Nhu cầu mua sắm tăng mạnh trong thời dịch
Do ảnh hưởng đại dịch Covid-19 nên nhu cầu mua sắm trực tuyến của khách hàng tăng một cách nhanh chóng. Cụ thể trong vòng 12 tháng tính đến tháng 6/2021, khách hàng đã chi tiêu 610 tỷ USD trên Amazon. Bên cạnh đó, Walmart công bố doanh số 566 tỷ USD trong 12 tháng tính đến 7/2021. Nếu tính cả Trung Quốc đại lục, Alibaba hiện vẫn đang là nhà bán lẻ lớn nhất thế giới vì cả Walmart và Amazon đều không hoạt động tại quốc gia này.
Như vậy, Amazon đã đánh bại được một trong những công ty bán lẻ thành công nhất trong vài thập niên trở lại đây. Được biết, Walmart dựa vào mô hình bán lẻ với khả năng tối ưu chi phí vận hành mà nhờ đó có thể bán hàng với giá thấp hơn và vượt qua mọi đối thủ trước đây. Tuy nhiên, công nghệ hiện đại ngày nay đã giúp các công ty bán lẻ như Amazon có những lợi thế và giành chiến thắng. Tốc độ giao hàng và số lượng hàng hóa đa dạng đã giúp Amazon thu hút được lượng khách hàng khổng lồ và lượng khách hàng trung thành ngày càng tăng.
Theo một số ước tính từ nhà phân tích, doanh số bán hàng của Walmart đã tăng mạnh trong thời kỳ đại dịch, nhưng không sánh được với Amazon. Cụ thể, trong khi doanh số bán hàng của Walmart đã tăng 24 tỷ USD trong năm ngoái thì tổng giá trị giao dịch hàng hóa trên Amazon đã tăng gần 200 tỷ USD. Hiện nay, hãng bán lẻ trực tuyến này đã bổ sung hàng trăm nhà kho mới và thuê khoảng 500.000 công nhân kể từ đầu năm ngoái.
Vì cách tính toán số liệu khác nhau nên so sánh giữa Amazon và Walmart đôi khi khá khập khiễng. Với Walmart, việc xác định được giá trị doanh số khá đơn giản vì toàn bộ hàng bán ra đều được giao từ kho hàng của chính Walmart và số liệu cũng được công khai hàng quý. Bên cạnh đó, các nhà phân tích phải tính toán doanh số bán hàng của Amazon theo cách “ước tính” vì phần lớn những gì khách hàng mua trên nền tảng này đều đến từ các nhà bán hàng bên thứ ba. Amazon thường chỉ công bố báo cáo bao gồm phí mà Amazon thu được từ các giao dịch này.
Thành công hay đi liền với tai tiếng?
Khi Amazon bước lên ngai thống trị, người ta cũng bắt đầu dò xét họ kỹ hơn. Công ty đã bắt đầu nhận được nhiều lời phàn nàn về cách đối xử với người lao động hay những tác động đến nền kinh tế địa phương và quốc gia. Điều đó tương tự những gì Walmart phải đối mặt trong thời kỳ phát triển bùng nổ nhất hơn 10 năm trước.
Để đa dạng hóa sản phẩm cho người dùng có thể lựa chọn, Amazon đã mở cửa website cho gần 2 triệu nhà bán hàng bên thứ ba, bên cạnh các sản phẩm mà nó tự phân phối. Với mô hình này, rất khó để có thể đánh giá quy mô thực sự của Amazon. Họ chỉ báo cáo số phí thu được từ các nhà bán hàng, thay vì số tiền thực tế chảy qua mô hình kinh doanh của họ. Trong 12 tháng gần nhất, Amazon báo cáo tổng doanh thu bán lẻ đạt 390 tỷ USD. Dù vậy, tổng doanh số sản phẩm, bao gồm cả các giao dịch bên thứ 3, cao hơn gần 60%.
Amazon cũng không thường xuyên công bố GMV (tổng giá trị giao dịch) của mình. Tuy nhiên, vào năm 2019, trước áp lực các vụ điều tra liên quan đến độc quyền, Amazon chia sẻ GMV đạt 227 tỷ USD như một cách để chứng minh các nhà bán hàng bên thứ 3 đang tăng trưởng nhanh hơn bản thân các mặt hàng do Amazon phân phối.
Phan Quyên
ĐỌC THÊM:
Walmart, Ikea và Amazon gặp sự cố liên quan đến khí thải hàng hải