Theo bản tin dẫn nguồn của Cơ quan An toàn thực phẩm Ireland (FSAI) nêu rất chi tiết (tên nhãn hàng, trọng lượng, hạn dùng), nước này vừa thu hồi lô hàng xuất khẩu của Acecook Vietnam với hai sản phẩm mì Hảo Hảo tôm chua cay (77g, ngày sản xuất 24/3/2021) và miến Good hương vị sườn heo (56g, ngày sản xuất 10/5/2021); cùng một sản phẩm xuất xứ từ Trung Quốc là mì Yato Seafood (120g, hạn sử dụng 30/11/2022), do liên quan việc chứa chất ethylene oxide (EO).
Điều đó có nghĩa là trong hàng chục sản phẩm của DN, không phải loại mì nào, lô hàng nào cũng chứa chất EO và bị thu hồi. Tuy nhiên có rất nhiều trang báo mạng, các KOLs đăng bài gây hiểu lầm, gây hoang mang cho số đông người tiêu dùng.
Tại cuộc họp báo chiều 28/8 ở TP HCM, đại diện Acecook Vietnam đã giải thích: “Công ty tuyệt đối tuân thủ các quy định của không chỉ Việt Nam mà tất cả nước xuất khẩu. Hai sản phẩm xuất sang châu u kể trên là hàng dành riêng cho thị trường này, không phải sản phẩm nội địa. Tất cả sản phẩm đang lưu hành tại thị trường Việt Nam đều tuân thủ quy định Việt Nam, bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng.”
Ngay sau khi nhận được thông tin FSAI đăng tải, Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Anh đã liên hệ với phía Ireland đề nghị chia sẻ thông tin chi tiết để phục vụ công tác kiểm tra của các cơ quan quản lý trong nước đối với quy trình sản xuất và quản lý chất lượng của Acecook Việt Nam.
Ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán Công sứ Việt Nam tại Vương quốc Anh, cho biết cảnh báo nói trên không phải là một quyết định hành pháp mà chỉ là cảnh báo cấp độ 2. Trong những trường hợp như vậy, nhà phân phối tại Ireland sẽ dừng bán và thông báo tại các điểm bán hàng về việc thu hồi sản phẩm đã bán. Người tiêu dùng có thể trả lại sản phẩm đã mua và được hoàn lại tiền theo hóa đơn.
Bài học kinh nghiệm sau vụ việc
Từ chuyện này thấy ngay một vấn đề mà các bộ, ngành hữu quan và các doanh nghiệp ngành thực phẩm, đồ uống lẽ ra phải truyền thông đầy đủ tới người tiêu dùng từ lâu, chứ không phải khi hữu sự mới lao vào tìm hiểu. Cụ thể, như trong trường hợp này, chất EO được dùng nhiều để khử trùng, kể cả tẩy rửa nguyên liệu thực phẩm. Liên minh châu Âu (trong đó có Ireland) không chấp nhận thực phẩm đóng gói chứa EO nhưng một số thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc thì chấp nhận. Tại Việt Nam, theo Thông tư 50/2016/TT-BYT của Bộ Y tế thì EO là chất không thuộc danh mục được quy định về giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm.
Vụ việc sản phẩm mỳ Hảo Hảo và miến Good bị thu hồi tại một số nước cũng là lời “cảnh tỉnh” đối với các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thực phẩm muốn xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài. Theo đó, doanh nghiệp phải có hệ thống quản lý chất lượng đạt tiêu chuẩn EU không chỉ đối với quy trình sản xuất kinh doanh nội bộ mà còn phải có giải pháp hữu hiệu đảm bảo mọi nguồn nguyên liệu cung cấp từ bên ngoài không chứa các chất tồn dư bị cấm.
Hồng Đào
ĐỌC THÊM:
Tp. HCM: Các siêu thị đồng loạt tăng dự trữ hàng hoá gấp 5-7 lần