Thiếu sự đồng bộ hóa trong khâu quản lý tại các địa phương
Hơn 1 tuần trước, một sà lan chở hàng từ Việt Trì, Phú Thọ đi đến cảng biển Đình Vũ, Hải Phòng với hành trình đi qua Hà Nội, Bắc Ninh và Hải Dương, trong đó có Hà Nội đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Tuy nhiên, phương tiện lưu thông qua Hà Nội, Bắc Ninh không bị kiểm tra, nhưng khi đến địa bàn Hải Dương thì bị chốt kiểm soát dịch yêu cầu tất cả thuyền viên phải có giấy xét nghiệm âm tính với COVID-19 mới được lưu thông qua địa bàn.
Một số địa phương không áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 như Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang nhưng lại yêu cầu toàn bộ người trên phương tiện thủy khi giao nhận hàng tại các cảng, nhà máy phải có xét nghiệm y tế PCR có hiệu lực 72 giờ.
Tương tự, tại khu vực phía Nam, trong khi các tỉnh như Long An, Bình Dương không kiểm tra giấy tờ y tế đối với phương tiện lưu thông thì hai tỉnh Đồng Tháp, An Giang lại kiểm tra nghiêm ngặt. Bên cạnh đó, An Giang, Kiên Giang cấm các phương tiện lưu thông từ 18h hôm trước đến 5h sáng hôm sau, tuy nhiên, sau đó An Giang đã cho phép phương tiện chở lúa, gạo, cá, rau củ và trái cây lưu thông.
Sở GTVT Cà Mau cho biết các phương tiện thủy thu, mua lúa cũng gặp cản trở do không được lưu thông qua các chốt kiểm dịch trên sông. Do đó, Cục Đường thủy đã có văn bản đề nghị Sở GTVT Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang và Kiên Giang tham mưu UBND tỉnh có biện pháp tạo điều kiện cho phương tiện thủy vận chuyển lúa, nông sản được lưu thông qua địa bàn tỉnh, đảm bảo vận chuyển hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân vùng có dịch.
Theo các Cảng vụ đường thủy khu vực phía Nam, vận tải khó khăn dẫn đến nhiều cảng, bến thủy phải tạm dừng hoạt động. Cụ thể, trong tuần đầu tháng 8/2021, trong số hơn 2.900 cảng, bến thủy do cảng vụ Trung ương quản lý có tới hơn 2.650 cảng bến dừng hoạt động, trung bình mỗi ngày chỉ có hơn 200 lượt phương tiện vào, rời cảng bến.
Gấp rút mở “luồng xanh” đường thủy
Thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT, để khắc phục tình trạng trên, Cục Đường thủy nội địa VN sẽ xây dựng quy trình vận tải thủy thống nhất giữa các tỉnh, thành trên toàn quốc trong thời gian diễn ra dịch COVID-19 nhằm bảo đảm lưu thông hàng hóa bằng đường thủy thông suốt giữa vùng an toàn đến vùng có dịch hoặc ngược lại.
Theo đó, Cục phối hợp với Sở GTVT các địa phương công bố các tuyến “luồng xanh” đường thủy liên tỉnh. Sở GTVT địa phương công bố “luồng xanh” đường thủy tại địa phương.
Các phương tiện thủy đăng ký và được Cục Đường thủy nội địa Việt Nam và Sở GTVT cấp qua mạng thẻ nhận diện ưu tiên có mã QR Code, sau đó dán lên phương tiện để lưu thông thuận lợi trên “luồng xanh”. Trên hành trình vận tải, phương tiện có dán thẻ nhận diện còn hiệu lực sẽ không bị kiểm tra trên tuyến hoặc tại chốt kiểm dịch. Trường hợp phương tiện không có thẻ hoặc thẻ hết hạn, tất cả thuyền viên bị kiểm tra về khai báo y tế và giấy chứng nhận xét nghiệm với SARS-CoV-2.
Khi phương tiện ở trong cảng bến, thuyền viên chỉ được ở trên tàu và được ủy quyền cho người trên bờ làm thủ tục cảng vụ. Nếu không có người ủy quyền, chỉ cử 1 người lên làm thủ tục và phải tuân thủ quy định của Bộ Y tế về phòng dịch.
Phần mềm cấp, quản lý thẻ và phương tiện thủy được lưu thông trên “luồng xanh” đang được khẩn trương hoàn thiện. Dự kiến ngay trong tuần này sẽ công bố các tuyến “luồng xanh” đường thủy trên toàn quốc.
Minh Ngô
Đọc thêm: