gốc 43 triệu USD cho các ngân hàng trước tháng 10/2021.
Sau khi tất toán nợ, SP-PSA sẽ sửa chữa, bảo trì lại các máy móc thiết bị, tuyển thêm nhân sự và tìm kiếm cơ hội khai thác hàng container, từng bước tăng sản lượng hàng container và giảm tỷ trọng khai thác hàng rời.
Phan Quyên
ĐỌC THÊM: